Phim tài liệu Việt khiến người Pháp thán phục

Nhiều năm sau, đi ra đường rất có thể khán giả từng xem phim của Trần Lan Phương bỗng sững người khi bắt gặp những con người, những tình huống y chang, sao giống quá trời nhân vật trong phim quá vậy ta! Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều phim của Phương mới còn trong dự án, đề cương kịch bản viết chưa xong, TV5 của Pháp đã có đơn đặt hàng.

Phim chưa từng có lời bình

Phim tài liệu của Phương được thực hiện với những thủ pháp “không giống ai” ở Việt Nam bởi chưa bao giờ có lời bình, không có âm nhạc mà chỉ là âm thanh, tiếng động sống được thu trực tiếp từ hiện trường. Theo Phương, tính hấp dẫn của phim tài liệu là luôn tôn trọng sự thật và thông qua tất cả thông tin, sự kiện có thật để cho “nhân vật” tự lên tiếng. “Chỉ khi nào hình ảnh bất lực thì ngôn ngữ nói mới lên tiếng” - nữ đạo diễn này cho biết.

Con nhà nòi, thủ khoa diễn viên

Lan Phương từng có tuổi thơ rất đẹp trên vùng đất Bình Thuận và là con nhà nòi chính tông. Ông nội Phương là nhạc sĩ, cha là nhà văn-nhà báo-nhà thơ, còn mẹ là giảng viên múa đầy tài năng của đoàn ca múa nhạc Thuận Hải trước đây.

Đi lớp chồi, Phương đã bắt đầu học múa đến năm 18 tuổi, có lúc cô đã xác định sẽ tiếp nối bước chân của mẹ trên sàn diễn. Đùng một cái vì mê nghề báo của cha, Phương thi đậu rồi học một năm trường ĐH báo chí thì định mệnh ập đến từ một mẩu rao vặt tuyển diễn viên trên báo. Đăng ký thi vào khoa diễn viên Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM với “gia tài” lận lưng mang theo là múa giỏi, hát hay mà không có bất cứ khái niệm nào về các môn thi để chuẩn bị. Vậy mà chỉ cần diễn cương trước ban giám khảo, Phương đã thi đậu á khoa. Tốt nghiệp, cô diễn viên đa tài này chiếm luôn ngôi thủ khoa nhưng lại bỏ ra ngoài buôn bán suốt gần hai năm trời để lo cho gia đình vì cha đột ngột qua đời. Sau đó Phương mới quay lại trường và tiếp tục thi vào khoa Đạo diễn.

Đạo diễn Trần Lan Phương cho biết phim tài liệu “cho phép tôi được chạm vào cuộc sống, vào con người một cách chân thực nhất, sống động nhất”.

Góc nhìn lạ lẫm và đầy khám phá

Năm 2002, Phương đọc được một bài phóng sự trên báo kể về một làng quê nghèo sống trên sông Hồng thuộc huyện Thụy Khê, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuộc sống của những người dân ở đây đầy thăng trầm và bất hạnh bởi họ không có lấy một tấm giấy tùy thân. Đồng cảm, Phương rủ ngay một bạn học... mượn máy quay phim cùng hợp tác thực hiện vì lúc mới ra trường làm gì mua nổi máy quay kỹ thuật số. Tác phẩm đầu tay Lời tự tình của dòng sông quay bằng máy vay mượn được phát sóng. Và với góc hình đẹp, câu chuyện đầy nhân văn được kể bằng thủ pháp nhẹ nhàng đã đưa Phương là thí sinh duy nhất của Việt Nam cùng 11 thí sinh khác từ 11 quốc gia nhận được học bổng du học Pháp bốn tháng. Sau khóa học, phim tài liệu ngắn chỉ với thời lượng chừng hơn 10 phút Đằng sau cánh cửa sổ của tôi ra đời. Phim như lời tự sự của chính Phương, của một cô gái Á Đông qua cánh cửa sổ căn phòng trọ ở Paris với góc nhìn về những khác biệt văn hóa đan xen trong những khung hình khá lạ nhưng lại vô cùng sang trọng. Đạo diễn Jean Luc Daniel, người thầy hướng dẫn, đã phải thốt lên rằng: “Cảm ơn Phương rất nhiều vì xem phim cô, tôi thấy Paris của tôi đáng yêu và tôi chợt nhìn ra nó ở một góc nhìn khác, lạ lẫm và đầy khám phá...”. Phim tài liệu trên đã đưa Phương trở thành thủ khoa khóa học và nhận được học bổng tu nghiệp gần bốn năm nữa ở ĐH La Femis.

Đưa người đời thường ra ánh sáng

Gần 30 phim tài liệu của Lan Phương lần lượt ra mắt công chúng thật sự gây cảm xúc trong lòng người xem bởi đó là vấn đề bình thường của những con người rất đỗi đời thường. Nhân vật của Phương là những người làm nghề không giống ai như phim Make-up cho người chết hay người khuyết tật, lang bạt kỳ hồ trong phim Người ở trần mà suốt đời lội sông, lội nước, lặn mướn trên sông Hậu. Người đàn ông nhân vật chính trong phim luôn ở trần vì “Sống mình ên, tối ngày ngâm nước, mặc chi tốn công may, mất công giữ, mất công giặt!”. Vậy mà Phương vẫn có thể chộp được cảnh người đàn ông ở trần này cũng có lần mặc áo. Theo thổ lộ của “người ở trần”, trong những ngày lang bạt, anh ta có con với một cô gái nhưng gia đình cô gái không chấp nhận rể vô gia cư, vô nghề nghiệp; chỉ cho phép anh lâu lâu tới thăm con. Trong mỗi lần lâu lâu đó anh ta luôn mặc áo - chiếc áo độc nhất, chiếc áo “nghèo tới đâu, trước mặt con cũng phải đàng hoàng”. Đạo diễn Việt Linh từng nhận xét, có thể với khán giả, cái tên phim... trần trụi nhưng với những người làm phim nó gợi nhắc một tình thâm, một “chiếc áo” của nhân cách.

Bán cà phê mơ… thảm sát Cát Bay

Còn nhớ cách nay khoảng sáu năm, khi vừa đọc xong loạt bài về thảm sát Cát Bay ở Tuy Phong, Bình Thuận của tôi trên Pháp Luật TP.HCM, Trần Lan Phương đã gọi điện thoại run giọng cho biết đây là đề tài mà cô đã tìm kiếm nhiều năm.

Hai ngày sau, Phương đã có mặt ở Tuy Phong gặp gỡ vài nhân chứng sống ít ỏi trong vụ thảm sát này. Suốt năm năm liền, niềm đam mê thực hiện bộ phim tài liệu - truyện về Cát Bay vẫn luôn là nỗi ám ảnh Phương. Hàng chục triệu đồng tiền túi đã được Phương chi ra cho những chuyến xe đi lại như con thoi giữa Sài Gòn - Cát Bay chỉ để gặp các nhân chứng, để ghi chép, để phác thảo kịch bản và thậm chí bỏ cả chuyến đi Mỹ khi phim cô trình chiếu ở đây để được sống cùng Cát Bay. Ngay từ tháng 10-2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương đồng ý xây dựng bộ phim này. Thế nhưng do những “nhiêu khê” không đáng có từ phía địa phương nên việc làm phim đến nay vẫn còn “dang dở” dù nhiệt huyết, niềm đam mê làm bộ phim này đối với Phương vẫn luôn bất tận.

Ngoài đam mê, theo Phương công việc đạo diễn đã cho cô rất nhiều vốn sống, sự trải nghiệm và cả sự liều lĩnh nữa. Vì thế mẹ cô vẫn hay bảo rằng: “Con nên học thêm môn cờ tướng để còn biết tính toán nước cờ xa hơn để phòng xa mọi việc…”. Bây giờ Phương đã lấy chồng, sinh con và mở một quán cà phê ở quận 4, Sài Gòn nhưng tôi tin không cần phải biết cờ tướng hoặc cờ vua như mẹ cô đã dặn. Bởi chỉ với lòng đam mê hiếm thấy của Phương thôi cũng đủ giúp cô qua sông mà chẳng phải lụy đò, thực hiện trọn vẹn những hoài bão mà mình theo đuổi.

Niềm thích thú của đạo diễn người Mỹ

Mấy năm gần đây, phim của Trần Lan Phương liên tục xuất ngoại. Trong đó phim Khóc mướn và Người ở trần được xướng tên đi dự Liên hoan phim châu Á lần thứ 16 tại TP Vesoul miền Trung nước Pháp.

Từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11-2010, phim Khóc mướn của Phương lần lượt được công chiếu tại 10 trường ĐH Mỹ. Tháng 11-2010, vợ chồng nhà sản xuất phim kiêm đạo diễn phim tài liệu của Mỹ Carl Deal và Tia Lessin, cùng với nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh và Truyền hình Mỹ - bà Diane Carson sang Việt Nam giao lưu với Phương. Họ đã thật sự ngạc nhiên, bất ngờ và thích thú khi xem xong phim Khóc mướn của cô. Bà Diane đã phát biểu buổi xem phim là “điểm sáng nhất trong chuyến đi của chúng tôi đến Việt Nam”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.