Phát hiện xưởng chế tạo công cụ lao động thời tiền sử

Qua khai quật (3 di chỉ), các nhà khảo cổ đã phát hiện 10 phác vật rìu, cuốc, 9 bàn mài, hơn 14.000 mảnh tước cùng hàng nghìn mảnh gốm... Đây là di tích khảo cổ học tiền sử có mật độ di vật dày nhất được phát hiện ở Tây Nguyên.

Khảo sát tổ hợp di vật còn cho thấy: Các di chỉ (xưởng) nói trên đảm nhận cung đoạn sơ chế và hoàn thiện rìu có vai, bôn hình răng trâu (giống rìu). Cụm chế tạo rìu có vai, bôn hình răng trâu ... trước đây cũng đã được phát hiện ở Pleiku, Sa Thầy (Kon Tum), song lúc đó chưa biết là các vật này chế tác từ công xưởng nào.

Ngoài các phát hiện trên, các nhà chuyên môn còn tìm thấy mộ táng ở suối Ia Mơr. Đây là mộ chum lớn, có đồ tuỳ tán chôn theo là những chiếc bôn hình răng trâu làm bằng đá lửa, được ghè đẽo quy chỉnh, chưa mài, chưa sử dụng.

Mộ táng còn chôn theo đồ trang sức là những hạt chuỗi bằng đá, có hình cúc áo, được dùi lỗ giữa để xâu dây cùng nhiều đồ gốm nhỏ như nồi, bát bồng được chế tạo tinh xảo.

Đây là lần đầu tiên ở Gia Lai tìm thấy di cốt người tiền sử trong mộ chum gốm cùng một số mảnh xương và 20 chiếc răng người. Đây là phát hiện hết sức quan trọng, quý giá mà từ lâu giới khảo cổ học chưa biết đến ở Tây Nguyên. Đồng thời, là lần thứ 6 Gia Lai khai quật di chỉ, trước đó là di chỉ cư trú và mộ táng Biển Hồ, Trà Dôm, di chỉ xưởng như Thôn Bảy, Taipêr, Làng Ngol.

Việc khai quật cụm di chỉ, xưởng chế tác công cụ lao động bằng đá trên vẫn đang được tiến hành, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm