Phim Việt 2017 biết ‘tận dụng’ văn hóa Nam Bộ

Bên cạnh hài, hành động, kinh dị… phim Việt 2017 sẽ có những dự án “tận dụng” được những nét đẹp của văn hóa Nam Bộ làm chủ đề chính cho phim.

Sau Sài Gòn, anh yêu em, Vệ sĩ Sài Gòn, Chạy đi rồi tính, Nắng… có điểm xuyết những cảnh, nét văn hóa Sài Gòn lẫn miền Nam như cải lương, bolero, cơm tấm, trà đá vỉa hè… thì năm 2017, rất nhiều dự án chọn hẳn những nét văn hóa của Sài Gòn, Nam Bộ thành chủ đề khai thác cho phim.

Bolero, cải lương trong phim

Những câu chuyện về cải lương, bolero, cơm tấm, trà đá vỉa hè… trong các phim trên đều để lại những dư vị đẹp trong lòng khán giả. Khó ai quên cặp đôi nghệ sĩ cải lương về chiều do diễn viên NSND Ngọc Giàu và Thanh Nam diễn xuất trong Sài Gòn, anh yêu em; hay khi cô con gái nhớ về người mẹ là ca sĩ phòng trà một thời mặn mà với bolero qua giọng ca Bảo Yến trong Chạy đi rồi tính; và có khi là chuyện mẹ Mưa con Nắng chui rúc trong xóm chợ của Sài Gòn ở phim Nắng… Hoặc với cả bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, bộ phim với thể loại vốn chẳng ai màng đến rạp nhưng khi kể về cuộc đời chị Phụng, một đời chuyển giới gắn với gánh lô tô cũng đã làm khán giả đến rạp ùn ùn và ra về mà mắt đỏ hoe.

Dường như tất cả những gì gắn với đời sống thật của người Sài Gòn, người miền Nam đều sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ cũng nắm bắt được tình cảm khán giả dành cho các phân cảnh như vậy mà trong năm nay sẽ có rất nhiều dự án phim chọn các câu chuyện về văn hóa Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng làm chủ đề khai thác. Nổi bật là các dự án: Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng)…

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (trái) và NSƯT Hữu Châu trên trường quay phim Lô tô. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Chuyện Dạ cổ hoài lang với hai ông già Chí Tài, Hoài Linh

Dạ cổ hoài lang đã quay xong và đang thực hiện giai đoạn hậu kỳ để ra rạp trong năm 2017. Đây là dự án được đánh giá cao bởi cặp đôi chính vào vai ông già là diễn viên Hoài Linh và Chí Tài. Kịch bản phim cũng của chính biên kịch Thanh Hoài, người viết kịch bản cho vở kịch cùng tên đã diễn hơn 1.000 suất diễn trên sân khấu.

Bên cạnh việc đây là một vở kịch hằn sâu trong tâm trí mình từ ngày nhỏ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm Dạ cổ hoài lang bởi nhiều lý do: “Thứ nhất, thị trường phim có hai loại: Loại gì đang ăn thì sẽ làm và loại làm cái đang thiếu. Thị trường phim Việt đang thiếu phim trầm nên Dạ cổ hoài lang sẽ hướng đến điều thiếu này. Thứ hai, khán giả ra rạp không chỉ là khán giả trẻ mà cỡ tuổi tôi hay các gia đình cũng xem rạp phim là nơi giải trí, tôi không muốn bỏ rơi những đối tượng đó. Và kế đến, khi thị trường nhiều hài, hành động… những phim coi rất là phim… thì tôi muốn tìm một kịch bản chân thật”.

Thực tế, năm 2016 hàng chục phim đã ra rạp nhưng để có phim nào thật sự đọng lại trong lòng khán giả, coi cho thật đã về mặt cảm xúc thì e chừng khó. Như sau Sài Gòn, anh yêu em, bắt được sự xúc động của khán giả dành cho cải lương, êkíp làm phim này kết hợp với một số êkíp mới đã tiếp tục bắt tay cho Lô tôMẹ chồng.

Lô tô với chuyện mẹ chồng thời phong kiến

Đạo diễn Lý Minh Thắng của phim Sài Gòn, anh yêu em đã đảm nhận giám đốc sản xuất phim Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Với người Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lô tô là một nét văn hóa, nó như những gánh hát cải lương của miền Nam ngày xưa. Thế nhưng những gánh cải lương là nơi có đào, có kép, có sân diễn có khi là gia đình giàu có thì các đoàn lô tô là nơi những người mang hình hài con trai nhưng tận sâu tâm hồn họ khao khát là phụ nữ gói ghém lại ở cùng. Trong ký ức nhiều người, các đoàn lô tô luôn mang đến nỗi buồn, sự mạo hiểm và đôi khi bất chấp cuộc đời “trôi sông lạc chợ”. Từ ký ức đó mà êkíp các nhà làm phim trẻ đã cùng “nhấn ga” trên chuyến xe chở đoàn lô tô cho bộ phim hứa hẹn rặt màu văn hóa Nam Bộ này.

Khi Lô tô sắp đóng máy giai đoạn quay để ra rạp vào tháng 3-2017 thì cũng là lúc Lý Minh Thắng chuẩn bị cho dự án Mẹ chồng sẽ ra rạp vào dịp lễ 2-9 năm 2017. Mẹ chồng khai thác nét văn hóa của các gia đình phong kiến Việt thuở xưa, dù giàu có đủ tiền thuê cả gánh cải lương về nhà diễn nhưng chuyện mẹ chồng, con dâu… vẫn luôn là chuyện không dễ để giải quyết.

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết: “Mẹ chồng không rặt màu cổ điển như phim Đông Dương, Mùi đu đủ xanh hay chính luận kiểu phim của đạo diễn Hồ Ngọc Xum làm chuyển thể các tác phẩm Hồ Biểu Chánh mà sẽ là sự hòa quyện các màu phim này với nhiều cách tân hơn. Dù vậy, nền tảng phim vẫn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng như cải lương, lễ đám giỗ người miền Tây... làm câu chuyện chính”.

Vẫn còn quá sớm để nhận định về Lô tô, Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng… Thế nhưng chí ít khi chọn những giá trị văn hóa riêng để khai thác, đây sẽ là những lát cắt đặc biệt cho thị trường điện ảnh năm mới; và người xem có quyền hy vọng đó sẽ là những lát cắt văn hóa nhưng mang được nhịp thở của hiện đại, đủ để khán giả luống tuổi vẫn nhớ thương mà khán giả trẻ không thấy quá khó gần.

Thêm hương vị lạ cho những món ăn quen

Theo tôi nghĩ, phim Việt thời gian qua không có nhiều cái khai thác nên mới đi theo hiện đại thuần hành động hay hài… Tôi không chê các thể loại này bởi nếu khán giả rời khỏi rạp với một bộ phim thú vị thì nhà làm phim đã thành công. Thế nhưng khán giả bắt đầu ngán những món ăn mà thị trường điện ảnh đang dọn cho họ, từ đó là trong năm 2016, giữa bạt ngàn phim thì Sài Gòn, anh yêu em, Tấm Cám… thắng nhờ hương vị lạ. Đó không phải là những nhà sản xuất có gan, mà là những người tìm kiếm món ăn mới dọn cho khán giả, nếu món ăn đó gắn được những giá trị văn hóa thật sự thì món ăn càng ngon.

Ông TÀI Đỗ,
nhà sản xuất phim
Sài Gòn, anh yêu em, Mẹ chồng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm