Phải giữ cho được Làng cổ Đường Lâm

Tọa đàm đã đạt được sự đồng thuận cao về việc bảo tồn nguyên trạng khu vực I của làng cổ (không cho phép xây dựng nhà hai tầng ở khu vực này).

Mở đầu, ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội) một lần nữa nhấn mạnh sự kiện diễn ra tại Đường Lâm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân có nguyên do từ sự chậm trễ của các cơ quan quản lý.

Dân vận động nhau ký đơn?

Tiếp lời ông Minh, ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, đã nhắc lại thực tế của làng cổ Đường Lâm, đồng thời cũng đề xuất giải pháp xây dựng cho người dân đó là thiết kế các mẫu nhà riêng cho từng hộ dân để đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Với tư cách là phó chủ tịch phụ trách đô thị của thị xã Sơn Tây, bà Phan Thị Hảo cho biết đa phần các hộ dân muốn được sinh sống tại Đường Lâm nên nhu cầu dãn dân là rất ít. Việc những người dân xin trả lại di tích quốc gia thực chất xuất phát từ một số cá nhân đơn lẻ, nằm trong diện vi phạm xây dựng nhưng không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. “Hộ dân này lên kêu cứu các nhà báo, các nhà báo này lên tiếng đồng loạt, có việc vận động nhân dân để ký văn bản trả lại di tích” - bà Hảo nói. Không đồng thuận với ý kiến này, GS Phạm Mai Hùng phát biểu: “Nếu tôi là công dân Đường Lâm tôi cũng hành động như thế, sao lại bảo họ vận động nhau?”.

Phải giữ cho được Làng cổ Đường Lâm ảnh 1

Đình làng Mông Phụ được coi là “linh hồn” của Đường Lâm. Ảnh: IT 

Bảo đảm lợi ích cộng đồng

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Viện Bảo tồn di tích đã thuyết minh về đề án bảo tồn làng cổ. Trong đó, quan điểm của đơn vị này là khu vực I (bao gồm toàn bộ thôn Mông Phụ) phải được bảo tồn nguyên trạng, các khu vực khác có thể cho phép xây nhà hai tầng nhưng cũng phải đảm bảo cự ly so với các nhà cổ liền kề. Phương án này được nhiều chuyên gia đồng thuận. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đã đi sâu vào việc phân tích, bảo tồn làng cổ không chỉ đơn thuần ở vấn đề xây dựng mà còn là vấn đề bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng trong đó.

GS Phạm Mai Hùng đề nghị đề án phải làm rõ ba mục tiêu đó là: Bảo tồn được di tích Đường Lâm, bảo đảm được lợi ích vật chất, tinh thần của người dân và gắn kết quy hoạch vùng với quy hoạch tổng thể của thủ đô. Với ý kiến này, theo GS Phạm Mai Hùng, số tiền 500 tỉ đồng mà thị xã Đường Lâm đề nghị TP cấp cho Đường Lâm “chưa là cái gì đối với làng này” và chỉ bằng một cái cầu vượt. TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long nêu quan điểm 500 tỉ đồng cho Đường Lâm là quá ít mà Nhà nước nên đầu tư tối đa, còn lại là xã hội hóa.

Đặt ra mục tiêu “Phải cố gắng giữ được làng cổ”, PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đặt câu hỏi: “Nước ta có 9.000 làng mà không giữ được hai làng cổ sao?”. Cũng theo ông Bài, đề án phải xác định nguyên tắc của bảo tồn trước hết phải cho người Đường Lâm nhưng người dân chưa cảm nhận hay sờ nắm được quyền lợi từ làng cổ. Trong khi lợi ích đó có thì lại rơi vào một số nhà cổ, tính công bằng không được bảo đảm.

Nới lỏng một lần sẽ không thể cứu vãn

“Thay đổi giới hạn xây dựng trong khu vực bảo tồn I từ một thành hai tầng sẽ dẫn đến thay đổi cả quần thể kiến trúc trong khu vực bảo tồn. Khi đã nới lỏng luật pháp một lần sẽ rơi vào tình trạng không thể cứu vãn. Nguyện vọng của người dân và việc cho phép xây dựng nhà hai tầng trong khu bảo tồn I là hai vấn đề khác biệt. Về việc cho phép khu vực II xây nhà hai tầng sang nhà ba tầng nên tham khảo Quy chế bảo tồn làng cổ Phước Tích, sử dụng quan điểm về “phạm vi nhìn thấy từ đường đi” có thể dung hòa được”.

Ý kiến của GS TOMODA Hiromichi (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế - Trường ĐH nữ SHOWA

Sợ danh hiệu!

Được công nhận Làng di sản năm 2009, đến nay người dân Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) bắt dầu “sợ” danh hiệu này khi gần 100% nhà rường cổ đã xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ trở thành đống gỗ mục nát. Trải qua hàng trăm năm, làng cổ Phước Tích là một làng hiếm hoi ở Việt Nam vẫn giữ được nét nguyên sơ với những ngôi nhà cổ nằm dọc sông Ô Lâu thơ mộng. Thế nhưng niềm tự hào đó sắp tuột khỏi tay người dân khi nhiều ngôi nhà cổ đang đứng trước nguy cơ lụi tàn, đổ nát. Mọi việc sửa chữa, mở rộng nhà rường ở đây gần như bị cấm bởi phải bảo vệ nguyên trạng theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Đã có rất nhiều hội thảo và cuộc họp với người dân để bàn về việc bảo tồn giá trị làng cổ và phát triển Phước Tích trở thành điểm du lịch nhưng tất cả đều đang nằm trên... giấy.

Thật đáng lo ngại khi có ý kiến cho rằng chỉ cần bảo tồn các ngôi nhà cổ như một giải pháp, cơ chế bảo tồn đặc thù. Làm thế chẳng khác gì bỏ đi cái gốc để giữ cái ngọn. Di sản đã mất thì khó lấy lại được. Cũng không thể nói rằng nếu mất làng này thì tìm kiếm bảo tồn làng khác. Bảo tồn không phải là cuộc thi hoa hậu để năm nay lựa chọn người này, năm sau lựa chọn người khác.

PGS-TS PHẠM HÙNG CƯỜNG, phát biểu tại Hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý làng cổ Đường Lâm”

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm