Tiếc thương 'Sầu nữ' Út Bạch Lan!

Hình ảnh bà ký tặng khán giả.

Bà mất khoảng 23 giờ ngày 4-11 vì mang trong người nhiều chứng bệnh và vừa mổ khối u gan trong khi tuổi già sức yếu. Khi tin tức bà mất được lan truyền, rất nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước như Hồng Vân, Linh Tâm, Hữu Châu, Hữu Quốc, Trịnh Kim Chi, Gia Bảo… và rất nhiều khán giả bày tỏ sự kính trọng, nhớ tiếc, thương yêu…

Bởi đằng sau cánh gà sân khấu và trong cả đời thường, nghệ sĩ Út Bạch Lan không chỉ mang một vẻ mặt phúc hậu, hiền lành vào hàng bậc nhất sân khấu Việt Nam mà bà cũng cả đời sống hiền lành, đức độ. Thời trẻ, bà nhiều lần nuốt nước mắt nhận nuôi con riêng của chồng là nghệ sĩ đào hoa Thành Được. Dù ông đã bỏ đi theo người khác bà vẫn không hờn ghen, giận dữ mà trả những đứa con riêng lại cho ông nuôi bởi sợ tính cách bay bướm, bay nhảy của ông không thể nuôi chu đáo những đứa trẻ con còn bé bỏng, vô tội. Vậy nhưng sau khi mất bao công sức nuôi những đứa trẻ ấy khôn lớn, cứng cáp, mẹ ruột chúng đến nhận lại bà vẫn nuốt nước mắt trả con vì không muốn thấy cảnh mẹ con bị chia cắt.

Là nghệ sĩ đàn chị, nổi danh trước cả nghệ sĩ Thanh Nga, có thời làm bầu gánh hát Út Bạch Lan - Thành Được trước năm 1975, rồi làm trưởng Đoàn cải lương Long An sau năm 1975, vậy mà cả đời không nghe bất cứ một nghệ sĩ nào nói xấu điều gì sau lưng bà. Với đàn em và đồng nghiệp như Thanh Nga, bà sẵn sàng dìu dắt, sẵn sàng lùi về sau để đàn em tỏa sáng. Khi là bầu gánh, trưởng đoàn bà không tỏ vẻ quyền uy hay chèn ép mà luôn dìu dắt, nâng đỡ nhiều nghệ sĩ trẻ như Phương Hồng Thủy, Mỹ Thu, Ngân Vương… Đời thường, bà ăn chay niệm Phật, làm từ thiện đến hơi thở sau cùng.

Về tài năng, bà là một tên tuổi lớn đóng đinh vào nghệ thuật cải lương Việt Nam thời vàng son với giọng ca ấm, êm, ngọt, mượt, nhẹ nhàng, thánh thót, nỉ non như ru hồn người nghe và những vai diễn đẫm nước mắt được báo chí đương thời gọi là Sầu nữ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều… Cải lương Việt Nam, sân khấu Việt Nam lại thêm một lần mất mát quá lớn với khoảng trống để lại khi bà ra đi. Vô cùng thương tiếc tiễn đưa bà.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An. Bà mồ côi cha, từ nhỏ được mẹ dẫn lên Sài Gòn làm thuê làm mướn ở khu vực Chợ Lớn. Do không cửa không nhà, tối đến hai mẹ con ngủ trên những sạp thịt trong nhà lồng chợ. Cùng cảnh ngộ với mẹ con bà có hai mẹ con nhạc sĩ Văn Vĩ (tên thật là Đinh Văn Dậm), một danh cầm cổ nhạc lừng lẫy của sân khấu cải lương sau này . Tuy bị mù nhưng cậu bé Văn Vĩ biết đờn guitar phím lõm rất giỏi nên dạy bé Hai ca. Rồi Văn Vĩ lượm được cây đàn cũ, hai anh em lén mẹ bắt chước người ta đi hát rong trong chợ xin tiền về phụ mẹ ở tuổi 15 và 11.

Tiếng lành đồn xa về giọng hát ngọt ngào và tiếng đàn của hai đứa bé hát dạo đến tai bà Năm Cần Thơ, một giọng ca tên tuổi ngày ấy, nên bà tìm đến xem sao. Từ sự nâng đỡ của bà Năm Cần Thơ, bé Đặng Thị Hai và cậu anh trai mù được hát ở các salon sang trọng ở Sài Gòn với nghệ danh Út Bạch Lan và Văn Vỹ. Từ đây, cái tên Út Bạch lan bắt đầu vang danh trên các hãng đĩa cùng thời với Út Trà Ôn và ở sân khấu các đoàn Thanh Minh, Kim Chưởng, Út Bạch Lan -Thành Được cùng nhiều đoàn đại bang khác và trở thành cô đào thương sáng giá nhất sân khấu cải lương thập niên 1950.

Ngày nay, những khán giả cải lương tuổi thất thập vẫn trầm trồ về những vai diễn của Sầu nữ - Đệ nhất đào thương Út Bạch Lan như Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca,Người đẹp thành Bát Đa, Nửa bản tình ca, Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi sóng,Tình tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh,Thiên Thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành,Đất Việt của người Việt, Khúc hát dưới trăng, Sầu ly biệt… Sau năm 1975, bà xuất hiện trong nhiều vở cải lương lớn như Bình Tây đại nguyên soái, Người ven đô

Tuy nhiên, khán giả cải lương Sài Gòn chẳng thể nào quên được bà trong những vai đào thương tuồng xã hội lấy nước mắt như mưa của người xem ở những vở như Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn… Đó là những kịch bản cải lương kinh điển ghi dấu ấn đầu tiên của bà trước bao thế hệ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm… sau này. Bà và nghệ sĩ Thành Được đã là một cặp đôi vàng ở thập niên 1950, tạo nên tên tuổi và vị thế đại bang cho đoàn Thanh Minh từ khi Thanh Nga chỉ là một cô bé chưa vô nghề. Với vọng cổ, bà cùng "vua vọng cổ" Út Trà Ôn góp công rất lớn ghi dấu ấn bản vọng cổ nhịp 32 mùi mẫn vào lòng công chúng, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định vị thế hàng đầu của bài vọng cổ ở sân khấu cải lương.

Với điện ảnh, bà góp mặt trong các bộ phim Bóng người đi, Báu kiếm rửa hận thù… với các nghệ sĩ đương thời nhưThành Được, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Văn Ngà, Ngọc Đan Thanh, Hoàng Long, Lý Huỳnh…

Điều mà đồng nghiệp và khán giả tiếc nuối nhất khi bà mất là bà vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, bởi trong lòng công chúng bà đã là nghệ sĩ nhân dân từ bao nhiêu ngày tháng.

Hình ảnh nghệ sĩ Út Bạch Lan:

Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thành Được trong vở Khi hoa anh đào nở - vở diễn làm nên tên tuổi ban đầu của nghệ sĩ Thành Được.

Bà mang vẻ mặt hiền lành, phúc hậu được cho là bậc nhất trong giới sân khấu Việt.

Hình ảnh tư liệu bà và nghệ sĩ Thành Được lúc trẻ.

Vẻ đẹp tuổi thanh xuân.

Cô đào tuổi đôi mươi.

Cùng ông xã Thành Được thời mặn nồng.

Đệ nhất đào thương thập niên 1950.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm