Thí sinh “nhí” phòng vệ truyền hình thực tế

“Từ ba tuổi đến hết tuổi tiểu học là thời kỳ trẻ em bộc lộ khả năng nghệ thuật như ca hát, múa, vẽ... Tâm lý học gọi là thời kỳ phát cảm. Đây là thời kỳ tối ưu cho phát triển một lĩnh vực trí tuệ nào đấy. Vì thế, những chương trình nếu đúng tính chất phát hiện và tìm kiếm những thí sinh có năng khiếu để bồi dưỡng tài năng thì nên khuyến khích. Các chương trình như vậy nên duy trì dưới góc độ là sân chơi, phù hợp đặc điểm tâm lý lứa tuổi, phù hợp với thời gian và qua sân chơi trẻ bộc lộ được năng khiếu hồn nhiên, chân thực, tài năng của trẻ... Không nên hướng chương trình như một cuộc thi với tính thắng thua quá nhiều” - TS Trần Thị Thu Mai, Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM,chia sẻ.

Thời điểm sau cuộc thi rất quan trọng

. Phóng viên: Vậy phụ huynh nên cân nhắc điều gì khi cho con em tham gia các chương trình như vậy, thưa bà?

+ TS Trần Thị Thu Mai: Phụ huynh nên cân nhắc nếu cuộc thi kéo dài làm ảnh hưởng thời gian học. Đặc biệt với các trường tiểu học thời gian học hiện được chia khá hợp lý và trẻ em cũng có thời gian cho những môn năng khiếu. Ví dụ, buổi sáng là học chính khóa còn buổi chiều là giờ học ngoại ngữ, đàn, hát.

Quan trọng nhất không nằm trong cuộc thi mà sau cuộc thi. Phụ huynh nên định hướng phát triển năng khiếu của trẻ bằng cách tiếp tục theo dõi để trẻ bộc lộ tài năng. Bởi có những trường hợp thi xong, tài năng của các em bị chìm vào quên lãng. Nhưng cũng có trường hợp thái quá, nhiều phụ huynh cứ cho trẻ tham gia biểu diễn quá nhiều mang yếu tố kinh doanh thì tài năng cũng chỉ nở rộ một thời gian ngắn rồi tàn.

Năng khiếu của trẻ được bộc lộ và nếu được đào tạo chuyên nghiệp, song song đó vẫn quan tâm đến lứa tuổi để trẻ vừa phát triển năng khiếu nhưng sống đúng lứa tuổi thì nên khuyến khích. Còn cứ một thời gian dài cho con chuyên nghiệp, làn da trẻ em mà cứ trét son phấn, trang phục lòe loẹt thì các em bị mất sự hồn nhiên, chân thật vốn có của tuổi các em. Hay bắt các em nói đúng kịch bản, ngôn ngữ ngoại giao như người lớn và bị mớm lời cũng ảnh hưởng đến tính cách của trẻ sau này.

Thí sinh “nhí” phòng vệ truyền hình thực tế ảnh 1

Làm sao để các chương trình truyền hình vẫn chỉ là sân chơi nhẹ nhàng cho trẻ? Trong ảnh: Các thí sinh Đồ Rê Mí 2012 trong chương trình Tết Đồ Rê Mí 2013. Ảnh: TL

Truyền hình chỉ là nơi bộc lộ tài năng

. Nhưng thực tế, tại Việt Nam có những chương trình dù được gọi là tìm kiếm tài năng nhưng trong quá trình thi lẫn sau khi thi, các thí sinh nhí được đào tạo như những nghệ sĩ chuyên nghiệp và biểu diễn, yếu tố ươm mầm mờ nhạt đi.

+ Tôi nghĩ rằng nhà tổ chức phải làm sao để khung thời gian hợp lý và không ảnh hưởng đến giờ học của các em. Bên cạnh đó, dù là cuộc thi thì nhà tổ chức làm sao để giữ được sự hồn nhiên của con nít chứ không phải là cuộc thi tạo ra những ca sĩ triển vọng như Sao mai điểm hẹn, Vietnam Idol hay The Voice dành cho người lớn.

Năng khiếu bộc lộ qua hoạt động vì thế hãy xem truyền hình cũng chỉ là nơi có những hoạt động giúp trẻ bộc lộ tài năng mà thôi!

. Nhưng khó tìm được phụ huynh tỉnh táo mà không bị cuốn theo những chương trình biểu diễn...

+ Có tấm gương rõ ràng là Xuân Mai. Hồi bé em bộc lộ tài năng ca hát nhưng nếu gia đình để em phát triển thì khác, nhưng gia đình lại để em tham gia quá nhiều chương trình, phát hành album... mang yếu tố kinh doanh thì tài năng của em mai một đi. Và đến giờ thì em chỉ mãi mãi là bé Xuân Mai.

Ngược lại, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã được mẹ dạy đàn piano từ bé. Mẹ ông phát hiện ra ông có tài năng chơi đàn. Ở tuổi nhỏ thì ông vừa mê đàn vừa mê nhiều môn khác nhưng mẹ ông định hướng, dẫn dắt và giờ Đặng Thái Sơn vẫn là tài năng biểu diễn về piano.

Tức khi phụ huynh cho con tham gia chương trình nào phải xác định rằng đó là nơi phát hiện ra tài năng để tiếp tục định hướng xem thật sự năng khiếu của con mình như thế nào để phát triển.

. Vậy với các em tham gia các chương trình thi thố trên truyền hình, khi trở về cuộc sống bình thường, đối với bạn bè các em đã khác biệt rồi, điều này có ảnh hưởng không, thưa bà?

+ Ảnh hưởng lắm chứ! Như một số nước, các trường thần đồng đào tạo tài năng đặc biệt... Và nhiều trường hợp trên lĩnh vực năng khiếu các em thành công nhưng trong đời thường thì các em bị đơn độc. Cái gì cũng có mặt tích cực, tiêu cực.

Cân nhắc khen chê

. Có những trường hợp các em khóc ngất trên sân khấu, mém té xỉu... vì thắng hoặc thua. Phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý để khuyên con như thế nào?

+ Thật ra đó là lúc các em bị sốc ngay lập tức. Đặc biệt trẻ con càng nhỏ càng sợ bị mất tự tin, thất bại, bị xấu... Và ngay lúc thua, các em sẽ nghĩ các em sẽ là người thất bại thôi, điều này sẽ làm chấn thương tâm lý các em lâu dài. Vì thế hiện tại ngay trong giáo dục nhà trường, cách chấm điểm cũng điều chỉnh. Ngoại trừ các môn chính như toán, tiếng Việt còn các môn khác giáo viên đều đánh giá chỉ là đạt hay không đạt. Bởi rõ ràng, nếu bị cách biệt điểm số các em sẽ bị thua kém, như cảm giác các em là người bị thua.

Trong tham vấn tâm lý, người ta cũng có quan điểm cố gắng phát huy điểm mạnh của trẻ trong thất bại. Ví dụ như khuyên con có những cái tốt hơn, tức chọn điểm tốt để khuyến khích các em và dĩ nhiên cũng chỉ cho các em thấy trong cuộc sống có những thất bại nhưng qua thất bại đó con sẽ rút kinh nghiệm có thể sau này sẽ thành công. Và những lời khuyên, khuyến khích cũng phải hết sức khéo léo và chọn thời điểm phù hợp, không phải trẻ bị sốc là mình khuyên ngay. Những lúc đó cha mẹ, bạn bè của trẻ không nên chế giễu, nhắc lại sự thất bại của trẻ mà phải khuyến khích để trẻ có những thành công khác dù nhỏ hay lớn và nhắc những chuyện khác thành công để trẻ lấy lại niềm tin.

Nguyên tắc khi dạy trẻ tiểu học là đừng cho trẻ mất niềm vui, mất sự tự tin. Đó là hai điều quan trọng nhất. Làm sao để trẻ hiểu các chương trình vẫn chỉ là sân chơi, thắng thua không quan trọng.

. Vậy ngay lời khen, chê của giám khảo cũng phải chừng mực?

+ Đúng vậy, giám khảo làm sao cho các em hiểu cuộc chơi chỉ là trải nghiệm, đặc biệt trẻ nhỏ phải khen, cái chê thì rất tế nhị. Và khen cũng phải đánh giá đúng năng lực thật sự của trẻ, khen có động viên. Như giọng hát chưa được lắm và con phải cố lên. Chứ khen quá trẻ lại bị ảo tưởng về bản thân.

Chính phụ huynh cũng phải chuẩn bị tâm lý

. Ngoài con trẻ thì ngay chính phụ huynh cho con em thi cũng phải chuẩn bị tâm lý cho chính mình?

+ Đúng vậy. Phụ huynh phải hiểu tính chất cuộc thi, đánh giá đúng năng lực của con mình có phù hợp với cuộc thi hay không. Trong cuộc thi đó, giọng hát, hình thể, cách diễn đạt của con mình mạnh cái nào, yếu cái nào... Bản thân phụ huynh cũng không nên ảo trong đánh giá con mình.

. Phụ huynh có nên tránh cho con tiếp xúc với truyền thông hay không?

+ Không nên để trẻ tiếp xúc trực tiếp. Bởi các em không thể chịu áp lực như người lớn và thật sự nhiều em cũng chưa hiểu phỏng vấn là gì. Ngay cả truyền thông cũng nên xem là sân chơi chứ đừng bị say thông tin quá cuốn theo các em. Bởi các bé sau khi thành công vẫn còn ngỡ ngàng, nếu bị bao vây bởi máy ảnh, người... các em sẽ bị ngợp và các em cũng không biết và không hiểu đang trả lời gì đâu.

. Hiện nay, chính từ cha mẹ muốn phô trương nên đôi khi họ cho con bộc lộ khả năng qua truyền hình để làm mát mặt chính mình. Vậy để phát triển tài năng có cách nào khác ngoài việc lên sóng truyền hình, thưa bà?

+ Ví dụ tại Mỹ, ở giáo dục tiểu học, nhà trường luôn có những chương trình vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật để phụ huynh đem con đến thể hiện tài năng. Và tài năng không chỉ là ca hát mà người ta chú trọng đến cách hướng dẫn trẻ em về những khả năng ngôn ngữ, cảm thụ qua các bài viết, buổi đọc thơ... Tức có rất nhiều hình thức tổ chức để khơi gợi hứng thú và năng khiếu nghệ thuật của trẻ. Những buổi như thế này mang tính chất dã ngoại và tạo sự gắn kết giữa nhà trường với gia đình lẫn học sinh.

. Xin cảm ơn bà.

QUỲNH TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm