Bố cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam nói với con về tình yêu

Ngày trước bố không thích ăn vặt. Đối với bố, ăn uống phải thành bữa thành giờ chứ không cái kiểu lắt nha lắt nhắt chốc lại củ khoai, chốc lại cái ngô, chốc nữa lại ốc luộc. Vậy mà bây giờ, bố cũng bị “lây” thói quen ăn vặt của mẹ vì bố sợ mẹ ăn một mình sẽ buồn. Bố thường đặt mua hạt dẻ cho mẹ vì mẹ mê món này từ khi con còn nằm trong bụng. Trời mùa đông Nhật Bản lạnh tái tê, cứ đến 9h tối là mẹ con lại “lên cơn” ghiền hạt dẻ. Thế là bố khoác áo, đội mũ trùm như Ninja đi mua. Mua quen đến nỗi ông bán hạt dẻ còn cố tình đẩy xe dạo gần hơn đến cửa nhà mình để bố khỏi mất công đi. Và bây giờ vẫn vậy. Bố tìm trên mạng những nơi bán hạt dẻ Nhật ngon để đặt mua. Khi ngồi tha thẩn ăn như một con mèo, mẹ con lại chìa ra mời mọc bố để có “đồng đội” ăn cùng. Thành ra bố cũng “nhiễm” thói quen ăn uống lách rách đó. Rồi hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí. Nhà mình chẳng khác gì trại nuôi sóc. Bố cứ lụi hụi đi nhặt vỏ các loại hạt. Nhưng mà bố cũng thấy vui!

Ngày trước, bố rất ghét FB. Trời ơi, tốn thời gian gì đâu. Rồi suốt ngày bấm bấm, viết viết, xóa xóa. Lại còn ảnh nữa chứ. Toàn những ảnh mà xem xong không hiểu mình đang xem diễn viên nào. Nhưng mẹ con cứ gạ gẫm động viên bố. Mẹ nói hay lắm, nhiều bạn bè lắm, nhiều thông tin thú vị lắm. Rồi lập Fb cho bố, dúi cái password vào tay bố nói làm thế này, thế này, thế này. Bố miễn cưỡng nghe theo để theo như mẹ nói: Mẹ có thêm một bạn trong danh sách bạn bè. Rồi bố mẹ thành “bạn”, rồi có nhiều bạn chung. Rồi mẹ luôn nhắc bố viết bài đi cho mẹ đọc. Rồi dần dần bố cũng thấy vui!

Ngày trước, bố rất ghét đi mua quần áo. Bố ăn mặc xằng xịt, có gì mặc nấy. Con nhà nông mà. Thói quen chân lấm tay bùn, chân đăm đá chân chiêu ngấm cả vào máu rồi. Nhưng mẹ phê bình ghê lắm. Mẹ nói sao lại tự làm khổ mình thế. Và mẹ lôi kéo bố vào các cuộc sắm sanh quần áo. Mẹ dẫn bố đi chọn, đi thử, đi mua, toát cả mồ hôi. Những lúc ấy, trông mẹ bừng sáng niềm vui. Mẹ lựa lựa, ngắm ngắm, đắn đo, suy tính. Mẹ nắc nỏm khen, mẹ hớn hở dẫn bố từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Và rồi bố cũng thấy vui!

Ngày trước, bố rất ngại đi chơi xa. Bố thích có thời gian tĩnh lặng để đọc sách, để lẩn mẩn làm cái này cái kia. Nhưng mà mẹ lại thích đi tham quan. Mẹ lên mạng tìm lịch trình các chuyến đi. Mẹ đặt vé, đặt phòng. Mẹ đi chơi thì kì cục lắm. Đi xong về thì chỉ một thời gian ngắn sau lại ngồi ngẩn ra hỏi: Thế mình đã đi chỗ… chưa nhỉ. Cái chỗ mẹ hỏi chính là địa điểm mà bố cho mẹ đến thăm trước đó chưa lâu. Thế là bố lại phải gợi lại kỉ niệm này, kỉ niệm kia ở cái địa điểm mẹ vừa hỏi. Mẹ lại à lên như Columbo tìm ra Châu Mỹ. Và lại mướt mải tìm chỗ đi cho lần sau. Lại quên. Lại hỏi. Bố cứ cuốn theo những chuyến đi đó với một trọng trách là ghi nhớ để nhắc lại nếu mẹ lỡ quên. Nhưng mà bố cũng thấy vui!

Ngày trước, bố không thích hoa hoét. Nhìn ngắm thì cũng thích mà để mua về cắm là một chuyện gì quá xa xỉ với bố. Nhưng mà mẹ lại mê hoa. Mẹ có thể ngồi hàng giờ ngắm một lọ hoa loa kèn nở. Mẹ đi lên, đi xuống, đi ngang, đi dọc quanh cái lọ hoa và không ngớt lời xuýt xoa, trầm trồ, như thể trước mặt mẹ là cả một rừng hoa chứ không phải chỉ là một cái lọ hoa nằm chỏng chơ giữa bàn. Mẹ khen mãi nên bố cũng thấy đẹp, thấy nhà có lọ hoa cũng thêm phần sống động. Thế là bố thi thoảng lại mua hoa về cắm. Cô bán hoa hay nhìn bố lóng ngóng chọn hoa và tủm tỉm cười. Cái cô bán hoa ở gần chợ Nghĩa Tân mà bố con mình thường ra đấy mua ấy, con nhớ chứ. Và mỗi ngày lễ, tết, cô hiểu ý bố nên luôn cắm trước cho bố một lẵng hoa lan hồ điệp. Và bố cũng thấy vui!

Ngày trước, bố không thích nhạc Trịnh lắm. Bố hay buồn, hay ngẫm ngợi ưu tư nên bố sợ nhạc Trịnh làm bố thêm yếu mềm. Nhưng mà mẹ con thì mê nhạc Trịnh như điếu đổ. Mẹ nghe từ ngày này sang ngày khác, hết bài này sang bài khác. Mẹ nghe đi nghe lại, lẩm nhẩm hàng giờ. Và bố bắt đầu thấy cái hay của nhạc Trịnh. Bố thấm cái hồn phiêu du chìm nổi qua những ca từ lắng buốt, đẹp và buồn. Bố đi tìm bối cảnh ra đời của những bài hát nhạc Trịnh để trò chuyện với mẹ con. Bố tìm mua tất cả những cuốn sách có thủ bút của nhạc sỹ tài ba họ Trịnh để tặng mẹ. Và rồi bố cũng thấy vui.

Ngày trước, bố rất ghét… Và bây giờ bố thấy vui…

Điều gì có thể làm thay đổi bố đến thế? Con yêu ơi ! Tất cả là bởi sự thương yêu sẻ chia đồng cảm. Và bởi có con “bắc nhịp thương nhịp nhớ”.

Tình yêu là thế đó con. Nó gần gũi hiện hữu hàng ngày. Không bằng những lời cầu kì hoa mỹ, nó giúp ta nghĩ về nhau và sống cho nhau. Nó có thể khiến ta hy sinh những sở thích của bản thân để trân trọng những gì thuộc về nhau. Cũng như cách mà mẹ con lặng lẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho bố, cho những gì thuộc về bố.

Con ơi! Rồi con cũng sẽ yêu một người. Rồi con cũng sẽ thay đổi để con có được trọn vẹn niềm hạnh phúc. Bố tin tình yêu sẽ mang đến những điều đẹp đẽ cho nhau và cho cuộc đời này.

Bố nhớ câu chuyện về Hoàng tử bé: Hoàng tử bé sống trên một tinh cầu nhỏ, nơi có những hạt cây bao báp, chiếc ghế con để ngắm mặt trời lặn, khi hoàng hôn lặng buông. Rồi một bữa có đóa hồng đỏng đảnh và kiêu kì xuất hiện. Theo yêu cầu của nàng hoa, hoàng tử đã chăm sóc, bắt sâu, tỉa cành, đã dành những yêu thương nhẹ nhàng và nâng niu, đã lắng nghe nàng than thở và phàn nàn, đã cùng nàng ngắm bình minh. Nhưng rồi hoàng tử thấy mệt mỏi. Và chàng bỏ ra đi. Trong hành trình đó, chàng đã được nghe lời khuyên của Cáo, rằng có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng tim chứ không thể bằng mắt thường. Rằng đóa hoa hồng của chàng là duy nhất. Rằng chàng cần quay trở lại để bảo vệ nàng hoa.

Vậy đó con, hãy đừng là chàng hoàng tử bé không nhận ra giá trị của tình yêu đích thực. Lúc mới quen, ta hay đặt người mình yêu trong ánh sáng của trìu mến và ngưỡng mộ. Cảm xúc đến bồng bềnh, thênh thang, lòng tràn ngập niềm yêu. Nhưng rồi thời gian đẩy lùi cảm xúc đó. Đến lúc ấy hãy nhớ về tình yêu đích thực và duy nhất, hãy nghĩ về những gì rất đỗi đời thường!

Bởi những thứ đời thường ấy hoặc có thể nuôi sống tình yêu nhưng cũng có thể giết chết tình yêu.

Và có thể bởi bố đã thay đổi, nên bố mới được nhận lại thứ tình yêu trong lành thuần khiết mà con trai đã dành cho bố thế này: Tình yêu nồng nàn da diết/ Chỉ là của riêng bố thôi...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm