Nơi “gặp gỡ” của các di tích lịch sử Việt Nam

Lần đầu tiên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tổ chức cuộc vận động sáng tác ảnh với chủ đề “Di tích lịch sử cách mạng”. Hội đồng thẩm định đã chọn được 49 trong tổng số 178 tác phẩm ảnh của 28 tác giả để trưng bày giới thiệu tới công chúng.

Đình Tân Hưng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Cà Mau (Tác giả Nguyễn Hoàng Minh).
Đình Tân Hưng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Cà Mau (Tác giả Nguyễn Hoàng Minh).

Theo thống kê, cả nước ta hiện nay có gần 3000 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia, đa số di tích này đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hoặc trong khu vực tôn giáo. Những tác phẩm ảnh lần này của các nghệ sĩ đã giúp cho công chúng có được cái nhìn so sánh một cách thực tế về các di tích lịch sử cách mạng trong cả nước từ xưa đến nay. Được biết, một nửa trong số 100 bức ảnh và hiện vật trưng bày tại cuộc triển lãm này là những tác phẩm mới được các nghệ sĩ chụp trong năm 2007 và đầu năm 2008.

Đặc biệt, trong cuộc triển lãm lần này có xuất hiện một số bức ảnh chụp di tích lịch sử ở nhiều tỉnh thành lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng như: Bức ảnh về Núi thờ Phan Đình Phùng (ở Hà Tĩnh); Tượng đài trong nhà thờ Phú Quốc (Kiên Giang); Khu di tích lịch sử Hòn Đất; Khu di tích Nà Tu- Cẩm Giàng (Bắc Kạn)…

Cũng nhân kỷ niệm hai ngày lễ lớn 30-4 và mùng 1-5, sáng nay (25/4), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Bình Định tổ chức triển lãm với chủ đề “Ấn tượng Chăm Pa”.

Cỗ xe cung đình đá, thế kỷ 12-13 (Bình Định) là hiện vật độc bản cổ có mặt trong triển "Ấn tượng Chăm pa" lần này.
Cỗ xe cung đình đá, thế kỷ 12-13 (Bình Định) là hiện vật độc bản cổ có mặt trong triển "Ấn tượng Chăm pa" lần này.

Bộ sưu tập lần này bao gồm 104 hiện vật với nhiều loại hình như: Đầu Makara; rắn Naga; Phù điêu chiến binh; đầu tu sĩ; người cầu nguyện; bàn tay cầm vũ khí… Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày nhiều đồ gia dụng với các loại bình gốm, đĩa, bát các cỡ, cốc, đặc biệt là sự góp mặt của một hiện vật độc bản là "Cỗ xe cung đình" (một hiện vật vừa được thu nhận trong đợt khai quật di tích đền tháp Bánh Ít năm 2002).

Không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu một số cổ vật tiêu biểu thuộc loại hình trang trí kiến trúc của di tích Chăm Pa (như điêu khắc đá, đất nung và đồ gốm), buổi trưng bày lần này đã giới thiệu cho công chúng một góc nhìn về những mối quan hệ giữa Chăm Pa với các nền văn hoá trước và sau nó.

Ban tổ chức cũng cho biết đa số hiện vật này là những phát hiện mới trong các đợt khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Bình Định trong thời gian gần đây. Dự kiến, triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến tháng 9 năm 2008.

BIÊN HÒA - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm