Những con rối nước cuối cùng ở Sài Gòn

Xưởng làm rối nước của ông Oánh nằm ở một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM). Nói là xưởng nhưng thực ra đó chỉ là khoảnh sân rộng khoảng 20 m2 mà ông thuê trước dãy nhà trọ để nuôi dưỡng đam mê của mình.

Giữ hồn văn hóa dân tộc

Ông Oánh là người Hà Tây (cũ). Gia đình không có truyền thống làm rối nước nhưng như định mệnh sắp đặt, ông bắt đầu gắn bó với những con rối khi còn là sinh viên Trường CĐ Nhạc họa Trung ương Hà Nội.

“Khi còn là sinh viên, tôi tham gia một lễ hội văn hóa và được xem những trò múa rối mà các nghệ nhân diễn. Tôi thấy rất thích và háo hức trong lòng. Sau hôm đó, tôi quyết định sẽ tìm hiểu về rối nước” - ông nói.

Dù đang học chuyên ngành điêu khắc và tạo hình, ông Oánh vẫn quyết định nghiên cứu về rối nước. Ông xin theo học nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng, một trong những nhà nghiên cứu múa rối đầu tiên của Việt Nam. Năm 21 tuổi, ông chập chững tạo hình cho những con rối đầu tiên.

Vào TP.HCM năm 2007, ba lần chuyển trọ ông đều tận dụng những khoảnh sân nhỏ gần phòng để tiếp tục làm nghề nhưng loại hình rối nước ít phổ biến ở đất phương Nam. Nhiều lần nản ông lại dọn hết đồ đạc qua một bên, tính tìm công việc khác để làm. Nhưng vì quá đam mê, quá nhớ nghề, ông lại làm tiếp, mãi rồi càng không thể bỏ được. Hiện ông bỏ hàng chủ yếu cho Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TP.HCM.

“Có lúc tôi tự nhủ rằng sẽ kiếm việc khác làm để còn lo cho vợ con, nhưng rồi không làm được. Càng đam mê tôi càng thấy tiếc cho một nét văn hóa của đất nước mình, nó hay vậy mà mất dần đi thì tiếc biết bao nhiêu. Tôi làm để giữ gìn một bản sắc của dân tộc mình chứ không nghĩ đến chuyện kinh tế” - ông Oánh tâm sự.

Ông Oánh tỉ mẩn vẽ nét đặc thù cho từng con rối. Ảnh: THANH TUYỀN

Chưa nhắm mắt ngủ ngon được…

Để tiếp tục làm nghề, ông Oánh phải làm thêm ở ngoài. Ông nhận làm điêu khắc gỗ cho nhiều nơi, có khi chạy việc vặt trong nhiều xưởng gỗ... Theo ông, làm rối nước khó nhất là thổi hồn vào từng con vật, từng nhân vật cụ thể. Để làm nên một con rối hoàn chỉnh, bên cạnh tay nghề cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân gian từng vùng miền. Có như vậy những con rối làm ra mới đúng với những chi tiết lịch sử cũng như có được cái hồn.

25 năm gắn bó với nghề, ông Oánh đã từng xây dựng một mô hình rối nước thu nhỏ với hy vọng đưa rối nước đến gần với từng gia đình, từng trẻ nhỏ để giữ gìn được nét văn hóa lâu đời của đất nước. Nhưng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên ông đã bán lại mô hình đó cho một người cũng mê rối nước ở Đà Nẵng.

“Tôi vẫn chưa đủ khả năng để xây một xưởng làm rối khang trang hơn, cũng không thể mang nghệ thuật rối nước đến gần hơn với mọi người. Chưa làm được điều này, tôi chưa nhắm mắt ngủ ngon được” - ông trăn trở.

Dù rất muốn có một thế hệ học trò mới làm nghề nhưng đến nay ông Oánh vẫn không tìm được người để truyền dạy. Hai người con trai của ông cũng không muốn theo nghề này lâu dài mà chỉ muốn phụ giúp cho ông đỡ vất vả.

“Nhiều người đến đây tìm hiểu nhưng rồi sau đó lắc đầu, không học tiếp nữa. Cũng không trách họ được vì nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn và phải liên tục học hỏi, liên tục sáng tạo. Hơn nữa, thu nhập lại quá thấp nên khó có ai kiên nhẫn để học” - ông Oánh tâm tư.

Suốt chín năm nay ở TP.HCM, ông vẫn luôn đau đáu với nghệ thuật rối nước của nước nhà.

Ước mơ đưa rối nước vào từng gia đình

Ông Oánh đang nuôi ước mơ đến một ngày nào đó sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu về nghệ thuật múa rối nước ngay tại trung tâm TP.

“Trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu chuyên về nghệ thuật múa rối nước. Biết đâu nơi đây sẽ trở thành nơi lui tới của nhiều nhà nghiên cứu, những người có niềm yêu thích với rối nước, họ đến đó để chia sẻ, để chuyện trò về nghề này. Đó cũng là nơi mà tôi mong ước sẽ quảng bá nền văn hóa của nước mình với bạn bè khắp năm châu; là nơi mà bất kỳ ai cũng có thể đến để cùng chúng tôi tự tay làm ra những con rối, tỉ mẩn chọn màu sơn, cuối cùng là đưa chúng ra trình diễn trên sân khấu nghệ thuật hoặc mang về nhà mình trình diễn cho trẻ con xem. Ai cũng có thể tham gia được hết, ai cũng có quyền được biết đến nét văn hóa này của dân tộc” - ông Oánh nói trong sự háo hức.

Ông Oánh còn bày tỏ mong ước một ngày không xa sẽ đưa rối nước vào từng ngóc ngách, ngõ hẻm của đời sống thường ngày. Tôi hỏi ông làm bằng cách nào, ông đáp gọn lỏn với sự hào hứng: “Nếu biết được sinh nhật của ai đó trong bất cứ gia đình nào, tôi sẽ mang đến tặng họ một tiết mục diễn rối nước, đó là món quà duy nhất mà tôi rất muốn tặng cho mọi người. Không chỉ là sinh nhật mà bất kỳ ngày đặc biệt nào trong gia đình họ, tôi sẵn sàng đến từng nhà để làm điều đó. Như thế cũng là cách mà mọi người sẽ biết đến một nét đặc trưng của văn hóa nước mình”.

__________________________________

Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước, là một sáng tạo đặc biệt của người Việt.

Múa rối nước đã ra đời hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Trò rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm