Nhảy, múa hải ngoại đổ dồn về Việt Nam

Cái tên đầu tiên khi nhắc đến nhảy, múa từ nước ngoài trở về Việt Nam chính là John Huy Trần.

Nhảy hiện đại của Mỹ

Sự trở về của John Huy Trần trong vai trò giám khảo, biên đạo múa cho So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy) mùa đầu tiên đã mở ra một con đường mới cho nhiều nghệ sĩ nhảy hiện đại gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Sau John Huy Trần là Matt Dumbo (Nguyễn Hữu Quốc Vinh), Alexander Tú Nguyễn (Alex Tú) và gần hơn là Tony Trần, Charles Nguyễn. Đây là những tên tuổi từng thành công tại nhiều cuộc thi nhảy ở Mỹ mà đáng chú ý nhất là cuộc thi America’s Best Dance Crew (Nhóm nhảy xuất sắc nhất nước Mỹ). Như Matt Dumbo Nguyễn và Charles Nguyễn từng là thành viên nhóm Poreotics, Alex Tú và Tony Trần thì cùng là thành viên nhóm Jabbawockeez.

Điểm chung của các vũ công, biên đạo trẻ này là ước muốn trở về làm điều gì đó cho Việt Nam. Từ khi khăn gói trở về cho đến nay, sau hai năm lăn lộn với nhiều dự án nhảy, múa cho các tài năng trẻ lẫn dùng những bước nhảy để gây các quỹ từ thiện; Alex Tú vừa cùng Tony Trần, Charles Nguyễn, ca sĩ Thanh Bùi, nghệ sĩ piano Vân Anh Nguyễn (Úc) và nhà sản xuất âm nhạc Chi Thanh (người Đức gốc Việt - nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy) hoàn thành một MV nhảy (dance). MV dance với tên gọi Missing You vừa ra mắt ngày 29-7 vừa qua được Alex Tú thực hiện với mong ước: “Mang những tài năng âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và giới thiệu âm nhạc, nghệ thuật thế giới đến Việt Nam. Và đây là sản phẩm trong dự án Vietnam The World Tour mà chúng tôi ấp ủ từ khi còn ở nước ngoài”.

Và quả thực Missing You đã mang một phần nhỏ Việt Nam qua những điệu nhảy hiện đại trên nền các danh thắng: núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), nhà cổ hơn 200 tuổi ở Hội An, cung An Định và Đại Nội (Huế).

Cùng đó, trong suốt năm qua, Alex Tú đã miệt mài tìm kiếm ra hàng chục bạn trẻ để thành lập nhóm nhảy The LYRICIST. Thành tựu đầu tiên của The LYRICIST là vượt qua hàng ngàn thí sinh từ khắp nơi trên thế giới để trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất, và là đại diện Việt Nam đầu tiên tham dự vào chương trình Dance Prom tại nhà hát Royal Albert Hall (London, Anh) vào tháng 10 sắp tới.

Tony Trần, Alex Tú và Charles Nguyễn từ các nhóm nhảy hiện đại của Mỹ trở về với dự án Vietnam The World Tour. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Dấu ấn xiếc múa ở NónÀ Ố Show

Không hào nhoáng như các nhóm nhảy nhưng tên tuổi của biên đạo Tuấn Lê (Đức) cùng anh em đạo diễn âm nhạc - nghệ sĩ xiếc Nguyễn Nhất Lý và Nguyễn Lân Maurice đã làm nên À Ố ShowLàng tôi. Biên đạo Tuấn Lê là nghệ sĩ Việt duy nhất cho đến hiện tại từng là nghệ sĩ solo cũng như đạo diễn nhiều vở của Cirque du Soleil (Đoàn xiếc Mặt Trời từng được dựng thành phim). À Ố ShowLàng tôi hiện là những chương trình nghệ thuật đủ sức sống bằng tiền bán vé, có lịch diễn định kỳ tại Nhà hát TP.HCM. Mỗi khách du lịch khi đến TP.HCM hay những khán giả trong nước muốn xem nghệ thuật xiếc, múa cùng đa dạng nhạc cụ, đạo cụ từ truyền thống Việt đều mong muốn được xem chương trình này.

Và gần nhất, hai nghệ sĩ hiện đang sinh sống, làm việc tại châu Âu là Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải tiếp tục đem vở múa Nón trở về với công chúng Việt. Vũ Ngọc Khải là diễn viên của nhà hát Staatstheater Braunschweig (Đức) và từ tháng 8 này, anh sẽ làm việc tại Phoenix Dance Theater (Anh). Trước khi trở về với Nón, Vũ Ngọc Khải từng là cái tên sáng giá trong các vở múa đương đại từng thành công trên sân khấu ở TP.HCM những năm qua: Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Tích tắc, Sương sớm, Tơ… Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang là người có khả năng sáng tác và chơi thuần thục các nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny và đặc biệt là chiêng dây (một nhạc cụ thất truyền hiện chỉ còn hai cây). Tiếng hát của anh trong ca khúc Về đồi non ở vở múa Nón khi kết hợp với biên đạo, diễn viên múa Vũ Ngọc Khải đã đưa đến khán giả nhiều cung bậc khác nhau với múa đương đại. Khải và Quang cùng mong muốn đem âm nhạc dân tộc kết hợp cùng múa đương đại.

Mỗi nhóm múa, mỗi nhóm nhảy, mỗi nghệ sĩ mang trong mình một thể loại thuận tay riêng nhưng dường như tất cả nghệ sĩ khi trở về Việt Nam thì mục đích của họ không đơn giản chỉ là biểu diễn, kiếm tiền mà xa hơn là những dự án góp phần xây nên một hình hài mới cho nhảy, múa cũng như “xốc” lại thị hiếu khán giả khi thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Làm văn hóa, còn chi quý hơn sự trở về và đồng lòng như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm