‘Tôi yêu cải lương’ - sân khấu sắp ra đời có gì lạ?

Đã nhiều năm qua cải lương Sài Gòn đã vắng bóng những sân khấu chuyên diễn cải lương nguyên tuồng, có đầu tư dàn dựng căn bản, ca diễn nghiêm túc. Hơn một năm trở lại đây cải lương bắt đầu có hoạt động trở lại nhưng chỉ là những điểm diễn trích đoạn và ca cổ là chính.

Cuối tháng 8 này, một sân khấu cải lương thứ thiệt đang được xây dựng với cái tên “Tôi yêu cải lương” sẽ ra đời.

Người ngoại đạo phục dựng cải lương

Người có công đầu trong câu chuyện nói trên lại là một người ngoại đạo với cải lương, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDÉCAF (ảnh).

. Phóng viên: Thưa ông, cách đây khoảng ba năm ông từng công bố về dự án làm một sân khấu cải lương nhưng bất thành. Cơ duyên nào khiến ông làm được dự án này với sự tập hợp, đồng lòng từ nhiều phía?

+ Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi là một người Sài Gòn, rất yêu cải lương, muốn giữ gìn và góp sức cho cải lương, muốn làm một cái gì đó cho bộ môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của miền Nam mình, nhất là khi bộ môn đờn ca tài tử Nam Bộ gắn với cải lương trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tâm huyết của tôi đã từng không thành một lần nhưng vào năm ngoái, tôi đi xem vở cải lương Trung thần khi tham gia Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, tôi thấy thích quá. Vở mang tính lịch sử nhưng lại rất hiện đại với cuộc sống hôm nay, đầy chất bi hùng đi vào lòng người. Vở nói về Tả quân Lê Văn Duyệt, một vị quan trung quân, tài giỏi gặp phải nhiều oan khuất nhưng được người dân miền Nam kính ngưỡng, tin yêu thờ như một vị thánh ở lăng Ông Bà Chiểu, gọi ngài là Đức Ông.

Tôi tiếc vở không được diễn lại nên thuyết phục đạo diễn - tác giả Hoa Hạ diễn lại vào dịp giỗ Đức Ông vào ngày 2 và 3-9 sắp tới. Không ngờ đề nghị của tôi được chị Hoa Hạ, êkíp làm vở lẫn Nhà hát Bến Thành tiếp nhận nồng nhiệt. Khi ngồi lại bàn để làm với nhau, chúng tôi tự hỏi nhau rằng tại sao sau vở này mình không làm tiếp những vở khác.

Vở diễn Trung thần sẽ mở màn cho sân khấu “Tôi yêu cải lương” vào cuối tháng 8 tới đây. Ảnh: THẢO VÂN

Cát xê là chuyện nhỏ

. Không dễ gì để một sân khấu đứng vững trong thời điểm hiện nay. “Tôi yêu cải lương” sẽ tồn tại như thế nào, mức đầu tư ra sao?

+ Chương trình sẽ được diễn ra tại sân khấu to đẹp của Nhà hát Bến Thành, có điều kiện làm kỹ thuật tốt chứ không phải ở những cái rạp cũ ẩm thấp, chuột chạy lung tung nữa. Để đảm bảo sân khấu cải lương này hoạt động thường xuyên, Nhà hát Bến Thành đã cam kết giảm giá tiền rạp mỗi suất diễn “Tôi yêu cải lương” xuống còn 26 triệu đồng so với mặt bằng chung 46 triệu đồng cho một đêm diễn tại đây. Giá này được giải thích chỉ đủ để rạp chi trả các chi phí huề vốn chứ không lấy lời.

Đạo diễn Hoa Hạ cũng cho biết trước mắt sẽ không nói đến chuyện thù lao tiền đạo diễn kiêm tác giả kịch bản vở Trung thần. Họa sĩ Văn Tòng - một tên tuổi thiết kế sân khấu hàng đầu cũng sẽ hỗ trợ cho mượn cảnh trí trước rồi tính sau. Các diễn viên tham gia vở cũng thể hiện tinh thần tập trước, diễn trước, cát-xê bán vé coi sao rồi mới tính. Tôi tự nguyện làm công tác tổ chức, truyền thông - quảng cáo, bán vé với tinh thần cống hiến được gì cho cải lương thì làm.

Đây là một sân khấu không có ông bà bầu. Tất cả đều tự giác tham gia, đóng góp công sức để làm vở, sau khi bán vé lấy tiền thanh toán và tái đầu tư. Chúng tôi cũng yêu cầu khán giả đến với sân khấu này với tinh thần “yêu cải lương”. Chúng tôi diễn vở đảm bảo chất lượng từ nghệ thuật đến tên tuổi nghệ sĩ, ở nhà hát lớn nhưng chỉ bán vé giá bình dân ở mức 100.000, 150.000, 200.000 đồng mà thôi. Tuy nhiên, khán giả đến xem phải tôn trọng nghệ sĩ, vở diễn, phải ăn mặc lịch sự, không nói chuyện ồn ào, không ăn quà vặt... Các quy định này đều được in trên vé hết, ai không tuân thủ chúng tôi sẽ mời ra khỏi rạp.

. Xin cám ơn ông.

• Là một nghệ sĩ cải lương, chúng tôi luôn khao khát được làm nghề. Cuộc sống riêng của nghệ sĩ như tôi bây giờ cũng tốt rồi, chỉ mong được đi hát. Chúng tôi thèm cái thời Thắp sáng niềm tin được diễn mỗi tuần với những vở diễn nguyên tuồng, kịch bản được khán giả yêu thích chứ không phải những kịch bản mà dựng, diễn không ai muốn xem. Thời đó, anh trưởng đoàn là soạn giả Hoàng Song Việt sau khi lấy tiền bán vé trả tiền rạp, tiền công nhân hậu đài, cảnh trí, phục trang… thì hết tiền hoặc lỗ, anh em nghệ sĩ chúng tôi không nhận đồng tiền nào để đổ xăng, ra về còn tốn 10.000 đồng gửi xe vẫn vui vẻ vì mình được diễn. Chúng tôi đã rất buồn, rất tiếc nuối vì nhà hát không giữ được hoạt động này. Nay có một nơi được gầy dựng trở lại như thế, chúng tôi sẵn sàng tự nguyện tham gia.

Nghệ sĩ LÊ TỨ

Nhiều ngôi sao cải lương như nghệ sĩ Thoại Mỹ đã nhận lời cộng tác với “Tôi yêu cải lương”. Nhiều ngôi sao khác nghe tin cũng tự liên hệ đề nghị tham gia. Các đạo diễn trẻ như Vũ Minh, Trung Thảo, Quốc Kiệt… cũng sẵn sàng cộng tác. Với tài quản lý của anh Huỳnh Anh Tuấn, sự hỗ trợ hậu cần của Nhà hát Bến Thành tôi tin “Tôi yêu cải lương” sẽ đi được đường dài.

Đạo diễn HOA HẠ

_____________________________________

Vở diễn Trung thần sẽ diễn suất vào các tối 26 và 27-8, 2 và 3-9, tại Nhà hát Bến Thành. Tác giả kịch bản - đạo diễn: Hoa Hạ. Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt. Thành phần nghệ sĩ: Trường Sơn, Lê Tứ, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Xuân Trúc, Võ Minh Lâm, Cao Mỹ Châu, Minh Trường, bé Hồng Quyên… Vé đang bán tại Nhà hát Bến Thành.

Sau Trung thần, bầu Tuấn đang đề nghị đạo diễn Hoa Hạ làm lại nguyên mẫu, bản mộc, những vở cải lương xưa như Tô Ánh Nguyệt, Đường gươm Nguyên Bá, Máu nhuộm sân chùa, Bão táp Nguyên Phong… Dàn nhạc cổ trước đây của cải lương cũng được giữ nguyên, gồm sáu cây đàn cổ nhạc chính: bầy, kìm, tranh, ghi ta phím lõm… dễ đi vào lòng người, không lạm dụng nhạc điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm