Chuyện xưa chuyện nay

Quốc hội Myanmar có 1/4 đại biểu quân đội

Bạn Thành thân mến,

Nước Myanmar là một quốc gia Đông Nam Á, giáp với Ấn Độ và Bangladesh ở phía tây bắc; phía bắc và đông bắc giáp với Trung Quốc; phía đông giáp Lào và Thái Lan; phía nam và tây nam là vịnh Bengal. Trước đây, người Việt ta gọi tên nước này theo từ Hán Việt là Miến Điện, từ năm 1989 tên nước này được đổi lại, gọi chính thức thống nhất là Myanmar, cũng như thủ đô tên cũ là Rangoon thì đổi lại theo tiếng Miến là Yangon.

Thực ra phải nói tên cũ đã gọi là Yangon thì mới đúng. Bởi vì thành phố này được vua Alaungpaya xây dựng vào năm 1775 sau khi đánh bại quân của bộ tộc Môn. Để kỷ niệm chiến thắng, nhà vua đặt tên thành phố này là Yangon (theo tiếng Miến nghĩa là “kết thúc chiến tranh”). Đến khi thực dân Anh thôn tính được toàn bộ đất nước này vào năm 1890 thì đặt nơi này làm thủ đô với tên gọi mới là Rangoon. Và mới đây lại đổi từ tên của Miến Điện thời xưa, gọi lại là Yangon. Yangon là một hải cảng trọng yếu nhất, đồng thời là thủ đô của nước Myanmar ngày nay.

Còn việc sở dĩ hiến pháp dành riêng 1/4 số ghế Quốc hội cho các đại biểu quân đội thì có nguồn gốc lịch sử bắt nguồn từ cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2008.

Myanmar nguyên là thuộc địa của thực dân Anh, cũng như Việt Nam nguyên là thuộc địa của thực dân Pháp, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, bị quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng. Sau thế chiến, với tư cách quân đồng minh, quân Anh tiến vào Myanmar với ý đồ lập lại ách thống trị trên đất nước này. Nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Myanmar, thực dân Anh buộc phải công nhận nền độc lập của nước này. Ngày 4-1-1948 là ngày độc lập, trở thành quốc khánh của Myanmar. Đến nay Myanmar lần lượt đã có ba bản hiến pháp (1947, 1974 và 2008).

Hiến pháp hiện hành (ban hành ngày 9-4-2008, trưng cầu dân ý ngày 10-5-2008) ra đời sau một cuộc đảo chính quân sự, thiết lập chính thể cộng hòa đại nghị, với Quốc hội gồm có hai viện: Hạ nghị viện gồm 440 ghế, trong đó dành cho quân đội 110 ghế và Thượng nghị viện gồm 224 ghế, trong đó dành cho quân đội 56 ghế. Các đại biểu quân đội (Tatmadaw) do tổng tư lệnh quân đội đề cử mà không do dân bầu. Cho nên chế độ cộng hòa đại nghị ở Myanmar chỉ là hình thức, còn thực tế là “quân đội chế”, phù hợp với nguyên tắc căn bản được ghi tại Điều 6 Hiến pháp là: “Quân đội được phép tham gia vào đội ngũ lãnh đạo chính trị của toàn liên bang” và là “người chịu trách nhiệm chính bảo vệ Hiến pháp” (khoản f Điều 20).

Hiến pháp dành nhiều đặc quyền như nói trên cho quân đội, hiện nay đang bị các làn sóng đấu tranh đòi dân chủ chỉ trích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp Myanmar, trong quá trình dân chủ hóa thể chế chính trị của Myanmar. Quốc hội đã đồng ý sẽ xem xét lại bản hiến pháp này.

Thân chào bạn.

Đại diện của phe quân đội tại phiên họp Quốc hội Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm