Những phụ nữ chết chìm trong bạo hành gia đình - Bài 3

Vì sao bạo lực gia đình ở đô thị khó phát hiện?

Với nhiều năm nghiên cứu về văn hóa gia đình, nguyên Trưởng phòng Gia đình Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em TP.HCM, nguyên Phó Trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở Văn hóa TP.HCM Lê Thị Thanh Nhã (ảnh) chuyên gia trong lĩnh vực này, có rất nhiều kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ những nạn nhân bạo lực gia đình.

Trong gia đình trí thức: Nghiêm trọng!

. Phóng viên: Thưa bà, có phải phần lớn nạn nhân của bạo hành gia đình có từ cuộc sống khó khăn, dân trí thấp?

+ Lê Thị Thanh Nhã: Đúng với đa số nạn nhân. Có những gia đình cả khi hai vợ chồng đều là trí thức thì bạo lực vẫn xảy ra nghiêm trọng. Tôi vừa tư vấn cho một chị chuẩn bị ly hôn để giải thoát cuộc sống của mình khỏi bạo lực cả về tinh thần và thể chất. Chị trước đây là giáo viên, chồng chị làm nhà nước, thường đi công tác xa. Anh thuyết phục vợ nghỉ làm ở nhà để chăm sóc gia đình. Chị nghỉ ở nhà nhưng tự xoay xở buôn bán, dần dần tạo dựng được tài sản lớn, nuôi con cái ăn học tới tiến sĩ. Nhưng khi chồng chị về hưu thì anh ta lại đòi quản lý hết tiền bạc, tài sản để khẳng định uy quyền đàn ông trong nhà. Anh đã xúc phạm vợ bằng những lời lẽ thâm sâu ghê gớm và cả đánh đập khiến chị tổn thương. Những trường hợp khác còn nghiêm trọng hơn nhiều.

. Theo bà, có phải bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính gây ra bạo lực?

+ Có nhiều lý do. Ở các đô thị lớn như ở TP.HCM, lý do chính là nhiều người chưa thích ứng kịp với đời sống công nghiệp quá nhanh. Họ chưa có kỹ năng thích ứng và tổ chức gia đình phù hợp với đời sống đô thị. Các giá trị gia đình bị đứt gãy. Các thành viên trong gia đình theo đuổi các giá trị, quan điểm, tư tưởng khác xa nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Khi các thành viên trong gia đình không thấu hiểu nhau, không chấp nhận nhau, bạo lực sẽ xảy ra. Lúc này người yếu thế hơn trở thành nạn nhân của bạo lực, bất bình đẳng giới lúc này là hệ quả, không phải nguyên nhân.

Bác sĩ đang điều trị cho bà NTHL, người bị chồng bạo hành bằng cách đổ nước sôi vào tai. Ảnh: HỒNG MINH

Rất khó nhận biết

. Bà đánh giá như thế nào về tình trạng bạo lực trong gia đình ở TP.HCM qua kinh nghiệm công tác và tư vấn?

+ Bạo lực gia đình ở các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn như TP.HCM rất khó đánh giá vì đời sống đô thị tôn trọng sự riêng tư, nạn nhân thường giấu kín chuyện riêng nên hầu hết vụ bạo hành không bị phát hiện. Những ca mà công an, địa phương phải can thiệp hoặc phải ra tòa án xử lý hầu hết đã tan nát hết rồi, rất khó cứu vãn.

Tòa án có số liệu ly hôn do bạo hành, bệnh viện có số liệu bệnh nhân nhập viện do bạo hành, công an có con số của công an… Mỗi ngành có một con số riêng. Những con số này chỉ có tính chất tham khảo. Lúc tôi còn làm việc, theo thống kê từ phía công an mỗi năm thành phố có khoảng 100-200 ca bạo hành, đây là con số không chính xác. Thực tế chắc chắn cao hơn rất nhiều.

. Bà có lời khuyên nào dành cho những phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực trong gia đình?

+ Các chị em đừng im lặng chịu đựng. Hãy tìm đến những địa chỉ có thể trợ giúp như hội phụ nữ, các điểm tư vấn, nhà tạm lánh…

Cách phòng ngừa bạo lực tốt nhất là xây dựng gia đình hạnh phúc, có trách nhiệm và thấu hiểu lẫn nhau. Khi có mâu thuẫn trong gia đình hãy gỡ ngay từ đầu, đừng né tránh hoặc im lặng chịu đựng cho đến khi nó bùng nổ.

. Xin cám ơn bà.

Cần xây dựng nền luật pháp nghiêm minh

Tôi là bác sĩ trị liệu tâm lý, tôi có thể giúp một vài nạn nhân nhưng để thay đổi nhận thức và hành vi của cả cộng đồng về vấn đề bạo lực gia đình, chỉ có thể làm được khi xây dựng một nền luật pháp nghiêm minh, khoa học. Tư tưởng văn hóa gia trưởng khi ăn sâu bám rễ rất khó thay đổi nhưng luật pháp nghiêm sẽ điều chỉnh được. Luật pháp tiến bộ thì văn hóa, nhận thức, mọi thứ sẽ tiến bộ theo.

Ở ta, nhiều ông đánh vợ hết ngày này qua ngày khác nhưng phần lớn thì chỉ bị phạt hành chính cao nhất là 2 triệu đồng, hoặc nhốt một bữa rồi thả ra thì đâu lại vào đấy, có khi sau đó mấy ông về còn đánh vợ nhiều hơn. Tôi có một thời gian sống ở Mỹ, nhận ra đàn ông bên đó cũng có nhiều người nóng tánh nhưng ông nào cũng sợ đánh vợ, con bởi đánh xong là phải nộp phạt rất nặng, phải thuê luật sư vô cùng tốn kém, phải đi tù. Luật pháp rất nghiêm nên họ phải sợ thôi.

Ông TRƯƠNG CHÍ THÔNG, bác sĩ trị liệu tâm lý y khoa

Theo Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt hành chính được Điều 49 Nghị định 167/2013 quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm