Ông Lê Đức Tiến: Tại sao lại "đốt" 200 tỷ!

LTS: Sau khi loạt bài viết Chat với cụ Lý Công Uẩn được đăng tải, và ngay sau đó lại có thông tin dự án phim Lý Công Uẩn đã có Tổng dự toán lên đến gần 200 tỷ đồng. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Để có thông tin chính xác nhất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng PTVN, và là Giám đốc sản xuất dự án này.

Báo chí đang rộ lên thông tin dự án Lý Công Uẩn sẽ “đốt” gần 200 tỷ đồng (10 triệu USD), xin ông cho biết con số này có từ đâu, có phải là Tổng dự toán chính thức từ Hãng phim trình Hà Nội?

Ông Lê Đức Tiến.
Ông Lê Đức Tiến.

- Tôi không hiểu vì sao báo chí lại thông tin như vậy? Và tại sao lại dùng từ "đốt" ở đây?

Theo kế hoạch, tới ngày 31/3/2008 Hãng PTVN mới lập xong Phương án đầu tiên về Dự toán bộ phim trình Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Bộ VH-TT-DL, Ban chỉ đạo làm phim 1000 năm Thăng Long. Vào ngày 22/2/2008 vừa qua, như thường lệ, Hãng PTVN có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL, Ban chỉ đạo làm phim 1000 năm Thăng Long và Sở VH-TT Hà Nội về tiến độ triển khai bộ phim.

Trong bản Báo cáo trên, chúng tôi cũng nêu ý kiến về Quy mô và Kinh tế bộ phim để lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL và Ban chỉ đạo xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Trong các phương án kinh tế, có phương án quy mô lớn, hoành tráng, kỹ xảo và âm thanh chất lượng cao, nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên Tổng dự toán có thể lên tới 190-200 tỷ đồng. Và phương án quy mô vừa phải, với Tổng dự toán khoảng 100 tỷ đồng.

Chúng tôi còn đợi đạo diễn viết xong kịch bản phân cảnh được Ban chỉ đạo phê duyệt mới có thể hoàn chỉnh dự toán và đưa ra phương án kinh tế cuối cùng. Dự toán này còn phải được lãnh đạo TP Hà Nội, các ban, ngành liên quan, các Hội đồng kinh tế xem xét trước khi Ban Chỉ đạo và lãnh đạo TP Hà Nội quyết định.

Ông có thể nói rõ hơn dự án này sẽ sử dụng 10 triệu USD vào những hạng mục gì, có thật sự cần số vốn đầu tư lớn như vậy?

- Như trình bày ở trên, vì Hãng PTVN còn đang lập dự toán nên chưa thể nói con số chính xác là bao nhiêu? Con số 10 triệu USD quả là lớn. Nhưng trong công nghệ sản xuất điện ảnh khu vực và thế giới, một phim trung bình đã từ vài triệu đến vài chục triệu USD, chưa kể nhiều phim kinh phí sản xuất hàng trăm triệu USD. Phim lịch sử còn tốn kém hơn. Ngay ở Việt Nam, bộ phim "Dòng máu anh hùng" do Hãng phim Chánh Phương sản xuất kinh phí cũng đã 2 triệu USD.

Tổng dự toán phim bao gồm nhiều khoản mục tính toán giá trị vật chất kỹ thuật, máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ quay phim, nguyên vật liệu, nhân công, lao động sáng tạo, ăn ở, đi lại, lương, nhuận bút đoàn làm phim, v.v... từ giai đoạn chuẩn bị, đến giai đoạn triển khai quay phim, hoàn thành bộ phim, phát hành nhân bản phục vụ người xem.

Sau phim Lý Công Uẩn, nghành điện ảnh - truyền hình Việt sẽ có những cơ sở này để tạo đà phát triển? (Ảnh: phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn).
Sau phim Lý Công Uẩn, nghành điện ảnh - truyền hình Việt sẽ có những cơ sở này để tạo đà phát triển? (Ảnh: phác thảo bối cảnh phim Lý Công Uẩn).

Phim Thái tổ Lý Công Uẩn phải xây dựng bối cảnh phức tạp, phục trang đạo cụ nhiều và đều phải may, sắm, chế tạo, sản xuất mới. Quá trình triển khai quay phim trong nước và nước ngoài (dự kiến 50% trong nước và 50% tại Trung quốc) với nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nhiều kỹ xảo phức tạp, tốn kém, v.v...

Chỉ tính riêng phần xây dựng bối cảnh, đã vài chục tỷ đồng. Những bối cảnh này sau khi xong phim có thể tiếp tục khai thác làm bối cảnh cho các phim lịch sử khác nữa, và phục vụ tham quan du lịch.

Hơn nữa, việc may sắm trang phục cho tất cả các diễn viên chính, thứ, phụ, diễn viên quần chúng, binh lính... cũng tới hàng chục tỷ đồng. Việc sản xuất thuyền rồng, thuyền chiến, sản xuất các loại binh khí, các chủng loại đạo cụ, vật dụng cung đình, quan lại và thường dân, v.v... cũng tới vài chục tỷ đồng.

Chúng ta đang mong muốn có một bộ phim xứng tầm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đạt chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật ngang tầm khu vực và quốc tế, nên chắc cần đầu tư xứng đáng. Ngoài ra sau phim Thái tổ Lý Công Uẩn có thể tận dụng những vật chất đã đầu tư để phục vụ công tác làm phim Điện ảnh và Truyền hình.

Lâu nay chúng ta hay phàn nàn về việc Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam không có phim lịch sử. Đây sẽ là dịp để ngành Điện ảnh và Truyền hình có điều kiện tận dụng cơ sở vật chất (bối cảnh, đạo cụ, phục trang...) tiếp tục xây dựng nhiều phim lịch sử khác phục vụ người xem.

Trong buổi sơ duyệt bối cảnh ông công bố sẽ hợp tác với những chuyên gia điện ảnh giỏi nhất như nhạc sĩ người Nhật Kataro, quay phim Đỗ Khả Phong (Trung Quốc), đạo diễn võ thuật Quốc Kiến Dũng (Hồng Kông), họa sĩ hóa trang Mao Tiên Bình (Trung Quốc)… đến nay ông đã chính thức mời những ai? Có gì đảm bảo rằng ông không “giơ cao đánh khẽ” để “dọa” nhà đầu tư?

- Việc giao dịch chuẩn bị nhân sự các chuyên gia Trung Quốc, thì chúng tôi cùng Tập đoàn truyền thông châu Á, Thái Bình Dương ATM, Hồng Kông đã tiến hành thăm dò và đã có lời mời sơ bộ. Chúng tôi cũng đã có địa chỉ của nhạc sỹ Nhật Bản Kitarô. Chúng tôi cũng đang liên hệ với một số công ty Mỹ về việc mời các chuyên gia kỹ xảo, âm thanh và dựng phim, thông qua Hãng phim Chánh Phương và Công ty SCRIIN, Los Angeles-Hochiminh City.

Việc chính thức mời các chuyên gia, chúng tôi còn chờ ý kiến chỉ đạo và phê duyệt kinh phí của Lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ VH-TT-DL.

Quyết định Thành lập đoàn phim do ông ký đã gây ra nhiều dư luận ngược chiều, đặc biệt giữa những người trong cuộc lại càng căng thẳng sau khi ông Đỗ Minh Tuấn tung loạt bài viết “Chat với Cụ Lý" nhằm vào ông. Ông có ý kiến gì với loạt bài này và làm gì để ổn định tổ chức cho phía đầu tư và dư luận yên tâm?

- Tôi đã đọc bài của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Tôi nghĩ các đạo diễn nên tập trung trí lực vào công tác làm phim. Hiện tại các thành phần đều đã nhận Quyết định, đang nhiệt tình triển khai công tác được phân công. Việc một số nghệ sỹ phát biểu trên báo chí và trực tiếp phản ảnh với các cấp lãnh đạo, áp đặt tùy tiện các quan điểm riêng của mình về Dự án là do ý thức trách nhiệm, trình độ của các cá nhân nghệ sỹ trên, và không phải quan điểm chính thức của Hãng PTVN.

Tôi nghĩ Hãng phim, và cả các đạo diễn cũng như từng thành viên đoàn làm phim, bằng hiệu quả công tác mới chứng tỏ được năng lực của mình, chứ không phải những "tâm sự", "tài hùng biện" hay "đi đêm" trên mặt báo, hoặc ở nơi này nơi khác.

Trong khi mọi khâu về công tác tổ chức và chuyên môn còn đang rối ren, các bộ phận đều phải khẩn trương để kịp chính thức khởi quay vào ngày 1/11/2008 như kế hoạch Hãng đề ra. Ông Tuấn lại mới được Hãng giao làm phim truyền hình 35 tập trong TP HCM, nghĩa là ông sẽ mất hơn 1 năm làm phim truyền hình này. Vậy có thể hiểu đạo diễn này đã bị loại khỏi cuộc chơi, hay theo như bình luận của giới trong nghề: ông Tuấn đã bị “điệu hổ ly sơn”?

- Quan niệm như vậy rất xa lạ với phong cách điều hành của Hãng PTVN. Việc làm phim truyền hình sẽ không ảnh hưởng gì tới công tác của anh Đỗ Minh Tuấn trong vai trò đồng đạo diễn phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Vả lại thời gian sản xuất 1 tập phim TV hiện nay không dài: Công ty Lasta 3 ngày/tập, các đơn vị làm phim khác ở TP Hồ Chí Minh trung bình 4,5 ngày/tập, việc làm đạo diễn phim Khuyến mại mùa cưới cũng là theo nguyện vọng của anh Tuấn.

Vai trò của đạo diễn sẽ ở đâu trong dự án này, khi chức danh đạo diễn của anh ta bị chi phối vì ông tham gia vào rất nhiều khâu: Giám đốc sản xuất, Biên kịch và Chỉ đạo nghệ thuật... Người được ông chọn là đạo diễn chính Lưu Trọng Ninh hiện đã triển khai công việc đến đâu? Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng ông Ninh “chỉ có tư duy làm phim tâm lý nhỏ, không có tư duy sử thi”, ông có đồng ý với nhận xét này và làm gì để hỗ trợ ông Ninh?

- Đấy là ý kiến riêng của anh Đỗ Minh Tuấn về anh Lưu Trọng Ninh.Tôi có tham gia biên tập trong giai đoạn hoàn chỉnh nâng cao kịch bản, hiện công tác đó đã hoàn tất. Hiện nay tôi tham gia với vai trò Giám đốc sản xuất và Chỉ đạo Nghệ thuật của phim.

Hai đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn trước đây đều có kịch bản trình Hà Nội nhưng chưa đạt yêu cầu, nay tiếp cận kịch bản mới còn những trở ngại về tâm lý và có thể gặp khó khăn khi chuyển tải các ý tưởng kịch bản lên phim, nên cần sự chỉ đạo và điều tiết của Ban biên tập và Chỉ đạo Nghệ thuật. Vai trò "chỉ đạo" sẽ thu hẹp khi các đạo diễn thực hiện tốt trách nhiệm được phân công.

Còn về vai trò đạo diễn và phong cách phim, thì như tôi đã có lần được trình bầy, sẽ là phong cách của cả hai Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn, cũng như là công trình của tập thể Cán bộ-Nghệ sỹ Hãng PTVN.

Tuy vậy đối với phim Thái tổ Lý Công Uẩn có một điểm khác là các anh Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn sẽ không được tự do áp đặt những sở thích, ý muốn chủ quan của mình so với các phim trước đây của 2 Đạo diễn này. Nghĩa là chất riêng làm nên phong cách, cá tính của Đạo diễn sẽ phải điều tiết lại cho phù hợp với nội dung và thể loại phim, mang âm hưởng sử thi-anh hùng ca, phù hợp với Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG HƯỜNG - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm