“Phiên dịch” cho người khiếm thính

Đó là chuyện “phiên dịch” cho người khiếm thính trên sóng truyền hình. Xem thời sự quốc tế, nhất là ở Nhật Bản, thấy hễ có thủ tướng hay phát ngôn viên chính phủ bước lên bục họp báo phát biểu là lập tức có người phiên dịch cho người khiếm thính xuất hiện, chương trình truyền hình đưa song song lời nói của quan chức và sự phiên dịch bằng động tác tay để người khiếm thính xem trên màn ảnh nhỏ hiểu được nội dung sự kiện như người sáng tai. Ở ta, việc phiên dịch cho người khiếm thính chỉ có khi phát lại chương trình thời sự trên kênh VTV2 lúc 22 giờ, còn lúc 19 giờ thì không. Tôi không hiểu tại sao lại vậy. Thứ nhất, chương trình thời sự lúc 19 giờ phát trên kênh VTV1 là chính thức, đông người xem nhất và như vậy người khiếm thính cũng phải được tiếp nhận tin tức bình đẳng với những người bình thường. Thứ hai, chương trình phát lại lúc 22 giờ trên kênh VTV2 là muộn, người bình thường xem còn khó, huống là người khiếm thính và những người khuyết tật khác.

Thực hiện việc phiên dịch cho người khiếm thính ở chương trình thời sự ngay buổi phát 19 giờ có được không? Tôi nghĩ là được. Mà không chỉ ở buổi đó, việc này còn nên và phải được tiến hành ở cả các chương trình thời sự mở đầu ngày và lúc 12 giờ. Vấn đề là quan điểm phục vụ của nhà đài, còn như chuyện kỹ thuật thì đã làm được. Mở rộng ra, người khiếm thính còn có quyền được hưởng thụ những chương trình phát sóng truyền hình khác khi được sự hỗ trợ về cách nghe. Mở rộng ra nữa, những người khuyết tật nói chung cần được xã hội quan tâm chu đáo, đầy đủ hơn về các quyền lợi tinh thần như các quyền lợi vật chất.

Đài truyền hình trung ương thời gian qua đã có nhiều nỗ lực cho việc này. Không chỉ có người phiên dịch, nhà đài còn cho bật chữ chạy dưới chân hình để người khiếm thính vừa đọc vừa theo dõi được kịp các tin tức. Thêm người dịch bằng thứ “ngôn ngữ” cử chỉ đặc trưng cho dạng khuyết tật này, người khiếm thính càng có cơ hội nắm bắt kỹ hơn, rõ hơn những thông tin được nhà đài chuyển tải. Điều mong mỏi là đài trung ương tiếp tục nâng cao và mở rộng khả năng phục vụ này cho người khiếm thính sang nhiều chương trình khác. Trong khi các đài địa phương, nhất là những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, cũng nên có khâu phiên dịch cho người khiếm thính trong những bản tin thời sự của đài mình. Làm được vậy, tác dụng thông tin tuyên truyền của đài đối với đông đảo nhân dân trong địa phương cũng như trên toàn quốc sẽ tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa.

Tôi lại nghĩ xa hơn là nên chăng các đài, trung ương và địa phương rồi đây sẽ có những chương trình, những kênh dành riêng cho người khiếm thính. Có thể đó là những chương trình khác nhau thông thường được biên tập, dàn dựng lại để phù hợp với sự phiên dịch cho người khiếm thính. Hoặc cũng có thể là những chương trình dành riêng cho họ, giúp họ tiếp cận và tiếp nhận được tối đa các thông tin của cuộc sống. Tương tự, các đài phát thanh sẽ có cách làm riêng của mình cho người khiếm thị, giúp họ bằng đôi tai sáng thay con mắt tối tiếp xúc được với thế giới quanh mình.

Nhưng trước hết tôi mong nếu như bài báo này đến được đài truyền hình trung ương, đài sẽ sớm chuyển việc phiên dịch cho người khiếm thính ở chương trình thời sự từ kênh VTV2 lúc 22 giờ sang kênh VTV1 lúc 19 giờ. Tôi tin khi đó những người khiếm thính sẽ hoan nghênh và cám ơn đài, còn những người sáng mắt sáng tai sẽ được vui khi thấy những người khuyết tật được bình đẳng như mình.

Góc của PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm