Sân khấu Hà Nội: Tồn tại hay sống đời thực vật?

Mật độ dày đặc, hiệu quả thụt lùi!

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, hiện có 22 đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội, bao gồm 11 nhà hát trực thuộc Trung ương, 4 nhà hát thuộc Hà Nội, và 7 nhà hát/đoàn thuộc công an, quân đội...

Vở Hồ Xuân Hương của Nhà hát Chèo Trung ương. Ảnh: Hoàng Hường.
Vở Hồ Xuân Hương của Nhà hát Chèo Trung ương. Ảnh: Hoàng Hường.

Các đơn vị này được chia thành các nhà hát, đoàn nghệ thuật đóng đô chủ yếu tại 9 quận nội thành. Hoạt động của các đơn vị này được diễn ra tại 17 rạp hát trên địa bàn Hà Nội.

Nghĩa là ở Hà Nội cứ 8,4 km² lại có một đơn vị nghệ thuật, 11 km² lại có 1 rạp hát đấy là chưa kể những nhà hát có bộ máy nhân sự lớn được chia thành nhiều đoàn biểu diễn

Với mật độ như thế người ta sẽ nghĩ ngay những người dân Hà Nội được hưởng đời sống sân khấu hết sức sôi động.

Trên thực tế, hoạt động nghệ thuật của các đơn vị này lại hết sức khiêm tốn, nếu không nói có những đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng đủ để thấy họ vẫn tồn tại. Không những thế, tình trạng sống thực vật này còn có chiều hướng gia tăng:

Năm 2004 Nhà hát Tuồng Trung ương dàn dựng được 1 vở và 3 chương trình, thì năm 2005 là 1 vở, 1 chương trình và năm 2006 còn 1 vở. Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2004: 3 vở; 2005: 4 vở; 2006: 2 vở…

Nhà hát Kịch Việt Nam sau thời gian dài “ngủ đông” cũng mới vừa “nhắc nhở” khán giả về sự tồn tại của mình với vở Cuội buôn quan, nhưng đã sớm trở lại trạng thái “nghỉ ngơi” sau mấy ngày tết.

Vắng khách vì giữ "phong cách"?

Nguyên nhân của tình trạng hiu hắt này thì có nhiều. Nhưng khi được hỏi, câu trả lời từ các nhà hát luôn có những lý do rất chính đáng, thường được đi kèm với những cụm từ đại loại như “nghệ thuật chính thống” hoặc “phong cách riêng”…

“Chúng tôi sẽ đỏ đèn hàng tuần, sẽ công diễn những vở chọn lọc mang phong cách nhà hát!” Ban lãnh đạo Nhà hát Kịch VN đã hùng hồn tuyên bố như vậy trong một cuộc họp báo gần đây.

Nhưng khi được hỏi phong cách ấy gồm những kịch mục gì đặc sắc hấp dẫn và có đi kèm những chiến lược chiến dịch PR nào để thu hút khán giả. Câu trả lời đều dừng lại ở những cái tên từ thế kỷ trước:

Ngụ ngôn năm 2000, Trên cả trời xanh, Hàng xóm, Chia tay hoàng hôn... Vở diễn được coi là mới nhất trong số này, Ngụ ngôn năm 2000, được viết năm 2001. Kế hoạch PR hoành tráng nhất là lập một website về nhà hát, và “sắm một dàn máy vi tính để kết nối truyền thông”…

Phương hướng nghệ thuật duy nhất của Ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật là “giữ gìn phong cách của nhà hát đã làm nên danh hiệu “anh cả đỏ” từ giữa thế kỷ trước!

Nhưng khi hỏi cụ thể phong cách ấy như thế nào thì Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát cho rằng “chúng tôi cũng như tất cả diễn viên Việt Nam đều được đào tạo theo phong cách của Nga. Nhà hát kịch VN hiện vẫn theo phong cách này”. Nghĩa là một phong cách “toàn Việt Nam và thế giới”.

Thêm nữa, sự khan hiếm những kịch bản đặc sắc cùng với việc mấy “ông trùm” trong làng đạo diễn: Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền… liên tục được “mượn qua mượn lại” giữa các nhà hát khiến những sáng tạo và “mảng miếng” nghệ thuật được chia đều. Cái gọi là “phong cách” trên thực tế đã trở thành tài sản chung của hệ thống SK chưa thực sự năng động, nếu không nói là có phần bảo thủ và cô lập.

Vắng khách vì khuất nẻo, vì hiếm muộn ngôi sao

Một bất cập khác là rất nhiều đơn vị nghệ thuật đã tồn tại rất lâu, nhưng chưa hề có một rạp hát ổn định để hoạt động.

Hiện chỉ có vài đơn vị có rạp ở vị trí trung tâm nhưng không đủ tiêu chuẩn của một nhà hát gồm: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo TW và Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuồng TW...

Hiện nay Hà Nội có 17 rạp hát, trong đó có 2 rạp không hoạt động biểu diển đã lâu (Tạ Hiện và Đông Đô), những rạp còn lại (Cung Việt Xô, Chuông Vàng, Công Nhân, Hồng Hà, Đại Nam (đang sửa), Nhà hát Lớn, NH ca múa nhạc Thăng Long, NH Tuổi Trẻ, Kịch VN (rạp nhỏ), NH Chèo Hà Nội, Rối nước TW, Xiếc TW, Nhà hát Chèo VN, Rối nước Thăng Long, Rạp Tổng cục chính trị và một số Nhà văn hóa).

Những đơn vị còn lại hoặc chưa có rạp, hoặc nếu có thì vị trí rạp cũng quá khuất nẻo, hoặc xa trung tâm như Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN và Nhà hát Kịch VN... khiến cho hoạt động của các nhà hát này và cả khán giả đều lâm vào tình trạng dở khóc dở cười.

Yếu tố con người cũng là một trong những lý do khiến sân khấu ngày càng hiu hắt. Những gương mặt trẻ - tài năng của sân khấu ngày càng thiếu vắng. Những diễn viên trụ cột của sân khấu Hà Nội vẫn là những cái tên quen thuộc hàng thập kỷ qua:

Vân Quyền, Thanh Ngoan, Quốc Chiêm, Thanh Thanh Hiền… Ngôi sao SK trẻ nhất hiện nay là NSƯT Thu Huyền của Nhà hát Chèo Hà Nội và Quách Thu Phương của Nhà hát Tuổi Trẻ hiện cũng đã qua tuổi 30 vài năm…

Và quan trọng nhất, các nhà hát vẫn giữ khư khư cách làm việc, nhận thức và cả sản phẩm nghệ thuật xưa cũ vốn đã chậm hơn cuộc sống vài thập kỷ. Công tác marketing, tiếp cận khán giả của nhiều đơn vị gần như ở số 0.

HOÀNG HƯỜNG - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm