Nhạc sĩ Thuận Yến kể chuyện về Thanh Lam

Thanh Lam sửa tên bài hát cho ba

Ngôi nhà của nhạc sĩ Thuận Yến nằm khuất trong ngõ nhỏ phố Đê La Thành (Hà Nội). Câu chuyện mà nhạc sĩ và chúng tôi nói đến là ca sĩ Thanh Lam, cô “con gái rượu” của ông. Dù trước khi ra khỏi nhà, ca sĩ Thanh Lam đã ghé vội qua phòng khách, thì thầm vào tai bố: “Nhất định không được cao hứng mà nói đến chuyện riêng tư của con đâu đấy!”.

Nhạc sĩ Thuận Yến kể chuyện về Thanh Lam ảnh 1 

Tuy được con gái nhắc khéo nhưng trong gần 3 giờ đồng hồ, Lam là cái tên được nhắc đến gần như xuyên suốt câu chuyện mà nhạc sĩ kể cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết ngồi nghe nhạc sĩ say sưa nói về Lam.

“Một ca khúc nổi tiếng, được công chúng ghi nhận không phải do người sáng tác quyết định mà chính do người hát làm cho bài hát đó thăng hoa. Những ca khúc của tôi có sức sống trường tồn cho đến bây giờ, tất cả là đều nhờ vào cách thể hiện của Lam. Tôi phải cảm ơn con vì điều đó”. Sau lời tâm sự, nhạc sĩ tự chứng minh bằng những câu chuyện gắn liền với một thời của ký ức:

“Ca khúc Khát vọng là do chính Lam đặt. Khát vọng được phổ theo lời bài thơ Tình yêu của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Ban đầu tôi lấy luôn tên ca khúc là Tình yêu nhưng Lam cứ một mực yêu cầu ba phải đổi thành Khát vọng. Và nó tìm cách thuyết phục, giải thích đến khi nào mình bị khuất phục mà thôi. Và rồi khi Lam thể hiện ca khúc đó, tôi mới hiểu vì sao Lam lấy tên là Khát vọng. Lam đã cháy hết mình, đã thể hiện một tràn tràn trề và sâu sắc như chính những gì viết trong ca khúc.

Rồi với Chia tay Hoàng hôn, Hoa tím ngoài sân (thơ Thanh Tùng), con bé đã vụt sáng trong Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần 1 năm 1991 với 6 điểm 10 của 6 vị giám khảo. Đêm hôm đó tôi đứng ở bên ngoài một bờ tường, lần đầu tiên, hai giọt nước mắt lăn chảy dài trên má. Sau này, Chia tay Hoàng hôn trở thành ca khúc được khán giả yêu cầu hát nhiều nhất mỗi khi có sự xuất hiện của Lam. Tôi nghĩ, cái tên Thuận Yến được sống một cách sống động trong tai của người nghe đều bắt nguồn từ giọng hát của Lam”.

“Khi thu thanh một ca khúc nào đó hoặc hai bố con cùng tập một bài hát mới, Lam thể hiện độ bướng dữ lắm. Không phải cứ cái gì mình áp đặt vào là nó cứ như vậy mà làm theo đâu mình là bố nhưng phần nhiều mình phải nghe nó ấy chứ. Trước khi lên sân khấu, trước một ca khúc mới, Lam thường tập đi tập lại từ 10 đến 15 lần. Nhìn nó đau đáu từng bài hát mà thấy thương con. Thường thì trong một gia đình làm nghệ thuật, con cái chịu sự ảnh hưởng của bố mẹ dữ lắm. Nhưng Thanh Lam thì không”.

Khích lệ con bằng nụ cười

“Chính cuộc sống khó khăn của gia đình đã dạy cho Lam cách quán xuyến gia đình. Để có được căn nhà sang sủa, thoáng đãng như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải di chuyển chỗ ở khá nhiều lần. Còn nhớ lúc Lam 6 tuổi, cả gia đình chúng tôi sống trong một căn nhà dột nát ở phố Đại La. Cứ đến mùa mưa, nước ngập cả khu nhà. Vì nhà nghèo nên chúng tôi thường mải mê kiếm tiền, Lam hồi đó phải thay bố mẹ giải quyết mấy cái vụ ngập nước trong nhà. Con bé nghĩ ra cách đặt cậu em trai 3 tuổi của mình lên hộp cây đàn Piano để tránh rơi xuống nước. Chuyện nấu nướng, chặt củi, gánh nước cũng trở thành chuyện nhỏ. Cho đến bây giờ, nó vẫn thường trách đùa mẹ đã làm lưng nó gù đi rất nhiều vì phải gánh nước thường xuyên”.

Nhạc sĩ Thuận Yến có cách yêu con rất riêng, ông thường giấu nỗi buồn và lo lắng về sự trắc trở tình duyên của con gái vào một góc rất sâu trong tâm hồn. Ông chỉ lấy nụ cười để khích lệ con gái. Ông thừa nhận: “Dù Lam là một đứa con gái có thừa bản lĩnh và vững vàng nhưng tôi vẫn còn lo lắng về nó rất nhiều. Tuy nhiên lo thì lo vậy thôi chứ mình cũng không giúp gì được cho nó nhiều nên chỉ biết cổ vũ con”.

Theo Hoà An (NNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm