Nấu ăn ngon nhờ xử nhiều án ly hôn

Năm nào cũng vậy, Thẩm phán H. (TAND quận Gò Vấp, TP.HCM) phải giải quyết hàng trăm vụ ly hôn. Có những vụ để lại trong chị rất nhiều suy nghĩ về câu chuyện của đương sự. Họ chì chiết, chê bai và kể những tật xấu của nhau giữa chốn công đường. Nghe họ nói mà chị giật mình và soi lại cuộc sống gia đình mình để hoàn thiện mình hơn.

Có người chồng ra tòa cứ kể tội vợ không biết nấu ăn. Nấu món nào cũng dở và ngày nào cũng chỉ nấu miết một món. Ăn hoài, anh chán, nhắc khéo chị vẫn không thay đổi.

Nghe người chồng nói, Thẩm phán H. giật mình. Chị nhận ra là mình không biết nấu ăn, ngày nào cũng chỉ nấu hai món, kho và luộc. Có hôm nấu mặn, có hôm nấu nhạt, hôm lại sống sượng. Chồng chị vẫn ăn ngon, vui vẻ với vợ, chẳng một lời than trách. Chẳng bao giờ chị tự mày mò cách nấu món ăn hay nấu những món đổi gió cuối tuần bởi thích ăn gì thì vợ chồng dẫn nhau ra quán.

Sau phiên xử đó, chị đã tranh thủ lên mạng tìm hiểu về các món ăn, mua sách dạy cách nấu ăn về đọc và thực hành nấu một số món mới cho cả nhà. Bây giờ chị đã nấu ăn ngon, bày biện món ăn đẹp và biết làm những món tráng miệng cho cả nhà. Nhìn chồng và các con ăn những món ăn do mình nấu rồi tấm tắc khen ngon, chị thầm cảm ơn các cặp đôi ly hôn đã cho chị những bài học làm ấm mái nhà.

Thẩm phán H. kể có rất nhiều người vợ, người chồng ra tòa ly hôn cứ nói người kia chẳng ra gì, thậm chí giống như con vật. Đã rất nhiều lần chị phải cắt ngang lời họ: “Anh chị dừng lại đi. Là chồng, là vợ sao có thể nghĩ về nhau kinh khủng như vậy? Nếu bây giờ tôi ghi âm rồi mở lại cho mà nghe thì anh chị thấy người kia có giống như một con vật không?”. Lúc đó đôi vợ chồng mới giật mình và im lặng.

Cũng chính lúc ấy, vị thẩm phán rọi lại xem mình có lần nào hai vợ chồng mâu thuẫn, mình đã dùng những từ nặng nề với chồng không.

Thấy mình trong câu chuyện của đương sự

Anh là dân trí thức, có kiến thức sâu rộng ngoài xã hội. Chị ở nhà nội trợ. Hai anh chị đã hơn 20 năm nên nghĩa vợ chồng, có ba con chung (có cả nếp và tẻ). Anh cho  rằng chị là vợ thì phải ở nhà phục vụ chồng con, tròn công dung ngôn hạnh; nếu cãi lời sẽ bị xỉ vả và phong tỏa tài sản. Không chịu được cảnh tù túng nên chị làm đơn ly hôn. Mỗi lần tòa đưa vụ án ra hòa giải, anh không đến dự mà chỉ yêu cầu thẩm phán phải biết dạy chị cách làm vợ, làm mẹ.

Ba người con của anh chị viết cho tòa ba lá thư kể về những lần cha đánh mẹ, về những cam chịu, nhẫn nhịn của mẹ. Các em trách tòa sao không giải quyết ly hôn nhanh để mẹ được giải thoát. Thẩm phán H. (TAND quận Gò Vấp) lặng người khi đọc từng dòng thư. Chị tự hỏi tại sao các em lại muốn cha mẹ ly hôn. Điều đó đã thôi thúc Thẩm phán H. tìm hiểu lý do người chồng không hài lòng vợ.

Người chồng phàn nàn là vợ không biết chăm lo chu đáo bữa ăn ngon, mặc đẹp cho chồng. Vì làm việc nhà quá mệt nên người vợ thường từ chối chuyện vợ chồng mỗi khi chồng đòi hỏi… Mọi căng thẳng, chì chiết của chồng bắt đầu từ đó và không có điểm dừng. Chị mở phiên tòa để xử vụ án, người chồng vẫn không đến. Chị đã chấp nhận đơn của người vợ.

Giải quyết xong vụ án, chị cứ nghĩ đến gia đình họ rồi soi lại gia đình mình. Không biết thời gian qua, có khi nào vì chủ quan mà mình đã không làm tròn trách nhiệm của người mẹ với các con, người vợ với chồng…

_______________________________________

Tôi cũng có gia đình nên mỗi khi tiếp nhận hồ sơ về án ly hôn tôi đều nghĩ đến những đứa con, đến khoảng thời gian họ yêu thương, sống vì nhau để lấy một tia hy vọng, giúp gia đình họ hòa hợp. Hòa giải được một vụ để gia đình họ hòa hợp thì tôi lại có thêm một niềm vui trong nghề. Ngược lại, những vụ án phải tuyên ly hôn, tôi đã rất buồn, có khi đã mất ngủ…

Thẩm phán H., TAND quận Gò Vấp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm