Nơi thắp sáng nghệ thuật ca trù

Nghệ nhân Bạch Vân trong một buổi sinh hoạt của Bích Câu đạo quán.
Nghệ nhân Bạch Vân trong một buổi sinh hoạt của Bích Câu đạo quán.
Từ một kho báu quý giá

Nghệ thuật Ca trù là sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ với giọng hát, hòa cùng các nhạc khí, đem đến cho người nghe tình cảm, tiếng tơ lòng da diết, sâu lắng. Cuốn "Ca trù qua một số tiểu thuyết" có viết: "Đó là một sinh hoạt âm nhạc gắn với nghi lễ long trọng, thực sự xứng đáng là một thú chơi tao nhã, là tiếng nói cao sang, khoáng đạt của tâm hồn mỗi người".

Có thể nói, Ca trù là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật và văn chương vì ca từ chính là thơ ca. Rất nhiều văn nhân, danh sỹ xưa đã viết Ca trù như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà,... Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã ví: “Ca trù là chim họa mi của thơ ca Việt Nam”. Người yêu Ca trù không thể không biết đến những tên tuổi bậc thầy như NSND Quách Thị Hồ, nghệ sỹ Bạch Vân,..., những người hội đủ tiêu chuẩn khắt khe về cầm, kỳ, thi, hoạ.

Không gian biểu diễn của Ca trù gồm 3 người: đào nương, người đệm đàn và người đánh trống chầu. Khi biểu diễn, đào nương phải vừa hát, vừa đệm phách khéo léo. Phách chỉ là mấy thanh tre cật già nhưng dưới đôi bàn tay kỳ diệu của họ, tiếng phách lúc nặng, nhẹ, khi đục, trong khiến người nghe như bị thôi miên.

Bên cạnh đó, cây đàn đáy ba dây bằng tơ, 11 phím thùng vuông, có âm sắc rất đặc biệt là thứ không thể thiếu của người đệm. Tiếng trống chầu thể hiện sự cảm nhận tinh tế, tạo nên mối giao hòa đồng cảm giữa nghệ sĩ và người nghe. Đó là không gian ba người, là “chúa ba ngôi” nhưng “đã tạo nên không khí diệu kỳ, gây cảm xúc mãnh liệt” như giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét.

Tuy là loại hình nghệ thuật có quá trình hình thành và phát triển lâu dài nhưng trong suốt khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1987, Ca trù phải ngậm ngùi "im hơi lặng tiếng" bởi bị gán cho cái tiếng là loại hình nghệ thuật "mua vui" cho khách làng chơi.

Đến nỗi niềm của một đào nương

Xót xa trước nguy cơ mai một của Ca trù, năm 1991, nghệ sĩ Bạch Vân có sáng kiến thành lập một câu lạc bộ, tập hợp nghệ nhân, nghệ sĩ khắp cả nước để bảo tồn và phát triển Ca trù, tên là Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội mà nay được gọi với cái tên quen thuộc - CLB Ca trù Bích Câu hay Bích Câu đạo quán. Chị bảo, với Ca trù, chị có một “tình yêu điên dại”. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc chị đi khắp mọi nẻo đường, tìm đến những nơi nghệ thuật Ca trù từng trải qua thời hưng thịnh như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tây,...; thuyết phục những nghệ nhân nổi tiếng cùng đánh thức tiếng “chim họa mi”.

Tuy nhiên, để thành lập câu lạc bộ đã khó, duy trì hoạt động đều đặn còn khó hơn nhiều. Nghệ sĩ Bạch Vân tâm sự: “Cái khó nhất của CLB là tài chính. Ngoài kinh phí được hỗ trợ trong những hoạt động hiếm hoi như hội thảo, liên hoan, phần lớn đều do chúng tôi tự lo hoặc nhờ vào sự ủng hộ của khán giả trong các lần biểu diễn...”.

Hơn ai hết, nghệ sỹ Bạch Vân hiểu rằng, bên cạnh việc quan tâm tới tinh thần, vật chất của các bậc thầy cao niên nhằm giữ gìn tinh hoa của Ca trù, các nghệ sỹ còn cần phải đào tạo những lớp kế cận một cách bài bản, nghiêm túc. Bên cạnh đó, phải tổ chức liên hoan Ca trù thường niên để hun đúc tài năng trẻ. Bằng tâm huyết của mình, đến nay, mong muốn của chị đã phần nào được toại nguyện.

Và “ngôi nhà” luôn đỏ đèn

Với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như giao lưu, biểu diễn Ca trù, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho khán giả về nghệ thuật Ca trù..., đến nay CLB đã thu hút trên 200 hội viên tham gia. Thành công lớn nhất của CLB, theo nghệ sỹ Bạch Vân là đã duy trì hoạt động đều đặn trong 17 năm qua, và trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc của người yêu Ca trù trong và ngoài nước.

Vào mỗi buổi biểu diễn cuối tuần, cuối tháng, CLB còn thu hút sự góp mặt của nhiều Việt kiều, đại sứ, tuỳ viên văn hoá nước ngoài tại Việt Nam như Trung Quốc, Thụy sĩ, Anh, Ixrael... Sinh hoạt của CLB cũng vì thế trở nên phong phú hơn. Không chỉ biểu diễn, CLB còn thường xuyên giới thiệu giọng hát và chân dung nghệ nhân, nghệ sỹ, giáo phường, thậm chí mời các nhà nghiên cứu giới thiệu về nghệ thuật đàn, trống, phách, thơ và lịch sử Ca trù...

Các thành viên của CLB còn tích cực sưu tầm các bài Ca trù cổ, thu băng hình làm tư liệu, biểu diễn phục vụ các ngày hội, ngày lễ lớn của đất nước. Trước đây, CLB chỉ hoạt động 2 lần/tháng vào các ngày Chủ nhật giữa và cuối tháng thì hiện nay có thêm cả buổi tối các ngày thứ 6, thứ 7 hằng tuần nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức Ca trù của khán giả.

Tin rằng, với tâm huyết của nghệ sỹ Bạch Vân và sự chung lưng của các thành viên, "ngôi nhà" chung ấy sẽ đỏ đèn mỗi tối, để “tiếng chim hoạ mi của thơ ca Việt Nam” được lưu giữ, trân trọng và ngày càng vươn xa.

Theo Ngọc Tâm ( KTNT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm