Thiên thần nhí hóa thân ‘Tưởng nhớ những cô gái ngã ba Đồng Lộc’

(PLO)- Sau những bộ ảnh thành công như “Em bé công nghệ”, “Đứa trẻ vô gia cư”, “Đừng bạo hành”, “Bảo vệ hoa tam giác mạch”… mới đây Đỗ Xuân Bút và đồng nghiệp tiếp tục thực hiện bộ ảnh “Tưởng nhớ những cô gái ngã ba Đồng Lộc” gây xúc động.

Bộ ảnh do hai nhiếp ảnh gia Đỗ Xuân Bút, Ngọc Quang cùng các gia đình thực hiện để tưởng niệm những nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc.

Bộ ảnh được thực hiện tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Chị cả Nam Phương.

Chị hai Gia Hân.

Em út Hà Linh.

Tác giả Đỗ Xuân Bút chia sẻ bộ ảnh gồm 15 bức ảnh, được thực hiện trong vòng một ngày. Ba cô bé: Phương Nam (Hà Nội), Hà Linh (Bắc Giang) và Gia Hân (Sơn La) - những nhân vật chính trong bộ ảnh cùng hóa thân thành các nữ thanh niên xung phong nhí trong trang phục truyền thống: Áo gụ, quần đen, dép cao su và mũ lá, cùng san đất, mở đường, không quản nắng gió khắc nghiệt.

Ba cô bé cùng hóa thân thành các nữ thanh niên xung phong nhí.

Các bé vượt cả hàng trăm cây số để tới được nơi này.

Trang phục của các bé là áo gụ, quần đen, dép cao su.

Cùng san đất, mở đường không ngại khó khăn vất vả...

Bộ ảnh được thực hiện tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Tác giả Đỗ Xuân Bút chia sẻ mục đích của êkíp không chỉ là để kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn nhằm giáo dục lớp trẻ về lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc và tôn vinh những nữ anh hùng.

Những nữ thanh niên xung phong cũng bật khóc vì những lúc nhớ nhà.

“Tôi muốn cho các bé và các thế hệ trẻ hôm nay cùng ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, tưởng nhớ những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, máu xương của mình để đổi lấy hòa bình cho đất nước".

Những giây phút nghỉ ngơi cùng trò chuyện.

"Có lẽ từ những địa danh, từ những câu chuyện thực tế, những vết tích chiến tranh để lại nơi mảnh đất lịch sử đó sẽ là những kỷ niệm, là những bài học lịch sử sâu nặng, ý nghĩa hơn tất cả từ ngữ trong cuốn sách giáo khoa lịch sử nào. Bộ ảnh tưởng nhớ tới những cô gái ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh tình yêu, tuổi thanh xuân, mãi mãi nằm lại cùng đất mẹ để đánh đổi lấy sự tự do, hòa bình cho dân tộc” - Đỗ Xuân Bút tâm sự.

Những cảm xúc rất hồn nhiên, chân thật.

Khâu chụp khoảnh khắc của bé là một trong những khâu đòi hỏi sự đầu tư nhiều nhất. Trước đó và trong cả hành trình, mẹ các bé đã kể chuyện về các cô thanh niên xung phong, các bé rất chăm chú lắng nghe nên khi thực hiện bộ ảnh, các bé rất ngoan và nhập tâm, hai thợ chụp chỉ cần bấm máy.

Các bé cùng thắp hương thăm nghĩa trang liệt sĩ.

Đỗ Xuân Bút kể kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình hoàn thành bộ ảnh là khi vào tới ngã ba Đồng Lộc lúc 12 giờ trưa. Quán cơm không có, bác chủ quán tạp hóa sau khi biết mục đích của các thành viên tới đây vì cảm mến nên đã nấu cho cả êkíp một nồi mì tôm to và đầy ắp. “Ban đầu êkíp hơi ngờ ngợ, sợ nữa nhưng cuối cùng đã ăn hết. Bát mì tôm nếu tính giá trị vật chất không phải là nhiều nhưng sự ân cần, nhiệt tình của bác khiến chúng mình rất xúc động”.

"Những vết tích chiến tranh để lại có ý nghĩa hơn bất cứ những từ ngữ trong cuốn sách giáo khoa lịch sử nào”. 

“Cùng với lần thực hiện bộ ảnh này êkip còn thực hiện một số bộ ảnh nữa, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện, cũng với những ý nghĩa nhân văn. Mong được mọi người đón đợi” - Đỗ Xuân Bút bật mí.

NGUYỄN TRÀ-Ảnh: Đỗ Xuân Bút, Ngọc Quang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm