Tết online qua 24 múi giờ

12h00 ngày 1/1/2009 (giờ Việt Nam) Tiếng hò reo đang vang khắp ngóc ngách của quảng trường Thời đại, trung tâm của thành phố New York khi quả cầu pha lê rơi xuống đúng vào lúc chuông đồng hồ ngân vang, báo hiệu một năm mới đã chính thức bắt đầu.

Mặc dù, nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái, nhưng người dân vẫn không vì thế mà kém hào hứng trong việc chào đón năm mới. Ước tính có gần một triệu người đã tập trung về đây. Đặc biệt trong giao thừa năm nay, vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton và Thị trưởng Michael Bloomberg cùng nhau bấm nút để quả cầu pha lê nặng khoảng 454kg mang thông điệp "Hy vọng vì hòa bình" chầm chậm rơi xuống.

Quảng trường Thời đại, New York, sáng rực và náo nhiệt. (Ảnh: AP)
Quảng trường Thời đại, New York, sáng rực và náo nhiệt. (Ảnh: AP)

Trước đó, vào lúc 6 giờ tối (giờ địa phương), quả cầu pha lê có đường kính 3,6m, được phủ 2.668 tam giác pha lê Waterford, đã được kéo lên đỉnh của cột cờ và thắp sáng. Ngay sau khi bấm nút, ba vị khách đặc biệt trên cùng với mọi người đếm ngược 60 giây cuối cùng của năm cũ. Là bang đầu tiên đón năm mới ở nước Mỹ, người New York rất hào hứng với việc đếm ngược này.

Khi quả cầu chạm đất cũng là lúc ánh đèn thắp sáng nó vụt tắt, tiếng hò reo vỡ òa trong màn pháo hoa rực trời. Hoa giấy được thả xuống quảng trường từ nóc các tòa nhà cao tầng. Con số 2009 bừng sáng trên nền trời quảng trường Thời Đại.

Niềm vui chào đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York. (Ảnh: AFP)
Niềm vui chào đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York. (Ảnh: AFP)

Từ Atlanta, bang Georgia, anh V.Hoàng, cho biết, khu trung tâm thành phố tập trung rất đông người cùng nhau chào đón năm mới. Mặc dù trời lạnh, nhưng bầu không khí lúc này rất nóng và náo nhiệt. Bà con người Việt ở Mỹ, nhất là các bạn trẻ đã đổ ra đường từ sớm hòa chung vào dòng người đón chào tân niên.

Trong khi đó, tại Ottawa, thủ đô của Canada, không khí đón năm mới 2009 kém náo nhiệt hơn so với mọi năm. Thành phố không bắn pháo hoa. Trước đó, có dự đoán rằng, số người tụ tập ở trung tâm thành phố đón năm mới không nhiều. Các lái xe buýt đã đình công trong suốt 12 ngày qua đòi thay đổi các quy định làm việc. Điều này có thể sẽ khiến nhiều người ngại ra đường, bởi xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu ở đây.

Tuy nhiên, theo anh Joel, một người từng làm việc ở Việt Nam trong nhiều năm qua và giờ đang đón Tết ở Ottawa, người Ottawa luôn tự hào là ’’những người thích mùa đông’’, nên dù không có xe buýt, vẫn có hàng nghìn người ra đường đón năm mới 2009.

Hầu hết mọi người tập trung quanh sân khấu biểu diễn được dựng lên trên mặt kênh Rideau gần Tòa nhà Quốc hội để thưởng thức các chương trình nhạc rock, những màn biểu diễn ánh sáng, sương khói và âm thanh ngoạn mục. Những người khác thì uống thâu đêm tại các quán rượu.

07h00 ngày 1/1/2009 (giờ Việt Nam) Cộng tác viên Magnus từ London, Anh quốc cho biết, lúc này tiếng chuông đồng hồ Big Ben đã điểm để đón chào năm mới 2009.

Tháp đồng hồ Big Ben rực rỡ trong màn pháo hoa chào năm mới. (Ảnh: Londonse1)
Tháp đồng hồ Big Ben rực rỡ trong màn pháo hoa chào năm mới. (Ảnh: Londonse1)

Tiếp theo là màn pháo hoa kéo dài 10 phút được bắn lên từ London Eye. Anh Ngọc Phúc cho biết, người dân thành phố tập trung đông nghẹt ở hai bên bờ bắc và bờ nam của sông Thames, đoạn từ cầu Westminster tới cầu Waterloo, để thưởng thức màn pháo hoa hoành tráng này, bất chấp ngoài trời lạnh âm độ.

Để vào được hai khu vực trên xem pháo hoa, mọi người phải tới từ khá sớm vì lối vào bị chặn trước 11h30 vì bên trong đã đầy người. Những người không may mắn có thể xem pháo hoa là qua truyền hình hoặc qua những màn hình vô tuyến lớn ở quảng trường Trafalgar và quảng trường trước tòa nhà Quốc hội.

Theo cộng tác viên Tuyết Nhung từ Reykjavík, Iceland, năm nay người dân nơi đây ăn Tết ít vui, ít pháo hoa, không tưng bừng như mọi năm. Trong thời khắc đón chào năm mới này, ai cũng đều hy vọng Iceland đi lên. Nhân dịp này, chị chúc độc giả VietNamNet một năm mới tốt lành.

Ảnh: Lê Chí Hiếu
Ảnh: Lê Chí Hiếu

Anh Lê Chí Hiếu thuộc trường Đại học Cardiff ở Wales, cho biết thời tiết ở Anh đêm giao thừa rất lạnh. Tại Cardiff, nhiệt độ thấp nhất là âm 3 độ C nhưng thời tiết đẹp, không có mưa, rất lý tưởng để mọi người hội tụ nhau tại Thủ phủ xứ Wales để đón mừng năm mới.

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nhiều tới dân chúng Anh. Năm nay, màn bắn pháo hoa ở Cardiff chỉ kéo dài khoảng 5 phút. Tuy nhiên, đông đảo mọi người vẫn kéo về Toà Thị chính để đón mừng năm mới. Sau màn trình diễn pháo hoa, ban nhạc và các trò chơi ở Winter Centre vẫn tiếp diễn tới 2h sáng. Các quán bar ở phố chính mở cửa hết công suất.

Shop Nail của chị Huệ Anh làm việc đến tận khuya. Ảnh LP
Shop Nail của chị Huệ Anh làm việc đến tận khuya. Ảnh LP

Từ Scotland, ông Phúc cho biết, vào đêm giao thừa, nhiều lao động Việt ở Stirling, vẫn bận rộn làm việc cho khuya, chẳng hạn như những người làm "nail" vì khách quá đông.

Từ Dublin - Ireland, anh Thanh Tùng cho biết, năm nay có bắn pháo hoa, nhưng không ít người ưa thích ngồi trong các quán bar uống rượu mừng năm mới, thậm chí đến 2h sáng, và kéo nhau đi xem Elton John biểu diễn ở London qua truyền hình. Tuy nhiên, năm nay ở Dublin, người ta ít đi bar hơn nhiều so với năm ngoái vì khủng hoảng kinh tế.

06h00 ngày 1/1/2009 (giờ Việt Nam) Từ Berlin, cộng tác viên Nguyễn Nguyệt Minh của VietNamNet cho biết bầu trời bên trên cổng Brandenburg rực sáng nhờ những màn pháo hoa ngoạn mục vào đúng 12 giờ đêm (6 giờ sáng 1/1 giờ Việt Nam). Màn pháo hoa kéo dài đúng 10 phút.

Pháo hoa sáng rực bầu trời Brandenburg. (Ảnh: Mai Hải)
Pháo hoa sáng rực bầu trời Brandenburg. (Ảnh: Mai Hải)

Tuy nhiên, không giống như ở Mỹ, người Berlin không chỉ trông đợi màn bắn pháo hoa do chính quyền thành phố tổ chức. Họ mua rất nhiều pháo bông để đốt trên các ban công, nóc nhà và dọc các khu phố. Họ cũng mua nhiều sâm panh, loại Rotkäppchen mà người địa phương ưa thích.

Bắt đầu từ chạng vạng tối, trên khắp các khu phố thỉnh thoảng lại vang lên tiếng mở sâm panh lốp bốp và không gian đâu đó chợt bừng sáng nhờ những ngọn pháo bông. Ước tính có khoảng 1 triệu người tập trung tại bữa tiệc ngoài trời, trải dài từ cổng Brandenburg tới cột Chiến thắng.

Bữa tiệc ngoài trời ở Berlin là một trong những lễ kỷ niệm lớn nhất châu Âu vào đêm Giao thừa với nhiều sân khấu trình diễn âm nhạc, những màn hình vô tuyến cực lớn, các lều tiệc, các quầy bán thức ăn nhanh và bia, các buổi trình diễn ánh sáng và laser.

Chị Mai Hải - từ Brandenburg, cách Berlin khoảng 100km - cho biết, đêm giao thừa dù không có tuyết nhưng những thảm cỏ trắng đóng băng hết, mọi người đổ dồn về quảng trường thương mại (Market Square) reo hò, đốt pháo đón năm mới.

Minh Thư, nghiên cứu sinh tin học đang sống ở vùng ngoại ô Bondy, Paris (Pháp) cho biết, giao thừa năm nay Thư cùng một người bạn đến gia đình một giáo sư người Pháp để dùng bữa tiệc nhỏ với những món ăn truyền thống dành cho ngày tết.

Thư vui vẻ kể: “Chúng tôi ăn thịt cừu, hào sống vắt chanh, phoma… uống rượu sâm panh và làm một vài ly rượu mạnh”. Theo cô, Tết Tây ở Pháp thường chỉ để dành cho bạn bè, uống rượu, ăn uống, khiêu vũ và đếm ngược chờ thời khắc giao thừa.

“Năm nay chúng tôi không kéo nhau ra quảng trường Champs Elysées. Trong giờ phút đón chào năm mới, chúng tôi, những nghiên cứu sinh Việt Nam xa nhà cùng những người bạn Pháp ôm hôn nhau, nâng ly sâm panh và tặng nhau những lời chúc năm mới hạnh phúc”, cô hào hứng kể.

Trước đó, vào lúc 0 giờ Việt Nam (18h00 giờ địa phương) anh Lê Đức Cường từ Gothenburg, Thụy Điển cho biết, do thời tiết tại Bắc Âu khá lạnh, dưới 0 độ C, nên người dân ở đây đã đón chào năm mới từ lúc 17 giờ, thay vì 24 giờ như ở nhiều thành phố khác.

Đúng 17h00, cả thành phố tập trung tại Nhà hát Opera bên bờ sông Gota để thưởng thức pháo hoa. Cũng vì thời tiết lạnh nên người dân ở đây không có thói quen lang thang chào đón giao thừa ngoài đường phố. Sau khi cuộc trình diễn pháo hoa kết thúc, phần lớn mọi người về nhà tụ họp cùng gia đình và bạn bè để chào đón năm mới bên bàn tiệc ấm cúng.

04h00 ngày 1/1/2009 (giờ Việt Nam), Tết đã đến Moscow, thủ đô Liên bang Nga - miền đất trải dài trên 10 múi giờ. Theo cộng tác viên Ngọc Hà từ Moscow, mọi người ở đây rất hồ hởi đi đón Tết tây. Chị cho hay, số lượng người tập trung ở Quảng trường Đỏ rất đông. Không khí năm mới đang tràn ngập trung tâm thành phố. Các tòa nhà đều chăng đèn kết hoa trông thật rực rỡ.

Điện Kremlin lung linh trong đêm. (Ảnh: Russiablog)
Điện Kremlin lung linh trong đêm. (Ảnh: Russiablog)

Anh Tùng, một sinh viên Việt Nam đang học tại Moscow cũng cho hay, năm nay, trời khá lạnh nhưng không vì thế mà khiến mọi người ngại ra đường đón chào năm mới. Anh nói cảm thấy rất vui, bầu không khí xung quanh anh lúc này thật đầm ấm, ai ai cũng tràn đầy niềm hân hoan, nhờ thế mà băng giá của mùa đông như đã bị xua tan đi và khiến những người sống xa quê hương như anh thấy đỡ nhớ nhà.

Chị Phạm Thị Lâm từ thành phố Tambov - LB Nga - cho biết, năm nay làm ăn khó khăn, tuyết rơi muộn nên quần áo - sản phẩm kinh doanh chủ yếu của người Việt tại Nga - bán không được chạy, đặc biệt tình hình gia hạn cư trú gặp nhiều rắc rối khiến nhiều người lo lắng. Do đó, ở các trung tâm có nhiều người Việt, Tết dương lịch tương đối ảm đạm.

Tuy nhiên, theo chị Lâm, vẫn còn khá nhiều người Việt tụ tập tại Quảng trường Đỏ để chụp ảnh, đón năm mới.

Cũng như mọi năm, rất nhiều tri thức Việt Nam đang công tác và học tập tại Nga tụ về Quảng trường đại học Lomonoxop trên đồi chim sẻ, vì đây là một trong những điểm cao tại Moscow, địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn thành phố lung linh và xem bắn pháo hoa. Nhiều sinh viên tổ chức tiệc rượu ấm cúng tiễn năm cũ và đón năm mới.

Anh Nguyễn Văn Long, từ Voronezh, Nga, gửi thư chúc tết cho VietNamNet. Nhân dịp năm mới, anh muốn nhờ VietNamNet chuyển tới cha mẹ, chị và các em lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong công việc và học tập. Anh cũng xin chúc tất cả độc giả của VietNamNet may mắn và gặt hái được nhiều thành tích trong năm 2009.

0h ngày 1/1/2009 (giờ Việt Nam), thời tiết giá rét cũng không ngăn cản được hàng vạn người Hà Nội kéo ra bờ hồ Hoàn Kiếm để mừng đón tết dương lịch. Mỗi người ra đây đều đem theo lời cầu chúc một năm mới an lành và có nhièu hạnh phúc

Người dân Hà Nội ra đường đón năm mới. Ảnh: Phạm Hải
Người dân Hà Nội ra đường đón năm mới. Ảnh: Phạm Hải

Không khí xung quanh bờ hồ mỗi lúc càng trở nên náo nhiệt hơn khi các hoạt động chào đón năm mới được đông loạt diễn ra. Đáng thu hút nhất là chương trình biểu diễn xiếc của đoàn xiếc Hà Nội thu hút được sự chú ý của hàng nghìn người theo dõi.

Xung quanh Bờ Hồ, nhiều hoạt động lễ hội cũng diễn ra rất sôi động. Lễ hội phố hoa Hà Nội được dàn trải dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng là điểm thu hút sự chú ý của nhiều người. Người muốn tìm hiểu để mua hoa, chơi hoa vào dịp tết, người muốn chụp hình làm kỷ niệm đánh dấu thời khắc năm cũ đã qua chuẩn bị cho một năm mới sắp đến…

Nhiều lễ hội đón năm mới diễn ra ở Thủ đô. Ảnh: Phạm Hải
Nhiều lễ hội đón năm mới diễn ra ở Thủ đô. Ảnh: Phạm Hải

Nhiều hoạt động của thời khắc cuối năm chào đón năm mới cũng đồng loạt diễn ra. Những quả bóng bay có ghi dòng chữ chúc mừng năm mới được bày bán và người mua khắp nơi. Những chiếc đèn trời cũng được nhiều người cho thả với mong ước một năm mới sẽ đem đến nhiều điều tốt lành.

Anh Hùng và chị Hằng, cặp vợ chồng mới cưới khi đốt chiếc đèn trời đã đem theo lời cầu mong, một năm mới hai vợ chồng khoẻ mạnh, an lành và sớm sinh một cháu bé khoẻ mạnh kháu khỉnh.

Phố hoa Hà Nội thời khắc chuyển sang năm mới. Ảnh: Phạm Hải
Phố hoa Hà Nội thời khắc chuyển sang năm mới. Ảnh: Phạm Hải

Những giờ khắc cuối cùng của năm 2008 trên thành phố mang tên Bác thật thiêng liêng. Bất cứ người dân nào bước chân ra đường đều có chung cảm nhận: TP hôm nay ngập tràn ánh sáng, âm thanh và đầy ắp nụ cười!

Các con đường trung tâm TP như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi…chật như nêm bởi người và xe gắn máy, ô tô bốn bánh bị hạn chế giao thông. Rất may, không khí ngột ngạt của mùa khô Sài gòn đã được một cơn mưa trái mùa xua tan từ chập tối.

Đường phố nem chặt người. Ảnh: P.C
Đường phố nem chặt người. Ảnh: P.C

Thời tiết mát mẻ, lượng người đổ ra đường ngày càng đông. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, khu vực từ vòng xoay câu liễu đến chợ Bến Thành, các phương tiện lưu thông gần như phải nhích từng bước. Vào khoảng 22h30, đã xảy ra kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên đường Lê Lai, do trước công viên 23/9 đang diễn ra lễ hội “TPHCM đón chào năm mới” với một sân khấu ngoài trời được dựng hết sức hoành tráng, đầy màu sắc…

Những bài hát về mùa xuân về TP mang tên Bác vang lên đã níu kéo hàng trăm người dừng chân tò mò đứng lại và trước đó là những người dân gác chống xe gắn máy….thưởng thức từ xa.

Sài Gòn được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ để đón năm mới. Ảnh: P.C
Sài Gòn được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ để đón năm mới. Ảnh: P.C
Có lẽ sôi động nhất là khu vực đường Nguyễn Huệ, nơi hàng năm đều tổ chức lễ hội hoa xuân của TP. Chạy dọc thương xá Tax là các nguyên mẫu tuần lộc và ông Già Noen, ông già Tuyết..được rất nhiều người đến gần để chụp ảnh. Phía trên một chút khu Toà nhà Trung tâm Sài gòn trên đường Lê Lợi, bộ mặt tiền được giăng đèn, với cây thông cao bề thế hơn 20m.

23h00 (giờ Việt Nam) Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đang ngập tràn tiếng hò reo đón chào năm mới.

Mặc dù, giống như Việt Nam, người Trung Quốc ăn Tết âm lịch là chính, nhưng Tết dương lịch cũng được tổ chức hoành tráng và đông vui không kém. Trong ngày này, người dân tập trung về trung tâm thành phố để cùng đếm ngược tới lúc hai kim đồng hồ nhập làm một, chính thức bước sang năm mới.

Người dân Thiên Mạc Thành, Thanh Đảo, hào hứng đón chào tân niên. Ảnh THX
Người dân Thiên Mạc Thành, Thanh Đảo, hào hứng đón chào tân niên. Ảnh THX

2008 được coi là năm của Trung Quốc. Với việc tổ chức thành công Thế vận hội, Trung Quốc đã để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như thảm họa động đất ở Tứ Xuyên đã làm chết hàng nghìn người, hay vụ bê bối sản phẩm sữa nhiễm hóa chất melamine làm 6 trẻ em thiệt mạng và gần 300.000 em nhỏ khác bị ốm.

Anh Minh, một sinh viên VN đang theo học tại Bắc Kinh, cho hay, lúc này đây, bầu không khí năm mới tại thủ đô Trung Quốc thật náo nhiệt. Tuy nhiên, vì đang đúng mùa thi cử, nên các bạn sinh viên VN chủ yếu ở lại ký túc xá để ôn thi, ít ra đường. Thêm vào đó, ngoài trời cũng rất lạnh. Nhiệt độ hiện vào khoảng âm 7 độ C.

Sân khấu đêm tiệc đón chào năm mới tại Thượng Hải. Ảnh THX
Sân khấu đêm tiệc đón chào năm mới tại Thượng Hải. Ảnh THX

Anh Kiệt, từ Thượng Hải, cho biết, người dân thành phố này hiện cũng đang rộn ràng đón chào tân niên. Tại khu phố đi bộ Nam Kinh có khá đông người, dù ngoài trời khá lạnh. Nhiệt độ đo được lúc này là 0 độ C.

Tại Hong Kong, trung tâm mua sắm Times Square đã chuẩn bị hơn mười nghìn món quà cho những người tham gia lễ đếm ngược tới năm mới. Món quà của năm nay sẽ gồm "gậy hoan hô" được in dòng chữ chúc phúc bằng tiếng Trung, như "tất cả mọi người đều có việc làm" hoặc "thị trường chứng khoán bùng nổ", "tình hình kinh tế tốt đẹp cho Hong Kong".

Trong khi đó, Chị Haidee từ Manila, Philippines cho VietNamNet biết, ngoài đường phố đang rất náo nhiệt. Mọi người tập trung rất náo nhiệt và đông vui. Tất cả mọi người đang chờ đón màn pháo hoa hoành tráng chúc mừng năm mới.

22h00 (giờ Việt Nam) Năm mới về tới Nhật Bản và Hàn Quốc, dù tiết đông lạnh giá nhưng mọi người vẫn đổ ra đường đón giao thừa.

Từ Chiba Nhật Bản, chị Mai Hoa cho biết, Tết đã tới xứ sở của hoa anh đào và những nàng geisha xinh đẹp. Lúc này người dân Nhật đã đổ ra đường đi đền chùa để cầu may trong giây phút đất trời giao hòa của năm mới. Thời tiết ngoài trời lúc này khá lạnh. Nhiệt độ vào khoảng 7-8 độ C, nhưng may mắn là không có tuyết.

Mọi người ăn cháo bên ngoài làng tạm dịp năm mới. Ảnh AP
Mọi người ăn cháo bên ngoài làng tạm dịp năm mới. Ảnh AP

Người dân Nhật đã chuẩn bị đón năm mới từ vài tuần trước đó. Họ mua sắm những thức ăn cho ngày Tết, trang trí nhà cửa bằng cành cây thông, cây tre hoặc dây thừng để mong được mạnh khoẻ, sống lâu. Dây thừng được treo trên cửa và mái nhà cùng với cỏ biển hoặc dương xỉ để cầu mong được hạnh phúc và may mắn. Ðêm giao thừa, chuông sẽ rung lên 108 lần để xua đi 108 nỗi ưu phiền. Sau đó, mọi người cùng cười thật vui vì tiếng cười được cho là sẽ xua đuổi những điều không may mắn.

Theo lời chị Mai Hoa, năm nay do nền kinh tế Nhật suy thoái, nên cuộc sống nhiều người dân bị ảnh hưởng. Những ngày giáp tết, người đi mua bán không tấp nập như mọi năm. Nỗi lo kinh tế sẽ tiếp tục tuột dốc trong năm tới đã khiến nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Vì thế, lời khấn đầu tiên của chị năm nay sẽ là cầu chúc cho nền kinh tế Nhật Bản sớm phục hồi, và nhà nhà được an vui.

Chị Vân Anh, từ Osaka, viết thư cho biết: "Tôi rất nhớ VN. Tôi muốn về VN ăn Tết cùng gia đình, nhưng điều kiện không cho phép. Lúc này đây, tôi chỉ có thể lên trang web của cộng đồng người VN ở Nhật để chia sẻ những cảm xúc cùng nhau mà thôi. Tôi nhớ da diết Hà Nội, nhớ hồ Hoàn Kiếm".

Nguyễn Hải Hùng cho biết, một số người Việt Nam tổ chức đón đón giao thừa ở Ikebukuro - tầng 60 của tòa nhà Sunshine, Tokyo. Ike là một trong 5 địa điểm đón giao thừa lớn ở Tokyo.

Muốn lên tầng 60 của toà nhà Sunshine, mọi người phải mua vé, nhưng đổi lại được uống sâm panh miễn phí, được xem biểu diễn xiếc, ca nhạc, bốc thăm trúng thưởng, đếm ngược thời gian đến thời khác giao thừa.

Trong lúc này, người dân Hàn Quốc cũng đang mừng vui đón chào năm 2009. Tại Bosingak, nơi diễn ra lễ gõ chuông đồng báo hiệu năm mới, như thường lệ vẫn thu hút được đông đảo dân chúng tham dự. Theo anh Minh, cộng tác viên từ Seoul, trên nhiều đường phố anh đã bắt gặp nhiều người VN đang hòa chung vào niềm hân hoan đón chào năm mới cùng người dân địa phương.

Trước đó, hôm 21/12, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường ĐH ở Seoul (Hàn Quốc) cùng nhiều đại diện thanh niên, kiều bào, đại diện ban liên lạc Việt kiều đã tham gia chương trình “Gặp gỡ và Giao lưu cuối năm" chào đón Giáng sinh, Tết dương lịch được tổ chức tại trường ĐH Konkuk.

Bà Huỳnh Thị Kim Xuân, đại diện Ban liên lạc Việt kiều tại Hàn Quốc cho biết, "trong những năm gần đây, số người Việt Nam sinh sống, làm việc, kết hôn và học tập tại Hàn Quốc đã lên đến con số 80.000 người. Cộng đồng đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước".

20h00 (giờ Việt Nam) Năm 2009 đã "cập cảng" Sydney, thành phố ven biển nổi tiếng của Australia với Nhà hát Opera hình những cánh buồm no gió.

Ngay từ sáng sớm hôm nay, hàng nghìn người đã tập trung về cảng Sydney để giành chỗ đẹp, chờ chứng kiến màn pháo hoa hoành tráng đón chào năm mới vào nửa đêm.

Nhà hát Opera huyền ảo dưới những bông hoa pháo. (Ảnh: Smh)
Nhà hát Opera huyền ảo dưới những bông hoa pháo. (Ảnh: Smh)

Nền kinh tế Australia năm nay cũng nằm trong xu thế ảm đạm chung, nên nhiều người dân địa phương tin rằng, màn pháo hoa rực rỡ sẽ mang lại những hy vọng cho năm mới. Cuộc trình diễn pháo hoa đêm nay mang tên Sáng tạo, với số tiền đầu tư lên tới 5 triệu USD. Dự kiến, hơn 5.000kg thiết bị nổ sẽ được bắn lên trời. Khoảng 11.000 quả pháo, 10.000 quả pháo hình sao chổi và 100.000 hiệu ứng sẽ được dùng trong đêm nay.

Từ Melbourne, anh Điệp - nhân viên công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger làm việc trên giàn khoan ngoài khơi cho biết, đêm chuyển giao 2008 sang năm mới 2009 ở đây cũng giống như ngày thường. Không có bữa tiệc hay sâm panh đón mừng năm mới vì nguyên tắc làm việc trên giàn khoan không được dùng bia rượu.

Từng đón năm mới ở một nơi bốn bề là biển 3-4 lần, anh Điệp nói, vào những dịp như thế này, mọi người ai nấy đều mặt mũi nhăn nhó vì phải đón Tết xa nhà. Anh cho biết, giao thừa những năm trước anh chỉ đi dạo quanh giàn khoan và hát "Happy New Year" cùng các nàng tiên cá. Còn năm nay, có lẽ sẽ đón năm mới với một giấc mơ đẹp.

Pháo hoa sáng rực màn đêm. (Ảnh: Smh)
Pháo hoa sáng rực màn đêm. (Ảnh: Smh)

Không chỉ với người dân bản xứ, những người Việt Nam đang sinh sống, công tác và học tập tại các thành phố của Australia như Sydney cũng đang rất háo hức với cuộc trình diễn đầy tính sáng tạo.

Anh Hiệp, từ Sydney cho hay, màn pháo hoa được bắn thành hai đợt, đợt thứ nhất đã diễn ra vào lúc 21 giờ (17 giờ Việt Nam), và đang bắn tiếp đợt thứ hai. Những bông pháo hoa thật rực rỡ và hoành tráng, như muốn nói năm mới sẽ tràn đầy hạnh phúc và niềm vui. Anh chúc quý độc giả VietNamNet một năm mới an khang và thịnh vượng.

Bạn Trần Long chia sẻ với VietNamNet, đúng 0h00 (giờ Australia) bầu trời Melbourne rực rỡ bởi màn pháo hoa kéo dài khoảng 10 phút trong tiếng hò reo của hàng chục ngàn người dân thành phố.

Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, tụ tập hai bên bờ sông Yarra xinh đẹp, quảng trường trung tâm Federation Square, khu WaterFront và nhiều nơi khác. Điều thú vị trong đêm giao thừa năm nay là không khí se se lạnh đem đến một cảm giác thật dễ chịu và khiến cho ai nấy đều cảm nhận được thời khắc giao thừa.

Mặc dù kinh tế Australia cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xu thế chung của thế giới, màn pháo hoa năm nay cũng vẫn khá ấn tượng và hấp dẫn, thậm chí theo một số người dân thì còn đẹp hơn năm ngóai. Xin gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả các bè bạn gần xa!

18h00 (giờ Việt Nam) Năm mới đến với người dân New Zealand sớm nhất so với phần còn lại. Trong lúc này, những nơi khác trên thế giới vẫn còn đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của năm 2008.

Chị Mai Thi gọi điện trực tiếp từ "thành phố của những cánh buồm" Auckland cho biết, bầu không khí ngoài trời lúc này rất nóng vì người dân thành phố đã đổ ra các đường phố, đặc biệt là quảng trường trung tâm để đón chào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mặc cho lúc này có chút mưa. Nhiệt độ ngoài trời lúc này vào khoảng 18-20 độ C.

Quảng trường trung tâm thành phố Auckland bừng sáng với màn pháo hoa rực rỡ. (Ảnh: Mohammed Bin Khaled)
Quảng trường trung tâm thành phố Auckland bừng sáng với màn pháo hoa rực rỡ. (Ảnh: Mohammed Bin Khaled)

Từ Auckland, anh Anh Đức chia sẻ, thời tiết hôm nay khá nóng. Trời đẹp, nhiều người đã đổ về quảng trường trung tâm để chờ đón năm mới và chiêm ngưỡng màn pháo hoa lộng lẫy sẽ được bắn vào ít phút nữa. Mặc dù năm nay kinh tế suy thoái, nhưng người dân New Zealand vẫn háo hức chúc tụng với hy vọng sang năm sẽ sáng sủa hơn và nhiều may mắn hơn.

Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand. Auckland trải dài trên một eo đất hẹp. Thành phố này hình thành vào khoảng năm 1840. Nếu gọi nơi đây là trung tâm núi lửa cũng không sai, bởi Aukland có rất nhiều ngọn núi lửa. Auckland vừa có vẻ đẹp hiện đại với kiến trúc châu Âu, vừa có nét hoang sơ với đồi núi, rừng thẳm và vô khối bãi biển thơ mộng.

Tết ở New Zealand không giống như Việt Nam. Ở Việt Nam, trong đêm giao thừa, các hàng quán đều đóng cửa để bày biện mâm cỗ nghinh tân xuân. Nhưng ở New Zealand, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chỉ khác là không đông như ngày thường, bởi người dân thường ăn no ở nhà rồi mới kéo nhau ra đường để chúc tụng năm mới. Và bây giờ, Mai Thi cho biết, mọi người tại quảng trường trung tâm đang ôm nhau, bất kể lạ hay quen và cùng chúc nhau một năm mới tốt đẹp và hạnh phúc.

Theo VietNamNet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm