Sân khấu TP.HCM: Rõ ràng âm thịnh dương suy

Thân liễu yếu mà dồi dào bút lực

Vở Xóm gà trên sân khấu kịch Sài Gòn (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) - Ảnh: THANH PHONG
Vở Xóm gà trên sân khấu kịch Sài Gòn (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) - Ảnh: THANH PHONG

Người sớm công thành danh toại nhất trong số những nữ tác giả có lẽ là Nguyễn Thu Phương. Năm 1996, làm thử với hai vở kịch Cũng một con đường (đạo diễn Nguyễn Văn Phúc) và Một câu chuyện đời (đạo diễn Lê Văn Tĩnh) trên HTV; năm 1997 chị bỗng trở thành như một hiện tượng khi kịch bản đầu tay dựng trên sân khấu (SK) lớn Thời con gái đã xa (đạo diễn Đoàn Bá, Nhà hát Kịch TP.HCM) đoạt cú "hat-trick" giải thưởng cao nhất trong Liên hoan SK mùa thu, giải thưởng của Hội Nghệ sĩ SKVN và của Bộ Quốc phòng, chưa kể còn được ba, bốn đoàn cải lương, dân ca đem về chuyển thể.

Từ đó đến nay, song song với việc cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, Nguyễn Thu Phương cũng đã góp cho sân khấu nhiều kịch bản hay như Cây lẻ bạn, Nhà có ba chị em, Một nửa thiên đường, Con yêu, Xuân tím,... được các nhà hát trong Nam ngoài Bắc đua nhau dàn dựng.

Vương Huyền Cơ lại khởi đầu từ một vở kịch viết và đoạt giải trong Liên hoan SK quần chúng là Xóm nhỏ Sài Gòn. Kịch bản này sau đó được SK IDECAF mang về gia cố thêm để đoạt luôn giải A trong Liên hoan SK mùa thu năm 1998. Thành công ngay từ kịch bản đầu tay đã như cơn lốc thổi bùng ngọn lửa đam mê khiến Vương Huyền Cơ trở thành một nữ tác giả "đẻ” mắn nhất với trên 20 kịch bản SK và hơn 30 vở kịch truyền hình trong vòng chưa đầy 10 năm qua. Thời gian gần đây, kịch bản của chị gần như "phủ sóng" kín SK kịch Sài Gòn với những vở ăn khách như Trai nhảy, Phận làm trai, Xóm gà, Quỉ,... và ở SK Nụ Cười Mới với Cổ tích một chuyện tình, Ông bà vú,...

Cầm bút từ năm 1990 với kịch bản Những chiếc thuyền bằng giấy (đoạt giải ở Liên hoan SK quần chúng) và vở kịch Rể tây viết liền sau đó được dàn dựng trên SK 135 Hai Bà Trưng, Mỹ Dung được xem là "lão làng" nhất trong số các cây viết nữ này. Kịch của chị thời gian qua cũng đã "rải" khắp các SK như Đàn chim di trú, Bụi tình nhân (Đoàn Nghệ thuật SK Trẻ), Vua trả nợ, Quán Bô đón tết (Kịch Sài Gòn), Chí Phèo (SK Phú Nhuận), Công ty gia tộc, Ngôi sao tình yêu, Nỗi ám ảnh ngọt ngào (SK 5B Võ Văn Tần), đặc biệt hai vở đã và đang khá ăn khách ở SK IDECAF là Hạnh phúc trên đồi hoa máu và Ba gã đàn ông họ Lôi. Gia tài kịch bản của Mỹ Dung hiện đã lên đến 31 vở, bao gồm kịch SK và kịch truyền hình.

Mới vào nghề từ năm 2003 nhưng Thanh Hương cũng đã kịp có trong tay trên 10 vở kịch dài. Vở đầu tay Con gái ngài giám đốc được SK 5B dàn dựng ngay khiến chị hăng hái viết tiếp liền vở Bông hồng trên sàn đấu cũng cho SK này. Từ 5B, chị bắt đầu làm cuộc chinh phục các SK khác với những vở như Điệu nhảy cuối cùng (Trường cao đẳng SK - điện ảnh TP), Hoa của tình yêu (Kịch Sài Gòn), Cánh cửa tình yêu (Nhà hát Kịch TP), Mướn chồng, Trò đời (Kịch Phú Nhuận)... Bên cạnh những vở kịch dài, Thanh Hương còn khá đắt sô ở chương trình Siêu thị cười và Tâm hồn cao thượng của HTV với khoảng 50 vở kịch ngắn. Ngoài ra, kịch bản Nữ vệ sĩ của chị còn được Hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ trao giải năm 2005.

Những cành liễu đầy sức sống của SK kịch còn có Ngọc Trúc - người có tuổi nghề trẻ nhất với các vở Sống thử, Chỗ đứng, Bà ngoại thời @...; Kim Oanh - người viết kịch bản khi còn là học sinh với vở cải lương Cần có một tình thương và gần đây là vở Đôi mắt của biển ở SK 5B; Nguyên An với Hai trong một...

Đâu rồi, người đàn ông của sân khấu?

Viết lách, nhất là viết kịch bản SK, vốn không phải là công việc nhẹ nhàng nhưng vì sao hiện nay con số tỉ lệ ít ỏi 1/10 của phái nữ lại "tung hoành" trên các sàn diễn, biến con số 9/10 của phái nam thành hữu danh vô thực?

Theo soạn giả Đức Hiền, chi hội trưởng Chi hội tác giả Hội SK TP.HCM, "người đàn ông của sân khấu" vẫn còn đông đủ đó nhưng phần lớn họ là dân cải lương và nay hầu hết cũng đã cao tuổi. Cải lương không còn mấy sàn diễn, mà tuổi tác và sức khỏe không cho phép những cây bút lão thành này có khả năng cập nhật những vấn đề mới hôm nay. Con số những tác giả nam viết kịch nói vốn không nhiều.

Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội SK TP.HCM, cho rằng các tác giả phe mày râu xuất hiện lẻ tẻ, không ồ ạt thành một đội ngũ như các cây viết nữ vì kịch bản của họ không theo kịp đòi hỏi luôn đổi mới của SK thị trường. Lợi thế của các tác giả nữ này là họ vốn từng làm các công việc có yếu tố kinh doanh, lại cộng thêm khả năng viết lách nữa nên rất biết cách tiếp cận thị trường ngay khi bắt đầu tư duy tác phẩm.

Tâm huyết với nghề nên nếu "đổ” kịch bản này, họ có ngay kịch bản khác. Mặt khác, họ không có tham vọng đi vào các đề tài lớn mà chỉ chú tâm khai thác những đề tài gần gũi như gia đình, tình yêu, quan hệ cha mẹ, con cái, anh em... - những điều mà phụ nữ thường tinh tế, sâu sắc hơn nam giới. Vì thế, họ có cái mà các sàn diễn thị trường đang cần, cho dù người có nghề nhìn vào có thể thấy còn khiếm khuyết chỗ này chỗ nọ.

Còn theo nữ tác giả Vương Huyền Cơ, sở dĩ có tình hình âm thịnh dương suy vì đội ngũ "các chị” đã tìm thấy ở công việc này sự đam mê bởi những lợi ích nhãn tiền về tinh thần lẫn vật chất. Được ngồi lẫn trong khán giả, nhìn họ sảng khoái với những nhân vật mình "sinh" ra, nghe họ bàn luận về đứa con tinh thần của mình là niềm vui mà không phải người đàn bà nào cũng có được.

Thu nhập từ sàn diễn cũng đem lại cho những tác giả này một cuộc sống vật chất tương đối "dễ thở". Hơn nữa, từ SK, tên tuổi của họ đã "nhảy vọt" sang điện ảnh. Nguyễn Thu Phương, Thanh Hương, Vương Huyền Cơ, Ngọc Trúc... đều đã nắm trong tay những hợp đồng với các hãng phim màn ảnh nhỏ.

CÁT VŨ - (Theo Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm