“Nhánh lan rừng” mãi nở

Ra đời gần tròn 26 năm, ca khúc Nhánh lan rừng của nhạc sĩ Thế Hiển không chỉ là một hồi ức đẹp về một loài hoa, một bài hát sinh ra trong thời hoa lửa mà đã trở thành một thương hiệu của những hành trình từ thiện đầy ắp tình người. Ở tuổi ngoài 50, Thế Hiển vẫn còn hăm hở mang lời ca, tiếng hát đi khắp nơi để xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh.

“Nhánh lan rừng” mãi nở ảnh 1

Nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển

Một hình tượng đẹp

Năm 1986, Thế Hiển cùng nhóm xung kích Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận 479 ở Campuchia. Tuy chỉ có 10 ngày cùng sống và hát biểu diễn với anh em chiến sĩ nhưng cũng chính tại đây, Thế Hiển nhận ra tinh thần lạc quan, yêu đời và những mơ ước đơn sơ, giản dị của người lính chiến đấu xa quê hương.

Mong ước mang niềm vui cho đời

Ngày 29-4-2012, nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển vinh dự đón nhận danh hiệu NSƯT do Nhà nước trao tặng ngay trên hành trình ra quần đảo Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, kỷ niệm chương của Bộ Tư lệnh Hải quân “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam” cũng đã được trao cho anh trong lần ra đảo này. Trong nguồn cảm xúc dạt dào, Thế Hiển đã sáng tác ca khúc Vỏ ốc biển như lời tri ân các chiến sĩ Trường Sa thân yêu.

Những ngày tháng 3 vừa qua, NSƯT Thế Hiển lại khăn gói mang đàn đến với các chiến sĩ tiền đồn biên giới phía Bắc để tiếp tục sáng tác và hát ca ngợi các chiến sĩ miền biên cương của Tổ quốc.

Gần 40 năm cống hiến cho những ca khúc nhân văn, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, Thế Hiển tâm sự: “Mong ước lớn nhất của tôi là dùng lời ca tiếng hát của mình để mang đến cho đời những niềm vui, nụ cười; góp phần chia sẻ, xoa dịu những nỗi đau, bất hạnh của con người. Tôi thấy cuộc sống mình đẹp và có ý nghĩa hơn từ những chương trình từ thiện như thế. Cảm ơn những người hảo tâm đã cùng đồng hành với tôi trong suốt những hành trình nhân văn ấy.

Thời ấy, ở rừng Siem Reap, hoa lan đua nhau nở, nhất là giữa những vách núi chênh vênh 2 bên bờ suối. Sau những giờ hành quân, chiến sĩ rủ nhau đi tìm nhánh lan rừng đẹp nhất về treo quanh lán trại. Anh vẫn nhớ như in có một chiến sĩ quê ở TPHCM khoe: “Anh Hiển ơi! Em sắp được về phép rồi. Lúc đó, em sẽ mang nhánh lan rừng về tặng cho người yêu. Em ước mơ và chờ mong được trở về TP vào mùa xuân này”.
Hình ảnh nhánh lan rừng vẫn sống, vẫn ra hoa giữa rừng cây chết cháy vì bom đạn và câu chuyện xúc động của người lính trẻ đó đã khiến Thế Hiển xúc động, những giai điệu của Nhánh lan rừng từ đó ùa về trong nguồn cảm hứng dạt dào: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người trên phố phường đông vui”.

Hình ảnh chiến sĩ mang ba lô cài nhánh lan rừng náo nức đi về TP giữa mùa xuân thật đẹp và ý nghĩa. Nó tượng trưng cho niềm tin yêu, sự lạc quan vào một ngày mai sum họp. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, có được bao người lính mang nhánh lan rừng về sum họp với gia đình, với người yêu? Có những người đã nằm xuống, mãi lỡ hẹn với mùa xuân, với mối tình đẹp như nhánh lan rừng. Song Thế Hiển không đưa hình ảnh này vào bài hát vì muốn giữ một tinh thần yêu đời, lạc quan để làm món quà động viên cho người lính: “Gửi muôn lời hát trong tâm tư người lính trẻ, vẫn hẹn ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ...”.

Những hành trình không mỏi

Người ta gọi Thế Hiển là nhạc sĩ của lính và hè phố khi có hàng loạt sáng tác về đời lính gian khổ cũng như những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Để có được những ca khúc đầy sức sống ấy, trái tim Thế Hiển đã bao lần trăn trở trước những phận đời mà mình bắt gặp trên mỗi chặng đường đi qua.
Năm 1991, Thế Hiển ra Hà Nội gặp những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ sống bằng nghề đánh giày, bán vé số, những em bé nằm co ro bên vỉa hè, góc phố giữa đêm mưa giá rét... và ca khúc Dấu chấm hỏi đã ra đời. Một lần đến thăm thương binh ở Quân y viện 175, bài hát Những giọt nước mắt từ đôi mắt không còn được viết dành tặng cho những người thương binh không còn đôi mắt lành lặn.
Không chỉ có những sáng tác đồng cảm với số phận con người, Thế Hiển còn ôm đàn hát với những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước. Còn nhớ live show xuyên Việt mang tên Nhánh lan rừng qua các tỉnh - thành của anh, diễn ra khoảng năm 2004 - 2005 đã giúp đỡ cho rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh, sinh viên, trẻ em nghèo khó…

Sau thành công của Nhánh lan rừng, hành trình xoa dịu nỗi đau của Thế Hiển được tiếp tục bằng chương trình Những khúc tâm ca đường phố. Chương trình không nằm ngoài mong muốn đóng góp vào quỹ từ thiện của các tỉnh - thành nơi chương trình đi qua.

Người ta gọi Thế Hiển là “Nhánh lan rừng nở mãi” bởi hôm nay đã bước qua tuổi 50 nhưng người nhạc sĩ - ca sĩ này vẫn còn sung sức, đầy đam mê, nhiệt huyết để tiếp tục những hành trình nhân văn của mình. Là ủy viên ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM từ năm 1998 đến nay, Thế Hiển đều đặn tham gia các chương trình từ thiện, đến các mái ấm, trường học, ôm đàn ngồi ca hát vô tư, hồn nhiên với mọi người. Những cuộc hành trình không mệt mỏi là vậy nhưng Thế Hiển vẫn khiêm tốn cho rằng âm nhạc của mình chỉ là một chiếc cầu nhỏ, nối nhịp giữa lòng hảo tâm và những số phận không may mắn cần được hỗ trợ và đáp đền trong xã hội.

Nói về hành trình từ thiện, Thế Hiển chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại lúc nào, không biết khi nào kết thúc. Bởi “Nhánh lan rừng” Thế Hiển vẫn còn khát khao cất vang lời ca, tiếng hát; bởi những tấm lòng nhân ái vẫn luôn đồng hành ủng hộ những việc làm của anh để mang đến cho đời những niềm vui. Vì thế, dấu chân người nhạc sĩ của những phận đời lam lũ sẽ còn in ở rất nhiều nơi anh đi qua.

Theo MINH NGA (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm