Sẽ có trường quay chuyên bối cảnh làng cổ, phố cổ

Phim " Đầu bếp và và đại gia" do Đông A sản xuất.
Phim " Đầu bếp và và đại gia" do Đông A sản xuất.

Nhưng dự án dài hơi, có ý nghĩa tạo thương hiệu của Đông A lại là seri phim thuộc dòng “phong tục” bao gồm hàng loạt tác phẩm có tiếng của nhóm Tự lực văn đoàn, dự kiến triển khai vào đầu năm 2009. Đi cùng với dự án này, là dự án xây dựng một trường quay chuyên các bối cảnh làng cổ, phố cổ.

Tại sao lại chọn Tự lực văn đoàn?

Ngồi ở Highland Cafe bên hông Nhà hát Lớn tận hưởng cái lạnh của đợt rét Nàng Bân, đạo diễn Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A kể: “Từ nhỏ tôi đã mê các tác phẩm thuộc dòng văn học lãng mạn, đặc biệt là các tác phẩm của ông nội tôi- nhà văn Trần Tiêu và anh ruột của ông- nhà văn Khái Hưng. Ban đầu, ông tôi không có ý theo đòi nghiệp văn chương.

Khi cụ nội tôi mất, ông đang học đốc -tờ ở Hà Nội. Nhà neo người, mẹ ở quê đau ốm, nên ông đã cho vợ về quê chăm sóc mẹ chồng. Bà nội tôi ngày đó trẻ đẹp lắm nên ông tôi đã bỏ Hà Nội về quê để được gần vợ và chăm sóc mẹ.

Cuộc sống thôn quê thấm đẫm văn hoá Việt đã tạo cho ông cảm hứng văn chương. Lại được anh ruột- nhà văn Khái Hưng động viên, ông tôi dè dặt bước vào làng văn và nhanh chóng được yêu thích với những tác phẩm thấm đẫm chất phong tục, như: Con trâu, Chồng con, Sau luỹ tre, Truyện quê....

Được sáng tác từ hơn 60 năm trước, nhưng giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá Việt trong những tác phẩm này vẫn không hề lạc hậu so với cuộc sống đương đại mà nhiều người vẫn tự hào là “hiện đại” bây giờ.

Là dân điện ảnh, ngồi xem những phim lịch sử, dã sử, phong tục của Trung Quốc, Hàn Quốc... tôi “cay mũi” lắm. VN thiếu gì chuyện hay, chuyện đáng nói và có thể làm hấp dẫn. Và tôi quyết định triển khai dự án dài hơi – dòng phim phong tục trên cái nền các tác phẩm của Trần Tiêu và Khái Hưng”.

Rất coi trọng chất lượng kịch bản, nên việc tạo “viên gạch móng” đầu tiên của dự án dài hơi này được Đông A gửi gắm vào vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương- Trịnh Thanh Nhã. Trên thực tế, hơn 4 năm trước, nhà biên kịch Lê Công Hội được sự giúp đỡ và cố vấn của GS-NSND Trần Bảng (con trai cố nhà văn Trần Tiêu) cũng đã chuyển thể tiểu thuyết Chồng con để làm 15 tập phim truyền hình nhưng vì nhiều lý do kế hoạch làm phim vẫn “trên giấy”.Về điều này, đạo diễn Trần Lực cho biết: “Dự án mà chúng tôi đang triển khai là sự gắn kết của nhiều tác phẩm, trong đó có Chồng con.

Xuyên suốt dự án là hình ảnh người phụ nữ đặc sệt chất VN, chịu thương, chịu khó, kính trên, nhường dưới, chiều chồng, thương con. Chúng tôi cũng tham vọng, qua dự án này tái hiện hàng loạt phong tục trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày ở thôn quê VN trước đây, trong đó có nhiều phong tục vẫn được duy trì đến bây giờ.

Đơn cử như thú chơi thả diều, làm thế nào để có con diều đẹp; làm thế nào để chỉ nghe tiếng sáo diều thôi đã nhận biết đó là diều của ai...? Muốn viết được kịch bản này, cần sự uyên thâm và chúng tôi gửi gắm niềm tin vào Lê Phương- Trịnh Thanh Nhã. Hai người họ rất hợp với Đông A trong quan điểm chung về nghệ thuật. Hiện tại họ đã dựng xong chuyện”.

Và dự án về trường quay chuyên bối cảnh cổ

Vị trí mà Đông A dự định xây dựng phim trường cách Hà Nội khoảng 30 km, rộng chừng 4 ha. Việc thiết kế phim trường đang được xúc tiến. Theo đó, để chuẩn bị cho việc bấm máy dự án phim Chồng con (60 tập) vào năm 2009, Đông A sẽ cho xây dựng trước tại phim trường này một ngôi làng cổ theo tỉ lệ 1:1, bao gồm nhà cửa, đình làng, ao, vườn... tất thảy những gì vốn có của một làng Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ những năm 30-45 thế kỷ 20.

Các bối cảnh khác sẽ được xây dựng dần dần tuỳ thuộc vào tiến độ triển khai của từng dự án, ví dụ như các bối cảnh phố xá Hà Nội cổ liên quan đến các phim chuyển thể từ các tác phẩm của Khái Hưng, như: Hồn bướm mơ tiên, Trống mái, Gia đình, Tiêu sơn tráng sĩ, Thoát ly... Đạo diễn Trần Lực khẳng định, việc xây dựng phim trường cổ sẽ rất tốn kém nhưng không thể không làm.

Ngoài việc phục vụ các dự án phim của Đông A, phim trường này còn sử dụng cho các dự án của các hãng phim bạn, tuy nhiên, việc cho thuê trường quay trong bối cảnh sản xuất phim hiện nay không đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Vì thế, mục đích của Đông A khi xây dựng trường quay này là phát triển kinh tế du lịch từ phim trường.

QUỲNH ANH - (Theo Văn hóa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm