Xóm 'thắp nến' ở Sài Gòn

Ở đó có ba gia đình nhỏ người Khmer mấy năm rồi sống trong cảnh không điện, không nước sạch.

Căn chòi của ông Kim Sam Bát cất sát một vuông vịt. Nơi cư ngụ của người đàn ông một vợ, năm con dựng tạm bợ bằng những miếng ván ép xin từ một công ty gỗ, nóc nhà lợp tôn gỉ sét lủng lởm chởm được mua ngoài bãi phế liệu giá 10.000 đồng/tấm. Mùa nắng ngột ngạt khó chịu. Những ngày mưa dầm, ván ép nhão ra, vách nhà mềm như giấy. Khi triều cường hoạt động mạnh, nước sông có khi ngập nửa cẳng chân.

Trong góc bếp, bà Huỳnh Thị Phô Ni, vợ ông Bát, lom khom nhóm lửa nấu cơm. Khói từ củi mục xộc vào giữa mặt khiến bà vừa quẹt mắt, vừa ho sặc sụa. Hơn một năm nay bà không còn lội ruộng với chồng được nữa bởi căn bệnh thận nước hoành hành, cứ tiếp xúc với bùn đất thì tay chân sưng phồng lên. Bà phải tranh thủ nấu sớm ăn kịp lúc mặt trời khuất bóng, kẻo không thấy đường. Trong nhà chỉ còn duy nhất cây đèn sạc để dành treo trước máng bèo cho mấy con vịt thấy đường vào ăn. Không có điện, đèn được sạc nhờ từ nhà một người tốt bụng ngoài lộ. Vịt xài đèn, còn người thắp nến.

Xóm 'thắp nến' ở Sài Gòn ảnh 1

Chị Thạch Thị Saren (bên phải) sang nhà hàng xóm phụ vợ chồng ông Huỳnh Thanh Y làm sạch mớ cá sặc ông Y mang về. Ảnh: HOÀNG LÊ

Phía chòi bên cạnh, Thạch Khánh vừa khênh thùng nước máy xin bên công ty làm chén về. Thùng nước đó chỉ dành để uống, tất cả sinh hoạt còn lại từ tắm rửa, nấu nướng, giặt giũ đều phụ thuộc nước sông. Trông dáng người sạm đen, bắp tay rắn rỏi, ít ai ngờcậu trai mới vừa qua tuổi 15, đang học lớp 7. Khánh bỏ theo mẹ từ Trà Vinh lên Sài Gòn làm công nhân. Trong căn lều tồi tàn, bốn đứa con chị Thạch Thị Saren gầy guộc, co ro bên manh chiếu cũ chắp vá.

Tiếng pô xe Cub của ông Huỳnh Thanh Y vang động xóm vắng đỗ xịch trước căn chòi ngoài cùng, lũ trẻ trong xóm chạy ùa ra xem thành quả ông hàng xóm đi chài lưới về. Thành quả một ngày chài là 2 kg sặc đồng để vợ đem ra chợ ngày mai. Bán hết thì tối được bữa ngon, bằng không ai mua, cá lại đem về phơi khô lót dạ. Mấy năm trước, vợ chồng ông Y mượn tiền nuôi vịt, chăm bẵm đến gần bán thì dịch cúm gia cầm, ôm nợ mấy chục triệu đồng. Ông Y cười buồn, ở quê làm ruộng cực khổ, lên Sài Gòn rốt cuộc không thoát khỏi cuộc đời lênh đênh sông nước. Nhưng dù sao nơi đây cũng dễ sống hơn…

Chúng tôi đem chuyện tưởng chừng hi hữu giữa Sài Gòn hoa lệ này trình bày với chính quyền. Nghe xong, ông Huỳnh Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, thở dài: “Chúng tôi biết chứ, trong xã mình mà. Nhưng nơi họ ở thuộc vùng đê bao, điện làm sao kéo đến, huống hồ nước sạch. Cũng không thể khoan giếng, vì ruộng nhiễm phèn nặng. Đất ở đây vốn dĩ không được ở, mà họ lại không khai báo lưu trú là sai phạm nặng anh à. Xã hoàn toàn có thể giải tỏa họ từ lâu để nhẹ gánh nặng. Nhưng giải tỏa rồi họ biết đi đâu…”.

Câu nói “giải tỏa rồi họ biết đi đâu” của cán bộ xã Đông Thạnh thể hiện cái tâm của chính quyền. Nhưng tôi thấy hoang mang phận người, tưởng ở vậy thì cùng tận khổ, ai ngờ đó lại là một đặc ân. Người có thể giải tỏa dễ dàng bằng một quyết định nhưng cái nghèo đói, khốn cùng, bất lực ám chặt những thân phận ly hương thì biết giải tỏa làm sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm