Nhiễu loạn đô thị Việt Nam

"Nghệ thuật công cộng trong thành phố" là chủ đề của Salon văn hóa cà phê thứ bảy vừa diễn ra tại Hà Nội. Diễn giả của chương trình là họa sĩ Phan Cẩm Thượng, trong bài trình bày của mình ông đã kỳ công dẫn giải vai trò của nghệ thuật công cộng đối với thành phố, qua sự dẫn chiếu giữa không gian nghệ thuật ở các thành phố khác và đô thị Việt Nam.

 Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Tư duy của người Việt Nam rất rời rạc, thiếu phương án tổng thể. Ảnh: V Thịnh

Lấy ví dụ từ Con đường gốm sứ của Hà Nội, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đánh giá, những hình ảnh được thể hiện trên con đường này cho thấy tư duy của người Việt Nam rất rời rạc, thiếu phương án tổng thể. Điều này cũng được ông chứng minh qua không ít tượng đài ở Hà Nội.

Những nhiễu loạn được họa sĩ Phan Cẩm Thượng đề cập đến trong giao thông, xây dựng, âm thanh… Trong đó nhiễu loạn về xây dựng khá phổ biến ở các đô thị, khi mỗi cá nhân đều chỉ vun vén cho cái đẹp của ngôi nhà mình mà không quan tâm lắm đến cảnh quan xung quanh.

Thực ra quy định về xây dựng trong các thành phố lớn cỡ như Hà Nội hay Tp.HCM không phải là không có, nó sát đến mức người thành phố vẫn thường nói đùa: “Một xe gạch chạy vào ngõ nhỏ, ông thanh tra xây dựng phát hiện ra ngay”. Tuy nhiên, sự quyết liệt của nhà chức trách thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố, lợi ích cá nhân, lợi ích của người xây dựng và sự “uyển chuyển” của các quy định kể trên.

Sự nhiễu loạn còn diễn ra ở lĩnh vực văn hóa. Mới đây nhất, dư luận xôn xao về sự chây ì hay thái độ cương quyết của bên thu và bên bị thu tác quyền âm nhạc.

 Nhạc sỹ Phó Đức Phương trong lần vào Đà Nẵng đòi tiền tác quyền đêm nhạc Khánh Ly. Ảnh: NĐT

Quy định của pháp luật không thiếu để người sử dụng bản quyền âm nhạc phải thực thi trách nhiệm của mình, nhưng khi va đập với thực tế thì “quy định của pháp luật” lại được vận dụng phù hợp với thực tiễn. Phù hợp ở đây theo lý giải của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đó là, bỏ qua quy định về phần trăm trích lại của phí tác quyền trong doanh thu biểu diễn, khi “Tình hình thu phí ở phía Bắc khó quá, chúng tôi áp dụng hình thức thu khoán theo địa điểm biểu diễn, ví dụ như cứ diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội là chúng tôi thu 18 triệu/đêm diễn”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay. Số tiền bản quyền đó sau khi được trích lại một phần cho trung tâm sẽ được chia cho các tác giả. Ông Phương cũng cho rằng làm như thế là chưa đúng theo quy định của pháp luật lắm, nhưng vì tình hình phức tạp nên thu được ít còn hơn không… và thế là luật phải thỏa hiệp với thực tế.

Mới đây nhất, nghị định 62 về việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cũng vừa được ban hành. Đáng nói là nghị định có nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn như bắt buộc người muốn được phong tặng danh hiệu NNƯT phải có 15 hoạt động trong lĩnh vực. Quy định là thế, giấy trắng mực đen là thế, nhưng một lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL được giao phụ trách vấn đề này vẫn đến khuyên một nghệ nhân trẻ cứ làm hồ sơ, dù cô này chưa đủ 15 năm hoạt động trong lĩnh vực, lý do ông này đưa ra là : Nguyên tắc là thế, nhưng cô đủ tiêu chí thì cứ làm.

Hai ví dụ trên đều cho thấy sự thỏa hiệp của những người được giao trách nhiệm giám sát xã hội, giám sát hoạt động lĩnh vực khi áp vào thực tế. Khi luật không phù hợp với thực tiễn nó sẽ tạo ra những tiền lệ theo kiểu “Nguyên tắc là thế nhưng…”. Nhiều lần linh động, nhiều lần thỏa hiệp, luật bỗng dưng uyển chuyển như đường Trường Chinh ở Hà Nội, lúc cần cong thì cong, lúc cần thẳng nhất định phải thẳng. Đó có lẽ cũng là một phần căn nguyên của sự nhuôm nhoam hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm