Nửa cuộc đời “đeo đẳng” hai chữ “cô đơn”

Chẳng bao giờ hết vương vấn “một mình”

“Lối cũ ta về”, một chương trình âm nhạc xuyên Việt với 25 buổi diễn liên tục của nhạc sĩ Thanh Tùng và các ca sĩ nổi tiếng đã để lại một dấu ấn chói lọi trong làng âm nhạc. Nói như NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương: “Cho đến giờ này thì chưa có một nhạc sĩ, ca sĩ nào làm được một chương trình âm nhạc hoành tráng như thế”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng nhận sự chúc mừng của người bạn thân Phạm Chuyên tại buổi họp báo công bố chương trình.
Nhạc sĩ Thanh Tùng nhận sự chúc mừng của người bạn thân Phạm Chuyên tại buổi họp báo công bố chương trình.

Như vậy cũng đủ để nói hình ảnh Thanh Tùng và các ca khúc “đi cùng năm tháng” ấy đã ngấm sâu vào trong tâm trí mỗi người dân để sau một 10 năm im lặng người ta vẫn nhắc đến Thanh Tùng với niềm mến mộ và sự chờ đợi những tín hiệu mới từ trái tim của con người cả đời hiến dâng cho âm nhạc.

Không phụ lòng khán giả, năm nay, khi tuổi ông đã bước sang con số tròn trĩnh 60, sức khoẻ của ông đã giảm sút trông thấy, Thanh Tùng và người bạn “ruột rà” của ông là Phạm Chuyên trong một lần gặp gỡ “chớp nhoáng” đã nảy ra ý nghĩ “cần làm một điều gì đó để Thanh Tùng mãi nằm trong lòng người dân Hà Nội và khán giả Hà Nội luôn nhớ đến Thanh Tùng như một người con nặng lòng với thủ đô”.

“Một mình” là tên chương trình sẽ được công diễn trong 3 đêm liên tục (ngày 2,3,4/5/2008) tại Nhà hát Lớn. Nói về nhan đề chương trình, nhạc sĩ Thanh Tùng cho biết : “Dù tên ca khúc đã quá đỗi quen thuộc với khán giả nhưng tôi vẫn muốn lấy nó, bởi lý do rất giản dị, “Một mình” là bài hát cuối cùng trong chương trình “Lối cũ ta về”.

Đến nay, sau 10 năm vắng bóng tôi muốn “gặp lại” khán giả với ca khúc này. Và tôi cũng hi vọng, bài hát cuối cùng của liveshow “Một mình” sẽ là chủ đề của chương trình âm nhạc của Thanh Tùng lần sau”. Sự trở lại Hà Thành lần này của ông như là sự “trả ơn”, trả nghĩa với nơi đã một thời dành tặng ông một “niềm hạnh phúc no đủ”.

Một thông tin đã được NSND Trần Bình cũng tiết lộ “Dù giá vé của 3 đêm nhạc rất cao nhưng đến đến giờ này đã bán hết sạch.

Điều đó mới thấy rằng khán giả thủ đô vấn luôn ngóng chờ nhạc sĩ Thanh Tùng và sự xuất hiện của ông ở đâu, bao giờ cũng được người dân đón chào nồng nhiệt như thế”.

Vừa đáp xuống sân bay, ông đã tìm về lại chốn xưa và trong một phút xuất thần, ông đã ghi lại cảm xúc của mình bằng ca khúc “Chuyện cổ Nghi Tàm”. Đó là câu chuyện giản dị, một cảm nhận chân tình về một ngôi làng cổ-làng Nghi Tàm, nơi từng ghi dấu mối tình tri kỷ của đôi vợ chồng nhạc sĩ. Con đê trải dài hun hút gió, hương thơm của nhành ngọc lan và những trái ổi găng đến những mái nhà cổ nay đã biến mất, Nghi Tàm giờ đây đã bị “phố hoá”.

Vận dụng thủ pháp “hát xẩm”, “Chuyện cổ Nghi Tàm” sẽ là một câu chuyện mộc mạc được kể bằng âm nhạc do Thanh Tùng “chế tác”. Một ca khúc mới nữa ông cũng dành tặng cho Hà Nội trong liveshow này chính là “Hoa cúc vàng”, một ca khúc đậm chất trữ tình, lãng mạn nói về tình yêu của đôi trai gái, một giấc mơ vẫn mà ở đó Thanh Tùng trở thành “bông cúc” và người vợ đáng yêu của ông chính là “cô gái mùa thu”.

Nhạc sĩ của “Lối cũ ta về” có lẽ chẳng bao giờ hết vương vấn, dường như “một mình” là một cảm giác ám ảnh ông suốt thời kỳ dài trong cuộc đời ông. Có người yêu mến đã dành tặng ông một cái tên “Ngôi sao cô đơn” thậm chí là “Ngôi sao mồ côi” và Thanh Tùng cứ “an phận” với nó như một định mệnh. Bởi ông vẫn nói vui rằng: “

Cho dù đi cùng bạn bè (thậm chí cả bạn gái) nhưng lúc nào tôi cũng chỉ có một mình. Cái tên đó không quan trọng mà chỉ mong rằng hình ảnh của tôi có được trong mắt bạn bè vẫn luôn là người độc thân, là một mình mà thôi”.

“Một mình gà trống nuôi con”

Có rất nhiều thứ để cắt nghĩa cho ra tại sao sự cô đơn trong trái tim ông lại lớn đến như vậy. Xa gia đình từ năm 6 tuổi, trong cả quãng đời từ bé đến giờ là khoảng 54 năm thì Thanh Tùng chỉ vẻn vẹn 18 năm hạnh phúc. Và ông cũng chi li và rạch ròi rằng chỉ có 1/3 quãng đời tôi được hạnh phúc và 2/3 còn lại tôi luôn ở trạng thái cô đơn.

Tuổi già đã khiến cho sức khoẻ của nhạc sĩ Thanh Tùng giảm sút.
Tuổi già đã khiến cho sức khoẻ của nhạc sĩ Thanh Tùng giảm sút.

Tuy vậy, 18 năm được coi là “hạnh phúc” bởi có người vợ thân yêu luôn kề vai sát cánh, lại là 18 năm gian khổ nhất cuộc đời ông bởi khi ấy đất nước đang chìm trong bom đạn. Chính khoảng thời gian này công việc của ông không phải là nhạc sĩ sáng tác mà là người phối khí, phối âm chuyên nghiệp.

Chỉ đến sau này (từ năm 1981) Thanh Tùng mới bắt tay vào viết ca khúc. Lúc đầu bài hát của ông đều mang âm hưởng của một tình yêu nồng nhiệt, hăng say và âm nhạc lúc đó toát lên sự vô tư, trong sáng. Dần dần, những sự cố gia đình dồn dập ập đến, con người ông dần ngấm với “cô đơn” và âm nhạc của ông cũng “đổi màu”.

Cũng là tinh thần lạc quan nhưng lúc này là sự lạc quan của những người kém may mắn. Trong thâm tâm Thanh Tùng luôn thầm cảm ơn vợ, vì chính sự mất mát lớn lao ấy đã khiến cho ông hiểu được sâu sắc hơn hai từ “tìm hiểu”.

Người vợ ra đi và để lại cho ông một gia tài đó là 3 đứa con thơ. “Người đàn ông độc thân này” luôn đau đáu một nhiệm vụ lớn, đó là phải dạy dỗ cho con nên người, được học hành đến nơi đến chốn.

Để kiếm tiền nuôi con ăn học, Thanh Tùng đã bước đến thế giới doanh nhân với vị trí “nhà kinh doanh” nước khoáng Tubo nhưng cái "tôi" nghệ sĩ vẫn nhắn nhủ ông rằng “không để con đói nhưng cũng không để mình hèn”. Đến nay ông vẫn tự hào vì mình luôn là “nhà kinh doanh nghiệp dư" nhưng là một nhạc sĩ chuyên nghiệp”.

NGUYỄN HÒA - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm