Thông tin chính thức Lễ tang GS Trần Văn Khê

GS đang nghiên cứu âm nhạc tại nhà riêng - Ảnh: Nguyễn Á

GS Trần Văn Khê đang nghiên cứu âm nhạc tại nhà riêng - Ảnh: Nguyễn Á

Chiều 24-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Gia đình đã có thông tin chính thức về việc GS Trần Văn Khê từ trần, PLO xin đăng nguyên văn như sau:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Gia đìnhvô cùng thương tiếc báo tin:

Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khêsinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).

+ Nguyên Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của nước Cộng hòa Pháp.

+ Thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền là Chủ tịch Ban tuyển chọn Quốc tế của Diễn đàn âm nhạc Châu Á.

+ Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học, Văn Chương và Nghệ thuật Châu Âu.

+ Huân chương lao động hạng 1 của nước CHXHCN Việt Nam

Sau một thời gian bị bệnh nặng, mặc dù đã được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định và gia đình tận tình cứu chữa và chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức yếu đã từ trần vào lúc 2 giờ 55 phút sáng, ngày 24 tháng 6 năm 2015 (nhằm ngày mùng 9 tháng 5 năm Ất Mùi), hưởng thọ 94 tuổi.

Linh cữu Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê được quàn tại nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12 giờ00 trưa ngày 26 tháng 6 năm 2015 (nhằm ngày 11 tháng 5 Âm lịch năm Ất Mùi)

Lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, ngày 29 tháng 6 năm 2015 (nhằm ngày 14 tháng 5 Âm lịch năm Ất Mùi)

Ngay sau lễ động quan, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Ban tổ chức lễ tang có chuẩn bị vòng hoa luân lưu để phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đến viếng và chia buồn cùng gia đình Giáo sư Trần Văn Khê.

TIỂU SỬ GIÁO SƯ-TIẾN SĨ TRẦN VĂN KHÊ:

Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh ngày 24 – 07 -1921 tại Làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình bốn đời là nhạc sĩ. Cả hai bên nội ngoại của Trần Văn Khê đều có nhiều người thạo chơi nhạc, viết nhạc. Trần Văn Khê từ sáu tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), tám tuổi biết đàn cò (đàn nhị), mười hai tuổi biết đàn tranh và đánh trống nhạc.

Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình tú tài vào năm 1941 tại Sài Gòn, Trần Văn Khê nhận học bổng của chính phủ thuộc địa ra Hà Nội học đại học y khoa (1941-1944). Chính vào thời gian này đã hình thành mối tâm giao về âm nhạc, về trách nhiệm của thanh niên với nước nhà giữa ông với sinh viên - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người bạn học của ông ở trường trung học Trương Vĩnh Ký Sài Gòn.

Từ năm 1944 – 1949, Trần Văn Khê vừa làm giáo sư tư thục tại Sài Gòn và Cần Thơ, vừa làm ký giả báo Thần Chung và Việt Báo.

Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp với nhiệm vụ phóng viên, từ đó bắt đầu quá trình học tập và làm việc lâu dài tại Pháp. Ông đã tốt nghiệp Trường Chính trị Paris, Khoa quan hệ Quốc tế vào năm 1951. Vì bị bệnh nặng ông phải nằm bệnh viện suốt ba năm sau đó.

Ngay sau khi ra viện, Trần Văn Khê đã theo học Khoa âm nhạc Đại học Paris và tháng 6 năm 1958 trở thành người Việt Nam đầu tiên đậu bằng Tiến sĩ Nghệ thuật Âm nhạc tại Đại học Sorbonne hạng Tối ưu với lời khen ngợi của hội đồng chấm thi. Luận án Tiến sĩ của Trần Văn Khê với đề tài “ Âm nhạc truyền thống Việt Nam” trong đó nhấn mạnh đến âm nhạc Cung đình Huế và Âm nhạc Tài tử miền Nam.

Từ sau khi đậu bằng Tiến sĩ về Âm nhạc học, Trần Văn Khê đã liên tục hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá âm nhạc dân tộc tại Pháp và hơn 20 trường đại học của các quốc gia trên thế giới:

+ Thành lập Trung tâm Học nhạc Đông phương tại Paris chuyên dạy các môn âm nhạc truyền thống châu Á theo phương pháp truyền khẩu và truyền ngón (năm 1959). Tại đây Trần Văn Khê làm nhiệm vụ Giám đốc Nghệ thuật và chuyên dạy Đờn ca Tài tử (Tranh, Kìm, Cò) với sự cộng tác của hai con là Trần Quang Hải và Trần Thị Thủy Ngọc. Suốt 30 năm, Trung tâm này đã đào tạo được trên 150 sinh viên Pháp và các nước am hiểu về nhạc tài tử Việt Nam.

+ Làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp từ chức vụ khởi đầu là tùy viên đến Giám đốc Nghiên cứu với chuyên ngành Ngôn ngữ Âm nhạc Việt Nam, đặc biệt trong Đờn ca Tài tử và các cách chuyển hệ (Metabole); So sánh âm nhạc Đờn ca Tài tử với âm nhạc thính phòng của nhiều nước khác ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ.

+ Với sự trợ giúp quốc tế, đã xuất bản (gần như đầu tiên) 1 đĩa hát về nhạc Cung đình Huế và 1 đĩa hát về âm nhạc tài tử miền Nam – trong đĩa đó có bài Tứ đại oán và bài Vọng cổ.

+ Với chức vụ Nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế, Trần Văn Khê đã được mời giảng dạy nhạc học trong chuyên khoa Dân tộc nhạc học của Đại học Sorbonne Paris và nhiều đại học trên thế giới. Từ những năm 1968-1972 đặt trọng tâm nghiên cứu các kịch nghệ châu Á như: Kinh kịch của Trung Quốc; Nôh, Kabuki của Nhật Bản; Pansori (Triều Tiên); hát Chèo, hát Bội, hát Cải lương của Việt Nam.

+ Đã có trên 200 bài viết về Âm nhạc Việt Nam và âm Nhạc châu Á được đăng trong các tạp chí chuyên môn của nhiều nước, đặc biệt là những bài viết của Trần Văn Khê cho tờ Courrier de L’Unesco được dịch ra 14 ngôn ngữ khác nhau.

+ Đã thực hiện 25 đĩa hát 33 vòng và CD về Âm nhạc Việt Nam và vài nước châu Á để phổ biến trên thế giới.

+ Cố vấn đặc biệt cho Ủy ban Thành lập hồ sơ về Đờn ca Tài tử để gửi UNESCO (đã góp ý sửa chữa một cách chính xác các cuộn phim về Đờn ca Tài tử của Hồ sơ và cung cấp cho Ủy ban Hồ sơ những đĩa hát mang nhãn hiệu Unesco trong đó có nhiều tiết mục Đờn ca Tài tử).

Từ năm 2006, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê về ở hẳn trong nước. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để ông sống, làm việc trong những năm cuối đời.

Tại đây, với rất nhiều tư liệu nghiên cứu quí giá bằng sách, sổ ghi chép và băng dĩa, GS-TS Trần Văn Khê đã cùng các cán bộ của ngành văn hóa thành phố Hồ Chí Minh và những người cộng sự gần gũi xây dựng Thư viện Trần Văn Khê phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu âm nhạc dân tộc; đã cùng các cộng sự tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, nói chuyện, giao lưu với công chúng – nhất là công chúng trẻ về âm nhạc dân tộc Việt Nam với nhiều loại hình đặc trưng cho các vùng miền; đã tiếp đón nhiều nhân vật chính trị, văn hóa, ngoại giao của Việt Nam và các nước. Nơi ở của ông gần 10 năm qua đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người trong và ngoài nước.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng của thế giới và Việt Nam vì tài năng và những đóng góp về âm nhạc dân tộc mang tính quốc tế:

Trước 1975:

+ Huân chương Bội tinh hạng I.

+ Văn hóa Bội tinh hạng I.

Sau năm 1975:

+ Giải thưởng UNESCO – CIM về Âm nhạc (1981).

+ Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991).

+ Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Văn chương Nghệ thuật châu Âu (1993).

+ Giải thưởng Âm nhạc quốc tế Koizumi Fumio của Nhật Bản (1994).

+ Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Pháp (1999).

+ Huân chương Lao động hạng Nhất của Việt Nam (1999).

+ Giải thưởng Vinh danh nước Việt (2003).

+ Giải thưởng Đào Tấn (2005).

+ Giải thưởng Quốc tế của San Francisco “Đã cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

+ Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2013).

+ Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh (2013).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm