Ra trận ‘đánh thức’ sự tử tế

Nằm trong chiến dịch “Sống Tử Tế”, từ ngày 14-9, Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) khai mạc “Tuần Tử Tế”. “Chúng tôi không quá kỳ vọng dự án sẽ làm cho tất cả người Việt Nam đều sống tử tế nhưng chúng tôi muốn nó đánh thức được sự tử tế trong mỗi người” - ông Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE nói.

Tử tế là không đòi hỏi được đền đáp

. Phóng viên: Nói “Sống Tử Tế” thì khái niệm có vẻ quá rộng. Xin ông cho biết “Sống Tử Tế” theo quan điểm cụ thể mà Viện hướng tới là gì, thưa ông?

+ Ông Lê Quang Bình: Mình tử tế là mình hướng bản thân trở thành một người có nhân phẩm, có tự trọng chứ không phải mình làm một điều tốt để người khác đối xử tốt lại. Tử tế mà có tính toán như vậy thì không phải là người có nhân phẩm. Chúng ta sống và hành động tử tế vì chính nhân phẩm của chúng ta. Một khi hành động mâu thuẫn với giá trị, với nhân phẩm của bản thân thì chúng ta không làm, đó mới là sống tử tế.

. Vậy đối tượng tác động mà dự án “Sống Tử Tế” hướng tới là những ai?

+ Tác động của dự án đến toàn bộ xã hội, điều này phụ thuộc vào mỗi người, không cần biết anh ở trong hoàn cảnh nào, vị thế xã hội nào. Như những người nắm các vị trí quan trọng chẳng hạn, việc tử tế của họ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, ngược lại việc không tử tế cũng thế. Chúng tôi có cả thảo luận về chính sách, việc ra chính sách tử tế hay không cũng quan trọng, ví dụ chính sách bị một nhóm lợi ích khác thâu tóm thì sẽ có một nhóm yếu thế bị thiệt thòi, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Làm người tốt không khó và làm điều tốt trước hết là cho chính nhân phẩm của mình. Ảnh: HTD

Ít tử tế cũng từ giáo dục

. Theo ông, vì sao xã hội ngày nay có quá nhiều biểu hiện cho thấy con người đối xử với nhau ít tử tế hơn, kém nhân văn đi?

+ Có rất nhiều cách giải thích, tuy nhiên nếu tìm hiểu về khởi sự của nó thì tôi rất tán thành với ý kiến của một nhà văn mà tôi có dịp trò chuyện. Ông ấy cho rằng một phần của thực tế này bắt đầu từ giáo dục. Sự giáo dục của chúng ta không tạo ra sự rung động, trí tưởng tượng. Nó khiến không ít người không có khả năng tư duy, không nghĩ cho tương lai hoặc không nghĩ cho người khác, không hình dung được hậu quả của những hành vi do mình gây ra, không rung động được trước những thân phận con người, thành ra dễ dẫn đến việc vô cảm. Khi ta vô cảm trước cái xấu thì ta để hành vi xấu đó diễn ra bình thường, thậm chí mình có hành vi xấu mà không cảm giác bị day dứt.

Sức ép xã hội

. Còn yếu tố xã hội thì sao, theo ông nó có tác động đến sự tử tế trong mỗi người không?

+ Có chứ, con người có một cái gọi là nơron thần kinh gương nên có xu hướng bắt chước kiểu hành vi diễn ra xung quanh. Nếu người ta nhìn trong xã hội có nhiều điều xấu chẳng hạn thì người ta sẽ bắt chước hành vi đó. Tôi lấy ví dụ nếu chúng ta sang Singapore là một đất nước rất sạch thì việc vứt rác là không thể, ngoài việc sợ bị phạt, mình có ý thức nhìn nó rất sạch thì mình không nỡ vứt rác ra, chứ nếu một con phố đầy rác chẳng hạn thì mình vứt thêm rác là việc bình thường. Đó chính là sức ép xã hội tác động lên hành vi.

. Ông có thể nói rõ hơn về sức ép xã hội đó?

+ Tôi dẫn chứng, ở TP.HCM mọi người ra đường đều đội mũ bảo hiểm, còn ở Hà Nội rất nhiều người không thực hiện điều này. Ở TP.HCM nếu mình không đội mũ bảo hiểm khi ra đường thì mọi người nhìn mình như trên trời rơi xuống ấy, điều đó tạo ra một sức ép xã hội. Xã hội, môi trường có chuẩn mực về đạo đức và hành vi sẽ giúp con người tự điều chỉnh được hành vi cho phù hợp.

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm