Những chuyện tình dễ chịu giữa Sài Gòn

Trong những suất chiếu trước đó dành cho báo chí, giới chuyên môn… xem phim xong hầu như ai gắn bó với TP này cũng tìm thấy một phần của mình trong bộ phim.

Có lẽ không đâu như Sài Gòn được nhiều người yêu mến để đưa vào sách, phim như vậy. Sài Gòn, anh yêu em là bộ phim về Sài Gòn, về những câu chuyện tình dễ chịu, về chuyện nắng mưa... giữa TP này.

Đó là cuộc tình chồng Tây - vợ Việt của ông lãnh sự cùng cô vợ người Sài Gòn luôn mê đắm với những hàng me, góc phố.

Đó là chuyện tình chớm nở của một anh chàng Việt kiều với một bạn trai trong hành trình về lại quê tìm cha.

Đó là chuyện tình chờ đợi của người phụ nữ luôn đam mê sự nghiệp mà đánh rơi tình yêu hai lần nhưng tình yêu vẫn ở đó, cùng Sài Gòn để nói “Sài Gòn, anh yêu em”.

Đó là chuyện tình mẹ với người con trai đồng tính, cả hai nghèo nhưng giàu tình nghĩa, mẹ và con xưng với nhau là “chế - mấy người” như bạn bè.

Và hơn cả đó là cuộc tình đào - kép cải lương như mang nợ của hai người tình già, để người đàn ông dẫu chết vẫn chịu diễn Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh cho người tri kỷ của mình một lần được vào vai đào chính trong đời.

Cặp đôi nghệ sĩ cải lương đã về chiều trong Sài Gòn, anh yêu em là một minh chứng cho tình tri kỷ cả một đời. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Mỗi câu chuyện tình trong phim quẩn quanh với con phố, cơn mưa, màu nắng của Sài Gòn. Người xem được thấy những góc nhỏ Sài Gòn dễ thương vô cùng với nhà thờ Đức Bà, những bó nhang, mái đình cổ, chợ hoa ban sớm, phục trang tuồng tích cũ, cơm tấm, cà phê vỉa hè…

Và cả một Sài Gòn hiện đại với cầu Mống cổ vẫn sáng trưng đèn cho những cặp yêu nhau, đại lộ Võ Văn Kiệt rực đèn vàng cho TP tươi trẻ trong đêm, đường sách TP.HCM - một biểu trưng văn hóa mới nhất của TP đã đưa bao chuyện tình về dưới những hàng me…

Và điều làm nên linh hồn Sài Gòn, anh yêu em ngoài những câu chuyện tình chính là những ca khúc, trích đoạn cải lương… được nhạc sĩ Đức Trí dụng công viết cho phim.

Dẫu chưa phải là một bộ phim thật hoàn hảo, bởi phim vẫn còn nhiều chỗ diễn xuất gượng gạo của tay ngang như ca sĩ Đoan Trang, hay có đôi chỗ đáng ra không nên có thoại bởi thoại chỉ nhắc tới lui những điều đã diễn ra trên màn ảnh…

Nhưng quả không dễ xử lý khi đây là bộ phim đầu tay của nhà sản xuất lẫn đạo diễn và khó hơn khi họ chọn lối làm phim với nhiều câu chuyện kể, đa dạng các tuyến nhân vật như Sài Gòn, anh yêu em.

Nhưng điều làm nên sự khác biệt của Sài Gòn, anh yêu em chính là càng về cuối phim người xem càng thấy dễ chịu và ra về trong dư vị dễ chịu đó; nó hoàn toàn khác với nhiều phim Việt thời gian qua khi phim phần giới thiệu hay phân nửa đầu phim rất tốt nhưng xử lý nửa sau phim lẫn kết thúc thì lại rời rạc.

Những trích đoạn cải lương được nhạc sĩ Đức Trí lồng ghép đưa đến nhiều xúc cảm cho khán giả. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Và có lẽ điều mà cả người xem, nhà làm phim cần nhất chính là lời cảm ơn đến mảnh đất này. Sài Gòn là một TP thật thà, chỉ có hai mùa mưa nắng; để ở đó dù có những ngày nắng ngập tràn hạnh phúc hay những ngày mưa buồn vì thiếu một đôi vai để tựa… thì Sài Gòn vẫn luôn dặn người ta rằng cứ yêu đi dù mưa hay nắng.

Sài Gòn, anh yêu em khép lại bằng những câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc Em còn nhớ em hay em đã quên rằng“Em còn nhớ hay em đã quên? Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng. Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường từng đêm thao thức. Sáng che em vòm lá me xanh”.

Giữa Sài Gòn, chính tình yêu, tình người đã xoa dịu được những con phố ngập mưa, những trận buồn bế tắc… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm