Tiễn thi sĩ Hoàng Cầm về Bên kia sông Đuống

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lập đội văn công quân đội đầu tiên, góp phần to lớn trong việc sử dụng văn nghệ khích lệ tinh thần chiến đấu. Chính Hoàng Cầm đã ghi lại đội của ông đã “đến với từng trung đội, đại đội Vệ quốc quân, dân quân, du kích khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Lạng Sơn để biểu diễn đủ loại kịch ngắn, kịch nói, kịch cương, ngâm thơ, hát tốp ca, đơn ca, múa vài ba điệu dân dã học được của đồng bào miền xuôi, miền ngược (...). Nửa đêm nay tiểu đội A đi phục kích ư? Trung đội C đi quấy rối địch ư? Chập tối họ vẫn được nghe giọng ngâm thơ sang sảng: Đêm liên hoan, bạn ơi, đêm liên hoan/ Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng/ Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực/ Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn... (Đêm liên hoan)

… Tôi cứ chuyển quân liên miên... nay vừa biểu diễn ở Nhã Nam, mai đã sang Bố Hạ …Vừa đi vừa sáng tác. Ghi ngay thành thơ hoặc chủ đề kịch ngắn những cảm xúc, những ý tứ bất chợt lóe lên trong tôi. Sáng tác đến đâu biểu diễn luôn đến đấy…”.

Tiễn thi sĩ Hoàng Cầm về Bên kia sông Đuống ảnh 1

Nhà thơ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần ông Phạm Duy ra Hà Nội. Ảnh: Nhạc sĩ Phạm Duy cung cấp

Trên tất cả, Hoàng Cầm là nhà thơ. Ông làm thơ từ năm lên tám và năm 15 tuổi (1937) đã nổi tiếng với kịch thơ Hận Nam Quan. 20 tuổi, ông viết kịch thơ Kiều Loan, được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vài năm sau đó. Thơ Hoàng Cầm ngập tràn cảm xúc, dụng ngữ tuyệt đẹp. Có những bài đầy nhạc tính và tình cảm thiết tha, khơi gợi tình yêu quê hương ở mỗi người dân Việt: Em ơi, buồn làm chi/ Anh đưa em về bên kia sông Ðuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ/ Sông Ðuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Phạm Duy - người bạn cùng thời đã phổ nhạc rất nhiều thơ của Hoàng Cầm, ông gom lại trong một chủ đề chung gọi là “Hoàng Cầm ca”: Tình cầm, Lá diêu bông, Qua vườn ổi, Cỗ bài tam cúc, Đạp lùi tinh tú, Trăm năm như một chiều… Bài thơ cuối cùng của Hoàng Cầm mà ông phổ là Bên kia sông Đuống. “Tôi mới phổ nhạc hồi tháng 3, định in đĩa đem ra Bắc tặng Hoàng Cầm nhưng không kịp nữa rồi…”.

Nhớ lại thời đó, nhạc sĩ Phạm Duy kể: “Những người lính mà chúng tôi gặp, gần như trong túi áo ai cũng có sổ chép thơ Hoàng Cầm. Những Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống, Đêm giao thừa… Với tôi, Hoàng Cầm là nhà thơ thuộc hàng số một Việt Nam. Thơ của ông ấy giàu tính dân tộc, như Nguyễn Bính và còn hơn Nguyễn Bính, cổ điển như Thế Lữ và còn hơn Thế Lữ nhưng lại rất mới chứ không hề cũ. Tóm lại là vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa đậm dân tộc tính. Cách dùng chữ giàu sang, phong phú, rất đẹp”...

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, mất ngày 6-5-2010 tại Hà Nội.

Quê gốc của Hoàng Cầm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên. Ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc Bắc: Hoàng Cầm.

Năm 1944, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương.

Tháng 8-1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông được cử làm trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Tháng 4-1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào ban chấp hành. Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm