Về nhà

Ba năm trước, bác sĩ kết luận anh bị suy thận. Vợ con hết lòng chạy chữa nhưng bệnh của anh vẫn ngày một trầm trọng hơn. Ban đầu, vài tháng anh mới lên thành phố chạy thận một lần, nhưng tần suất cứ tăng dần. Nhà xa, đi lại vừa mệt nhọc vừa tốn kém nên vợ chồng dắt díu nhau tá túc ở xóm chạy thận. Hai con thì đứa lớn đã ra trường đi làm, đứa nhỏ cũng đang học đại học năm cuối ở thành phố. Nhà cửa, vườn tược đành nhờ hàng xóm trông nom.

Mỗi lần nghĩ đến bệnh tình anh lại nản lòng, nhưng từ ngày lên sống ở xóm chạy thận, tận mắt chứng kiến những cảnh bệnh tật khốn khó, bi đát, anh nhận thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Bệnh nặng nhưng anh có vợ, có con bên cạnh chăm sóc. Con gái đi làm, cứ rảnh là tạt qua thăm bố, có khi chỉ kịp đưa bố chút đồ ăn sáng là tất tả đến công ty. Gia đình bạn trai giục cưới nhưng con tìm đủ cách trì hoãn.

Anh thương con, nhiều lần phát cáu khi thấy con vất vả, hy sinh vì mình, nhưng bố cáu kệ bố, con gái vẫn cứ làm những gì trái tim thúc giục. Bệnh của anh phải kiêng cữ đủ thứ, anh chẳng ăn được nhiều nhưng tình cảm của con khiến anh ấm lòng.

Con trai thể hiện tình thương với bố bằng cách vùi đầu vào học để giành học bổng. Với con, đó vừa là phần thưởng dành cho sự cố gắng của bản thân, vừa đem đến cho bố niềm vui. Với cảnh nhà mình hiện tại, con có học bổng thì mẹ và chị cũng đỡ một khoản…

Mọi người trong xóm chạy thận thường gọi vui anh là “vua hài”, vì có bệnh mà anh vẫn vui vẻ, hay nói hay cười, tếu táo, pha trò. Chuyện tiếu lâm anh có cả kho. Lúc nào kể cũng đem lại những tràng cười xua tan không khí u ám bệnh tật. Anh làm vậy là cố tạo ra tiếng cười để che giấu những cơn đau, nỗi buồn và có lúc là cả sự tuyệt vọng.

Chiều muộn, sau ca chạy thận, người vẫn còn mệt lả, nằm nghe người nhà đi chăm bệnh nhân râm ran nói chuyện tết, anh cố nén tiếng thở dài. Từ ngày anh bệnh, tết năm nào cũng buồn. Năm ngoái, đúng đêm giao thừa, vợ con phải gọi xe cấp cứu đưa anh lên bệnh viện, nhà chẳng còn tết nữa.

 Ảnh minh họa

Xóm chạy thận càng gần tết càng vắng vẻ. Những bệnh nhân sức khỏe có tiến triển đã được bác sĩ cho về. Anh cũng mong ngóng mình sẽ nằm trong danh sách tiếp theo. Nhưng càng chờ anh càng hụt hẫng. Lại thêm một năm đón tết trong bệnh viện? Nghĩ đến đó, anh đã ứa nước mắt.

Trước mặt vợ con anh cố giấu không để ai biết lòng anh đang buồn. Anh còn sắp xếp kế hoạch cho vợ con về quê đón tết, anh ở đây tự lo được rồi. Vợ khăng khăng: "Ông ở đâu thì tôi ở đó!". Con gái nắm tay bố, ân cần: "Cả nhà mình bên nhau thì ở đâu chả có tết". Khi anh đã tắt hy vọng thì bác sĩ thông báo bệnh tình anh đã khá hơn, có thể về ăn tết cùng gia đình, chỉ cần kiêng cữ cẩn thận.

Anh sung sướng đến trào nước mắt. Vợ con cũng không giấu được niềm vui. Tối hôm đó, cả nhà vừa thu dọn đồ đạc, vừa tíu tít chuyện trò. Suốt đêm anh thao thức không ngủ được. Anh biết bệnh tật vẫn chưa buông tha mình, nhưng anh không muốn nghĩ đến nó nữa. Lòng anh đang mong chờ một cái tết an nhiên, cả gia đình quây quần bên nhau. Rồi còn đám cưới của con gái nay mai nữa…

Không chỉ anh, vợ và con gái cũng thế, cũng nóng lòng mong trời sáng như anh. Mới tinh mơ, nghe tiếng chuông điện thoại, con gái đã bật dậy. Đầu dây bên kia, giọng con rể tương lai vọng ra: "Nửa tiếng nữa anh lái xe đến, em chuẩn bị đưa bố mẹ ra ngõ nhé". Căn phòng trọ bé nhỏ rộn ràng hẳn lên, cả nhà nhìn nhau, không giấu được những nụ cười hạnh phúc: Về nhà thôi, tết đang đến rồi!

Theo Thu Đức (PNO) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm