“Thắng” dịp Tết nhưng chưa vội... mừng

Cảnh phim "Nụ hôn thần chết".
Cảnh phim "Nụ hôn thần chết".

Vui vì phim Việt “thắng” được phim ngoại trong dịp Tết nhưng nếu để nói về sự phát triển bền vững thì còn rất nhiều điều đáng lo lắng.

Doanh thu thật

Với con số 16 tỷ, nhiều người cho rằng Thiên Ngân đã qua mặt Phước Sang về việc nống doanh thu để PR cho đơn vị sản xuất. Bởi, với số lượng rạp chiếu có hạn như hiện nay, giá vé không cao thì dẫu các rạp phát hành phim Nụ hôn thần chết ngày nào cũng cháy vé với 7 suất chiếu... thì 16 tỷ doanh thu vẫn là con số “ảo”.

Giả thiết, ý kiến này đúng thì vẫn có một sự thật là Nụ hôn thần chết là phim đứng đầu bảng doanh thu dịp Tết vừa qua, bỏ xa bộ phim được xem là “hot” nhất - Chuyện thần tiên ở New York (phim Mỹ).

Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), sau 10 ngày công chiếu, Nụ hôn thần chết đạt doanh thu 218.625.000 đồng. Đứng thứ hai là Chuyện thần tiên ở New York (184.890.000đ). Tiếp sau là Khi nàng quá yêu (102.860.000đ), Cuộc chiến dưới tháp cổ (88.250.000đ), Đào hoa có số (33.100.000đ)...

Bốn phim VN là Chuyện tình Sài Gòn (12.470.000đ), Duyên trần thoát tục (10.600.000đ), Em muốn làm người nổi tiếng (34.830.000đ) và Phát tài ( 31.010.000đ), doanh thu chỉ bằng số lẻ của Nụ hôn thần chết nhưng vẫn được xem là “thắng” vì còn qua mặt 4 phim Mỹ khác chiếu cùng thời điểm.

Và những điều cần suy ngẫm

Việc bộ phim Em muốn làm người nổi tiếng không được đón nhận nồng nhiệt ở phía Nam và ngược lại phim Phát tài của hãng Phước Sang - hội tụ khá nhiều “sao” thuộc các lĩnh vực nghệ thuật nhưng không thu hút được khán giả phía Bắc là một thực tế đã được cảnh báo trước về sự lệch pha giữa sáng tác và thị hiếu.

Công bố mới đây của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sau cuộc điều tra xã hội học về thị hiếu khán giả tại TP.HCM đáng để các nhà làm phim phía Bắc suy ngẫm. Cuộc điều tra được tiến hành ở 7 rạp và cụm rạp với 3.000 phiếu phát ra.

Các câu hỏi đưa ra xoay quanh sức hấp dẫn của điện ảnh trong thời điểm hiện nay: Sự quan tâm của người xem với phim Việt; Tại sao phim phía Bắc không gây chú ý với khán giả phía Nam và làm thế nào để phim VN hấp dẫn người xem...

Có 54,55% khán giả trong số 3.000 người được hỏi khẳng định chọn đến rạp xem phim khi muốn giải trí. Cho thấy, với giới trẻ, điện ảnh không hề bị “lép” so với truyền hình, ca nhạc, trò chơi điện tử...

Đề tài được xem là “hot” nhất chính là phim hành động (50,17% thích loại phim này), sau đó là phim hài (34,23%), phim kinh dị (27,30%), phim tâm lý hài (20,47%), phim tâm lý xã hội (14,94%), phim lịch sử (7,45%) và phim chiến tranh (7,12%).

Cũng với 3.000 khán giả trong khuôn khổ cuộc điều tra xã hội học về khán giả, tỉ lệ thích xem phim Mỹ chiếm 66,99%, số người thích xem phim Việt chiếm 17,19% cao hơn số người thích xem phim Trung Quốc.

Và, có tới 52,57% cho rằng phim VN do các hãng phim truyện phía Bắc sản xuất ít gây được sự chú ý của khán giả miền Nam với lý do: không hợp sở thích, gu thẩm mỹ; phim nặng tính triết lý, câu chuyện chưa hấp dẫn .

Cụ thể những góp ý này, những người “chê” cho rằng phim VN chất lượng không cao vì kịch bản dễ đoán trước, tiết tấu chậm, thoại dài dòng, thiếu thực tế, diễn viên không đẹp, diễn xuất chưa thuyết phục, thiếu các xảo thuật hiện đại, chất lượng in tráng và lồng tiếng chưa đạt yêu cầu, đề tài không đa dạng (chủ yếu là phim chiến tranh, vấn đề hậu chiến, nông thôn..., thiếu những đề tài nóng đang được dư luận xã hội quan tâm). Mặt khác, sự khác biệt về văn hoá, giọng nói khiến khán giả miền Nam đôi lúc không hiểu các nhân vật trong phim (miền Bắc) nói gì, tại sao lại hành xử như vậy.

Mong muốn của các khán giả ở TP.HCM là điện ảnh VN nói chung và phim do các hãng phía Bắc sản xuất nói riêng cần nâng cao tính chuyên nghiệp, đầu tư nghiêm túc hơn nữa về kịch bản, cách thể hiện của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên.

Nếu chịu điều chỉnh để nâng cao chất lượng phim chắc chắn phim phía Bắc sẽ được đón nhận ở thị trường phía Nam vì ngay trong số 3.000 khán giả được hỏi thì vẫn có 905 người cảm tình với phim phía Bắc khi cho rằng, phim do các hãng phía Bắc sản xuất có nội dung sâu sắc, cách thể hiện không phô trương, bố cục phim chặt chẽ mang đậm màu sắc Việt.

Và chính số khán giả này lại cho rằng phim của phía Nam là nặng về thời trang, thiếu tính sâu sắc, cách thể hiện phô trương. Sự khen, chê từ phía khán giả cho dù có ý kiến chủ quan, thậm chí cực đoan nhưng đều cần thiết đối với các nhà làm phim. Biết tiếp thu, phân tích, chọn lọc để điều chỉnh, chắc chắn phim Việt sẽ không chỉ thắng trong dịp Tết.

QUỲNH ANH - (Theo Văn hóa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm