Phá thế “độc quyền” văn nghệ trên mặt báo

Một chút ngược dòng

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Một trong những dấu hiệu của báo chí hiện đại là vấn đề chuyên biệt hóa nội dung các tờ báo: các đối tượng bạn đọc khác nhau trong xã hội sẽ có nhu cầu tìm đọc những tờ báo thích hợp với nghề nghiệp và sở thích của họ.

Điều này thật sự diễn ra với báo chí Việt Nam từ giai đoạn 1908-1918, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao một bước so với các giai đoạn trước đó và vấn đề chuyên môn hóa các ngành nghề trong một xã hội thuộc địa theo mô hình phương Tây đã bắt đầu được định hình ở nước ta.

Đời sống báo chí đã khởi sắc hơn với sự góp mặt của các tờ báo hướng sự chú ý tới các đối tượng bạn đọc khác nhau: trẻ em, phụ nữ, thương nhân, giáo giới, trí thức, tôn giáo...

Ngay từ đầu các tờ báo này đã sử dụng một số hình thức văn nghệ trên ấn phẩm của họ (thơ, tản văn, tiểu phẩm, minh họa), dĩ nhiên là với cách làm không chuyên, chỉ "góp vui" cho bạn đọc. Nhưng điều đó không có nghĩa là những ông chủ báo không có ý thức tạo một "sân chơi" cho các văn nghệ sĩ, không muốn dành cho giới này một phương tiện đắc địa để đến với đông đảo người đọc. Tuy nhiên, vẫn còn một chút ngập ngừng trong sự gặp gỡ giữa họ.

Năm 1906, cuộc thi sáng tác văn học đầu tiên được tổ chức trên một tờ báo chẳng dính dáng gì đến văn chương - tờ Nông cổ mín đàm - chỉ duy nhất có... một tác giả tham gia. Sẽ có nhiều lý do để giải thích cho sự việc này, nhưng trong đó hẳn sẽ có một lý do: có những văn nhân khủng khỉnh, chuyện "văn chương chữ nghĩa sao lại trao cho mấy "thằng" nhật trình được!".

Nhưng tình hình đã thay đổi khi vào năm 1917, tờ Nam phong tạp chí (NPTC) xuất hiện. Không phải là tờ báo chuyên về văn chương học thuật đầu tiên ở nước ta, nhưng bằng một cách làm chuyên nghiệp, NPTC đã chứng tỏ được "đẳng cấp" của nó với hàng loạt chuyên mục về văn học, mỹ thuật, ngôn ngữ, phong tục, du ký... những chuyên mục thể hiện rất rõ tính văn nghệ có sức lôi cuốn người đọc.

Cơ quan báo chí này hàng thập niên đã thu hút sự chú ý của hầu hết văn nhân độc giả và bạn đọc có lòng say mê văn hóa. Người ta kể rằng nhà thơ Đông Hồ khi ấy tiếng đã nổi như cồn ở phía Nam, nhưng chỉ đến khi có thơ được in trên NPTC (sau khi đã gửi rất nhiều bản thảo) ông mới yên tâm mình là một nhà thơ! Thói thường vẫn vậy, đất chật người đông nên dễ sinh ra cửa quyền.

Nhiều người đương thời đã lên tiếng công kích NPTC và ông chủ của nó là "học phiệt, văn phiệt" cũng có cái lý của họ. Sau này, những Phong hóa - Ngày nay, Tiểu thuyết thứ bảy (Tự lực văn đoàn), Tao đàn, Tri tân... những cơ quan báo chí do các nhóm văn nghệ sĩ, trí thức chủ trương - cũng ít nhiều bị kêu ca như vậy.

Hóa ra tư tưởng "độc quyền" trên lĩnh vực nào cũng có. Nhưng "độc quyền" về văn nghệ trên mặt báo thì rõ ràng người bị thiệt thòi hơn cả lại chính là bạn đọc. Ai biết được có bao giá trị tinh thần - dù là nhỏ - đã không đến được số đông chỉ vì chúng không "hợp khẩu vị" một số ít những người chủ trương tờ báo, trong hoàn cảnh các đầu báo còn thưa thớt lúc đó?

Chưa đến mức như thế nhưng vào thời điểm nửa cuối thế kỷ trước trở về sau, những tờ báo, tạp chí chuyên về văn hóa nghệ thuật ở ta (Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tác phẩm mới...) cũng đã đủ là nỗi "ám ảnh" với nhiều người cầm bút, nhất là các cây bút trẻ.

Kẻ viết những dòng này đã từng được một nhà thơ tên tuổi, là biên tập viên báo Văn nghệ giải thích ngon lành: "Cậu đem thơ sang báo khác đi, ở đây đất chật lắm, chỉ riêng in đủ cho các hội viên thôi thì một năm mỗi ông cũng chỉ được... một bài rưỡi!” Dẫu có tự giác hiểu rằng thế là thơ mình không hay, nhưng cũng tránh sao được ngậm ngùi và ngán ngẩm ở một cậu lính mới đang ôm mộng văn chương!

Bởi thế mà vào những năm 60 của thế kỷ trước, những cuộc thi sang tác văn nghệ (bao gồm cả âm nhạc, tranh ảnh nghệ thuật) do những tờ báo không chuyên về lĩnh vực này khởi xướng (Người giáo viên nhân dân, Thống nhất...) đã lôi cuốn hàng ngàn tác giả trẻ.

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng sau đó không lâu đã lấp ló khuôn mặt mình ở những cuộc thi mang danh quần chúng như thế. Nhiều tờ báo luôn dành chỗ cho các thể tài văn nghệ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức có thật từ phía bạn đọc. Với các tác giả thì đó cũng chính là một lối mở cho các sáng tạo của họ.

Còn diện mạo của nền báo chí thì được gì? Chúng sẽ có thêm một tần sâu văn hóa bên cạnh những thông tin đời sống nóng hổi vốn là yếu tố sống còn của bất cứ nền báo chí nào.

Bây giờ thì sao?

Người bạn Thái Lan đến chơi đúng lúc tôi đang chọn một trang thơ chống Mỹ cho một tạp chí không mấy ai biết đến có tên là Hỗ trợ và phát triển. Anh ta rất ngạc nhiên vì một tờ báo leng keng toàn tiền bạc mà lại có trang thơ! Tôi bảo ở Việt Nam không mấy tờ báo là không có chút đỉnh văn nghệ, ít ra thì cũng là cái tiểu phẩm, đôi ba biếm họa hoặc dăm câu phỏng vấn một nghệ sĩ nào đó.

Và đến những số báo tết hoặc các dịp lễ lạt thì "trăm hoa đua nở" tưng bừng. Bạn đọc của chúng tôi không chỉ có thói quen tiếp nhận thông tin mà còn muốn được giải trí trên những trang báo nữa.

Tôi không biết giờ đây các cây bút trẻ có còn phải ngậm ngùi như tôi thuở đôi mươi, đi giật lùi trước những "ông kễnh" của lang báo văn nghệ hay không? Hẳn nhiên là vẫn còn, nhưng tôi tin là không nhiều lắm.

Họ đã có hàng trăm cơ hội để xuất hiện, thay vì một vài cơ hội như trước đây. Họ sẽ có một lý do khá chính đáng để tự an ủi: Tác phẩm của họ không ra mắt được ở một tờ báo chuyên ngành, họ có thể cho ra mắt ở một tờ báo khác với số tia-ra luôn luôn gấp bội.

Người viết báo nào cũng mong muốn tác phẩm của mình đến được với đông đảo bạn đọc, vậy thì tại sao lại cứ phải đánh cược vào một tờ báo mà diện "phủ kín" còn thua xa những tờ báo khác! Đấy là chưa kể nếu các tờ báo in quay lưng, họ sẽ trở về nhà và "đẩy" tác phẩm của mình lên mạng. Việc quá đơn giản!

Đây cũng chính là một tác động tích cực của báo chí trong xã hội hiện đại. Nó buộc các tờ báo chuyên hoặc không chuyên về văn nghệ luôn phải tìm cách làm mới mình, không chỉ về nội dung mà còn về phương cách truyền tải những nội dung đó, để lôi cuốn và giữ chân bạn đọc.

Cuộc đua tranh lành mạnh và quyết liệt này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến vị thế "độc tôn" của những tờ báo chuyên về văn nghệ, không chỉ vì số lượng phát hành chúng.

Người khó tính đến mấy cũng phải thừa nhận trang văn nghệ của những tờ báo không chuyên như Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Người lao động... đã tạo dựng được bản sắc riêng của họ và gây được hứng thú cho bạn đọc.

Các thông tin và hình ảnh văn nghệ luôn "nóng" trên những trang báo này; các diễn đàn văn hóa, các bình luận vấn đề... luôn cuốn hút bạn đọc và lôi kéo họ cùng nhập cuộc; ngay cả các cuộc thi sáng tác do những tờ báo này tổ chức cũng tìm ra được không ít tác phẩm và tác giả mới có chất lượng...

Hãy thử xem trang "Thế giới sách" trên báo Tuổi trẻ, ta sẽ thấy họ đã biết cách làm khác với cách truyền thống như thế nào. Đến khi trên trang "24h" của tờ báo này tung ra những lời ca vọng cổ của ngót một thế kỷ trước, thì quả thật họ đã làm được một việc mà ngay cả những tờ báo chuyên về văn nghệ cũng chưa nghĩ đến!

Một ví dụ nữa, với bản thân tôi, tôi đã được đọc những trích đoạn "Rừng Na Uy" và "Biên niên ký chim vặn dây cót” từ khi những tác phẩm này chưa được xuất bản dưới dạng sách, không phải trên báo "Văn nghệ", mà là trên một tờ báo không chuyên về lĩnh vực này.

Nhắc lại một vài dẫn chứng chợt đến, là để nói đến độ nhanh nhạy mà những trang văn nghệ trên mặt báo hiện nay đang được tăng cường. Chúng cũng cần được "up date" như mọi lĩnh vực khác của đời sống, bởi chúng là văn nghệ trên mặt báo, chứ không phải văn nghệ... trong thư viện.

Trong một cái nhìn chung nhất, có thể thấy dường như những nội dung và hình thức văn nghệ mà báo chí hiện nay đang sử dụng đã làm nhòa đi khá nhiều ranh giới giữa các tờ báo chuyên và không chuyên về văn nghệ. Việc ấy hay dở thế nào, các nhà nghiên cứu về báo chí sẽ lên tiếng.

Nhưng có một điều chắc chắn là công chúng bạn đọc sẽ được "hưởng lợi" từ thực tế này: Họ sẽ có cơ hội được tiếp nhận đời sống văn nghệ từ nhiều kênh khác nhau, để có một cái nhìn sinh động và toàn cảnh hơn về những vấn đề mà họ quan tâm.

TRẦN HÒA BÌNH - (Theo Văn Nghệ Công an số 71)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm