Ông từng là thần tượng của tôi

Năm 1951, khi còn hoạt động quân báo ở nội thành Nam Định tôi đã được bạn bè chỉ cho xem ngôi nhà ở phố Hàng Nâu của thân sinh anh Nguyễn Khải, gần ngôi nhà mà nhà thơ Tú Xương từng ở với những vần thơ tự hào: Ở phố hàng Nâu có phỗng sành, mặt thì lơ láo mắt thì nhanh, vuốt râu nịnh vợ con bu nó, quắc mắt khinh đời cái bộ anh...

Năm 1952, về công tác ở Ban Địch vận Trung đoàn 254 Bộ Tư lệnh Quân khu III, tôi bắt đầu tập trung viết bài cho Báo Chiến Sĩ quân khu III, nơi anh Nguyễn Khải công tác. Khi đó, tôi đã được đọc tập ký Mùa xuân ở Chương Mỹ in trên một cuốn sách mỏng gửi cho các đơn vị. Tiếp đó, tôi lại được đọc truyện Xây dựng của anh được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952 in trên giấy giang, giấy nứa, từ chiến khu Việt Bắc gửi về. Tôi phải tranh thủ đọc ké cuốn sách trong một hiệu sách mở ở một thị trấn còn tương đối tự do mà người chủ là dân Hà Nội tản cư về. Từ đó anh trở thành thần tượng của tôi và là nhà văn thứ hai mà tôi quen biết ở Quân khu III sau anh Hoài Giao. Hồi đó, lực lượng văn nghệ ở quân khu III còn rất mỏng, quanh đi quẩn lại chỉ có các anh Trịnh Vân, Đinh Phụng, Kiều Kim Trùy, Huy Du, Vũ Trọng Hối... Do đó việc anh Nguyễn Khải được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam là niềm tự hào chung của anh em quân khu III chúng tôi.

Khi về tiếp quản thủ đô, tôi lại được gặp anh Nguyễn Khải ở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đến thăm ngôi nhà ở phố Sinh Từ, nơi anh chào đời. Tôi lại háo hức đọc các tác phẩm của anh từ Người con gái quang vinh mà tôi thấy còn sượng cho đến Xung đột mà tôi thấy có phần sắc lạnh. Chỉ đến khi đọc tập truyện ngắn Mùa lạc thì tôi mới thật sự thỏa mãn với những nhân vật con người mới mang niềm tin yêu ấm áp đối với cuộc đời và những trang tả cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp trong sáng và bình dị...

Sau ngày hòa bình lập lại, tôi lại đọc và gặp những nhân vật trong kịch sau khi đọc tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của anh. Thú thật, tôi không bị bất ngờ vì ở ngoài đời đã được biết những nhân vật làm nguyên mẫu cho anh: đó là những người trong gia đình anh và họ hàng anh sống ở Sài Gòn trước đó. Đôi khi tôi đến thăm anh ở đường Hoàng Diệu, quận 4, cũng được gặp những người trong họ hàng anh thuộc gia đình của giáo sư Nguyễn Văn Huyên, luật sư Nguyễn Văn Hưởng mà bản thân tôi cũng có quen biết. Tôi nghĩ chính vì anh quen thuộc với môi trường sống của những người thuộc tầng lớp thượng lưu xã hội trước đây nên mới có thể viết Gặp gỡ cuối năm với nhân vật sống như chị Hoàng hay Vĩnh trong Thời gian của người hay Một cõi nhân gian bé tí mà nguyên mẫu là ông Vũ Hồng Khanh, một người làm chính trị thất bại để thấy được chất người vẫn còn tồn tại trong ông ta. Điều này bạn tôi là cố nhà văn Trần Dũng Tiến đã cố gắng làm mà chưa đạt...

Nhưng đến khi tôi đọc bài Trôi theo tự nhiên của anh đăng trên Tạp chí Nhà Văn, tôi thấy ông tự nhận là mình “hay nhân nhượng” và viết: “Tội nghiệp cho những thằng viết văn làm báo! Viết dối thì dân chửi, viết thật thì quan đe, viết thế nào cho được lòng cả hai phía nhỉ!”. Thấy anh không có cái khí khái như Tú Xương ngày trước. Tôi lại giận anh và định đến nhà nói thẳng với anh: “Đã viết văn thực lòng thì dù có phải mất mạng cũng cứ viết!”.

Khi tôi được tin anh vào Viện Tim đã không kịp đến thăm anh. Cái ngày anh và tôi gặp nhau cùng tranh luận chuyện này chuyện kia như vậy là sẽ không bao giờ còn có nữa! Tôi viết lời xin lỗi muộn màng này với hương hồn anh về cái quá khích, đòi hỏi nhiều ở anh, của đứa em út của anh hồi ở quân khu III và nghĩ “Yêu nhau lắm thì cắn nhau đau”!

Nhà thơ HOÀI ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm