Những cặp vợ chồng nào không nên có con

Ngoại trừ lý do kinh tế, yếu tố tâm lý cũng góp phần rất lớn để quyết định hạnh phúc gia đình khi có con, sự lành mạnh trong quá trình nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, tâm lý của các vợ chồng trẻ thường bị bỏ qua, xem như không cần thiết, sinh và nuôi con được coi như "bản năng" trong khi đó là một quá trình khó khăn dài cả cuộc đời. Một đứa trẻ được sinh ra yêu cầu sự chăm lo vất vả của cha mẹ và sẽ là một con người gắn bó với bạn, tương lai của nó do bạn góp phần lớn quyết định.

Sinh con khi chưa sẵn sàng hoặc ngoài ý muốn không chỉ tác động xấu đến tâm trạng, cuộc sống của bạn, hạnh phúc vợ chồng mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài lên đứa trẻ. Nếu ở trong các tình trạng dưới đây, các đôi vợ chồng nên suy nghĩ lại về ý muốn có con của mình.

 Việc sinh con nên được chuẩn bị tâm lý đầy đủ. Ảnh: Bustle

1. Sinh con vì "mọi người đều thế"Sinh và nuôi con có thể là niềm hạnh phúc lớn lao với nhiều người. Các bậc cha mẹ có thể nói hàng giờ về đứa con nhỏ đáng yêu của mình và nhờ tình thương họ có thể vượt qua những thời khắc khó khăn vất vả nhất. Nhưng thực sự, không phải tất cả mọi người đều cảm thấy thế, đặc biệt là những người không sẵn sàng để sinh con. Tuy nhiên, xã hội cho rằng đây là điều "nhất thiết phải có" của mỗi người, hẳn nhiên phải làm sau khi kết hôn. Trong tình trạng sinh con vì "mọi người bảo thế" mà không phải vì ý muốn thực sự, trong khi còn rất nhiều mơ ước, ý định chưa hoàn thành, bạn dễ rơi vào bất mãn, trầm cảm và khó có thể tập trung đầy đủ cho con.

2. Vì sợ phải hối hận: Một ý nghĩ rất phổ biến trong xã hội là "Sinh con để lo lúc tuổi già". Tuổi sinh nở của mọi người không dài và phần lớn đều lo lắng rằng nếu không sinh khi còn trẻ, về già bạn sẽ phải hối hận khi cô đơn một mình, hoặc bạn đã bỏ lỡ thời điểm tốt đẹp nhất. Tương lai là điều mờ mịt mà mọi người luôn e sợ nhưng tính cách tạo nên số phận. Bạn nên cân nhắc những lựa chọn hành động dưới góc độ của chính bạn trong tương lai, con đường mà bạn muốn đi, con người mà bạn muốn trở thành, những gì mà bạn thực sự không muốn bỏ lỡ. Vì chỉ có bạn thực sự hiểu bạn sẽ hối hận về điều gì khi lựa chọn điều bạn không hẳn muốn. Không một đứa trẻ nào muốn trở thành sự hối tiếc của bậc sinh thành ra chúng.

3. Vì muốn bạn đời hài lòng: Sự khác biệt về ước muốn có con của các cặp vợ chồng là rất phổ biến, đặc biệt khi có sự tác động của người ngoài. Dưới áp lực nhiều phía, có thể một người sẽ buộc phải chấp nhận thỏa hiệp. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học, khao khát có con quá mức thường là biểu hiện của một cuộc hôn nhân có vấn đề hơn là ước muốn có con thực sự. Nhiều người nghĩ rằng con cái là kết nối của hôn nhân, là điều giải quyết cho những vấn đề đang tồn tại giữa hai vợ chồng, xây dựng nên niềm tin và sự gắn bó - những điều mà hôn nhân này đang thiếu thốn. Nhưng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Sự vất vả khi có con có thể khiến mâu thuẫn càng trầm trọng hơn và đứa trẻ trở thành "vật hy sinh" cho ý muốn của người lớn. Thời điểm có con nên được bàn luận, thỏa thuận trước hôn nhân để tránh các mâu thuẫn về sau.

4. Lo lắng về khả năng làm cha mẹ: Mọi người đều có mối lo này, vì ai cũng muốn làm điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, với một số người, nỗi lo này càng sâu sắc hơn, ví dụ như các vấn đề về tâm lý. Xã hội truyền thống coi nhẹ yếu tố tâm lý này của con người, cho rằng sinh và nuôi con là bản năng mà ai cũng có thể làm. Tuy nhiên, một đứa trẻ cần được chăm lo đầy đủ không chỉ về vật chất mà còn là tình cảm, sự bảo vệ, chăm sóc, thương yêu. Quan điểm "Trời sinh voi trời sinh cỏ" không thể bảo đảm cho đứa trẻ phát triển lành mạnh và có tương lai tốt đẹp. Trước khi có con, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là ý thức trách nhiệm và tình thương dành cho đứa trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm