Những giả thuyết bí ẩn về cuộc đời danh họa Van Gogh

Van Gogh là một trong những danh họa được hậu thế yêu mến nhất, là một cái tên kinh điển của trường phái Hậu Ấn tượng với những bức tranh thể hiện một tâm hồn lúc sầu muộn, ủ ê, khi say mê, cuồng nhiệt. Van Gogh đã vẽ nên những siêu phẩm hội họa bằng chính cuộc đời nhiều bi kịch của mình.

Cuộc đời ông chứa đựng những câu chuyện bí ẩn. Cho đến giờ, hậu thế vẫn không ngừng phát hiện và đưa ra những giả thuyết mới về ông. Van Gogh không chỉ là một thiên tài hội họa, mà còn là một nhân vật truyền cảm hứng…

Hãy cùng nhìn lại những giả thuyết thú vị về Van Gogh mà các nhà nghiên cứu từng đưa ra:

Hoa hướng dương trong tranh Van Gogh bị đột biến gen

Hoa hướng dương trong tranh Van Gogh bị đột biến gen: Tại sao những bông hoa hướng dương trong tranh Van Gogh lại khác với những bông hoa hướng dương thường thấy? Trước đây, người ta vốn cho rằng Van Gogh đã cách điệu những bông hoa, để khiến chúng trở nên khác lạ, hoặc đây có thể là hệ quả của chứng bệnh tâm thần.

Thực tế không phải như vậy, các nhà thực vật học đã khẳng định rằng, những bông hoa trong tranh Van Gogh rất giống với những bông hướng dương bị đột biến gen. Những người trồng hoa có thể đã giữ lại những bông hoa có nét đẹp lạ để đem bán cho họa sĩ. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn không hiểu đột biến nào có thể khiến một bông hoa hướng dương có nhị xanh như trong tranh Van Gogh.

Van Gogh có thể bị mù màu

Van Gogh có thể bị mù màu: Phải chăng việc Van Gogh thường dùng những màu đậm, chói, gắt là hậu quả của chứng mù màu? Để lý giải cho cách pha trộn màu sắc phi truyền thống của Van Gogh, một chuyên gia thị giác người Nhật đã đặt ra giả thuyết rằng Van Gogh có vấn đề trong việc cảm thụ sắc đỏ, chính vì thế, ông thường dùng những tông màu đậm, gây ấn tượng mạnh với người xem.

Van Gogh không sáng tạo nghệ thuật một cách ngẫu hứng, bột phát

Van Gogh không sáng tạo nghệ thuật một cách ngẫu hứng, bột phát: Người ta luôn hình dung Van Gogh là một thiên tài hội họa sáng tạo nghệ thuật rất ngẫu hứng, ông vẽ như để thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên mà không hề có sự tính toán trước.

Thực tế, khi nghiên cứu những tác phẩm của Van Gogh, người ta nhận ra rằng ông rất cẩn thận, luôn tiến hành sáng tạo có phương pháp. Ông hiểu rất rõ đặc tính của nhân vật, sự vật mà mình khắc họa, tạo bố cục một cách cẩn trọng, không hề có sự tình cờ, ngẫu hứng. Van Gogh thực tế đã luôn sáng tạo một cách có chủ đích.

Van Gogh có thể đã không tự cắt tai mình

Van Gogh có thể đã không tự cắt tai mình: Ngày 23/12/1888, Van Gogh trong cơn tức giận đã bị mất kiểm soát, ông chạy bổ về phía họa sĩ Paul Gauguin - người bạn ở chung nhà - với chiếc dao cạo trên tay, nhưng may mắn, Van Gogh đã kịp dừng lại. Hành động bột phát đó khiến Van Gogh thấy ăn năn và đêm hôm đó, ông tự cắt tai mình rồi đi tới một nhà thổ, đưa chiếc tai cho một cô gái bán hoa.

Cô gái này đã gặp cảnh sát trình bày sự việc, cảnh sát đã kịp thời tìm đến nhà Van Gogh để cấp cứu cho ông khỏi chết vì mất máu. Đó là câu chuyện phổ biến nhất về… chiếc tai của Van Gogh.

Nhưng còn một giả thuyết khác rằng Gauguin, vốn là một tay kiếm giỏi, đã cắt tai Van Gogh trong lúc tức giận. Sau khi bình tĩnh lại, hai người thỏa thuận sẽ giữ im lặng: Gauguin muốn tránh bị truy tố, còn Van Gogh muốn níu kéo người bạn mà ông rất quý mến. Tuy vậy, sau khi sự việc êm xuôi, Gauguin liền rời đi, sự trống vắng để lại làm Van Gogh khổ sở và rơi vào tình trạng bất ổn, để rồi phải vào trại tâm thần.

Van Gogh có thể đã bị sát hại

Van Gogh có thể đã bị sát hại: Người ta thường tin rằng Van Gogh đã tự sát bằng một phát súng, nhưng cũng có một giả thuyết nhận được nhiều sự đồng thuận khi cho rằng Van Gogh đã bị sát hại ở tuổi 37.

Việc Van Gogh vốn mắc những chứng bệnh tâm thần đã khiến giả thuyết về một vụ tự sát thắng thế. Nhưng thực tế, trước khi xảy ra vụ việc, Van Gogh không hề có dấu hiệu nào của việc muốn tự sát.

Ngày 27/7/1890, ở tuổi 37, Van Gogh tự bắn một phát súng vào ngực, tuy vậy, người ta chẳng bao giờ tìm thấy khẩu súng, không có ai chứng kiến sự việc và địa điểm tự sát cũng không rõ ràng.

Viên đạn bắn vào ngực Van Gogh đi chệch hướng do trúng một chiếc xương sườn, nó đã xuyên qua ngực ông nhưng chưa đủ để lấy đi mạng sống. Sau đó, Van Gogh tự đi về nhà trọ và được hai bác sĩ tới thăm khám, nhưng họ không thể gắp viên đạn ra khỏi cơ thể ông. Vậy là Van Gogh chết vì vết thương bị nhiễm trùng sau 29 tiếng trúng đạn.

Trước khi qua đời, người ta đã hỏi Van Gogh xem có phải ông đã tự tử không, ông nói: “Vâng, tôi tin là vậy” - một câu trả lời đầy ẩn ý. Ngoài ra, những giá, cọ, màu vẽ mà Van Gogh mang theo khi đi ra cánh đồng hôm xảy ra vụ việc là để làm gì nếu không phải để vẽ?

Sắc đỏ trong tranh Van Gogh dần chuyển sang sắc trắng

Sắc đỏ trong tranh Van Gogh dần chuyển sang sắc trắng: Trong sáng tác, Van Gogh thường sử dụng màu công nghiệp vì tiện lợi và rẻ tiền. Đáng buồn là loại màu này không bền với thời gian, giờ đây, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng không chỉ những màu sáng chói trong tranh Van Gogh đang dần mất đi, mà ngay cả sắc đỏ vốn tưởng rất bền cũng đang dần biến đổi sang màu trắng.

Van Gogh đưa bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa” vào tranh

Van Gogh đưa bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa” vào tranh: Bức “Hiên quán cà phê về đêm” của Van Gogh khắc họa một nhóm người đang ngồi trong quán cà phê. Số lượng nhân vật, cách sắp đặt vị trí từng nhân vật, cách khắc họa, màu sắc tranh và những dấu thấp tự lẩn khuất trong hậu cảnh khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một tác phẩm mang nhiều biểu tượng tôn giáo, gợi nhắc tới bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa” do danh họa Leonardo Da Vinci thực hiện.

Trước đây, người ta cũng đã nhiều lần bắt gặp những biểu tượng tôn giáo trong tranh Van Gogh, thực tế, ông là một người sùng đạo và từng ước muốn trở thành một mục sư.

Tranh Van Gogh thể hiện những hiểu biết về thiên văn

Tranh Van Gogh thể hiện những hiểu biết về thiên văn: Năm 1889, Van Gogh đã sáng tạo ra một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới - bức “Đêm đầy sao”. Bức tranh đi vào lịch sử như một trong những tác phẩm mỹ thuật khắc họa bầu trời đêm đẹp nhất.

Người ta cho rằng những vòng xoáy ốc xuất hiện trong tranh đã khắc họa Thiên hà Xoáy ốc ngoài vũ trụ. Có thể bức “Đêm đầy sao” đã lấy cảm hứng từ hình ảnh Thiên hà Xoáy ốc của nhà vũ trụ học người Anh - William Parsons, thực hiện năm 1850. Tuy vậy, nhiều người cũng cho rằng những vòng xoáy ốc này phản ánh tâm trạng mong manh, thất thường của Van Gogh.

Theo Bích Ngọc (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm