Trả lễ hội truyền thống cho người dân

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa văn hóa nên có nhiều lễ hội. Trong số hơn 8.000 lễ hội ở Việt Nam thì có hơn 90% thuộc lễ hội truyền thống. Tuy các loại lễ hội truyền thống này rất đa dạng nhưng nó có một số đặc điểm chung. Nó là sản phẩm của chính cộng đồng sinh ra nhằm để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, bởi vậy tính hướng nội của nó rất cao, nó sinh ra không phải để phục vụ “thượng đế” hay “quan quyền” mà phục vụ cho cộng đồng. Tất cả những nghi thức trong phần lễ và vui chơi trong phần hội là do người dân sáng tạo ra và dần hoàn thiện từ đời này sang đời khác bởi các trí thức địa phương. Chính vì thế mà tính tự quản, tự nguyện và tự tổ chức rất cao. Hàng ngàn đời nay tinh thần và hình thái của lễ hội sống được là do chính cộng đồng tạo dựng trên nhu cầu có thật của họ chứ không phải do bên ngoài hay bên trên áp xuống. Trong một vài giai đoạn lịch sử, việc duy trì lễ hội bị sao nhãng do chiến tranh, cũng có thể do nhận thức mà có lúc người ta đập phá chùa chiền, đình miếu, cấm đoán lễ hội nhưng rốt cục thì những lễ hội nào xuất phát từ nhu cầu tự thân thì nó sẽ xuất hiện trở lại sau những thăng trầm biến đổi.

Trả lễ hội truyền thống cho người dân ảnh 1

Hội truyền thống được sinh ra nhằm phục vụ cho cộng đồng. Ảnh minh họa: CTV

Ngày càng nhiều, càng nhuốm màu tiền bạc

Trong vài chục năm gần đây, các loại lễ hội truyền thống ở cấp quốc gia và địa phương được phát triển mạnh mẽ và bột phát mạnh nhất là vào những dịp sau tết, càng ngày càng bị nhuốm màu tiền bạc. Lễ hội nào cũng diễn ra với tất cả cung bậc bi hài, nào là bát nháo, chặt chém, bạo lực, trộm cắp. Cứ sau tết là báo chí, truyền hình lên tiếng phê phán, rất nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, những vị cao niên than phiền nhưng dường như năm sau lại tệ hơn năm trước. Quanh chuyện lễ hội còn nhiều chuyện phải mổ xẻ nhưng có một chuyện cần bàn trước tiên là lễ hội truyền thống càng ngày càng bị “nhà nước hóa”, “chính trị hóa”, “quan quyền hóa” và dẫn đến hệ quả là “thương mại hóa”. Điểm lại nhiều lễ hội diễn ra mấy năm gần đây mới thấy các cơ quan chức năng của Nhà nước ở các cấp bộ, tỉnh, thành tham gia sâu vào các lễ hội quá. Đành rằng việc tham gia là cần thiết trong vai trò “quản lý nhà nước” nhằm đừng để những sai sót xảy ra về chính trị, an ninh nhưng tham gia đến mức quyết định mọi chuyện, làm thay tất cả, biến người dân địa phương từ chỗ là chủ nhân của lễ hội thành “khán giả” thì quả thật là không hay. Hơn thế nữa, việc sân khấu hóa lễ hội diễn ra tràn lan khắp nơi, không chỉ làm tốn tiền bạc và thời gian của nhân dân mà cái chính là làm “tầm thường hóa” giá trị của lễ hội trong xã hội, biến một giá trị vốn dĩ thiêng liêng, thánh thiện thành một thứ hàng hóa mang giá trị “thương phẩm”. Những lễ hội sân khấu như thế, lúc ban đầu có thể gây ra được sự tò mò của nhóm khách du lịch ba lô nhưng riết rồi cũng nhàm chán, lặp lại và không thu hút được các khách du lịch có trí tuệ (và cả tài chính). Những khách có đẳng cấp đến từ châu Âu, bắc Mỹ và cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều mong muốn được đến các lễ hội thật của người dân, bởi chính ở đó họ mới tìm thấy những sự chân thật, giản dị, đôi khi vụng về, ngây ngô nhưng rất đỗi hồn nhiên và đó mới chính là bản sắc của cộng đồng, của dân tộc, còn những buổi diễn xướng hoành tráng, chỉn chu của những đoàn văn công, cùng với những diễn văn thưa gửi dài dòng, những vũ điệu nửa Tây nửa ta mô phỏng các “đồ giả” khiến người ta ngán ngẩm, đến mức là có nhiều lễ hội đến nửa buổi lễ chỉ còn dăm quan chức và người biểu diễn, còn dân bỏ về hết cả.

Quan chức dự lễ: Tăng phần “quốc”, giảm phần “gia”

Tôi năm nay gần 60 tuổi, tuổi thơ gắn bó với đền Hùng, trước khi đi bộ đội vào Nam, năm nào cũng lên đền Hùng vào ngày giỗ tổ. Tôi còn nhớ vào những năm ấy việc tổ chức lễ hội là do người dân ở các xã xung quanh như Hy Cương, Tiên Kiên, Chu Hóa cùng nhau góp tiền, góp của, góp sức. Điều đặc biệt là người chủ tế trong lễ được chọn luân phiên hằng năm giữa các làng bao giờ cũng là một bô lão cao tuổi, đẹp lão và bắt buộc phải là người có đức cao, con cháu đàng hoàng tử tế. Những năm ấy lễ không hoành tráng nhưng thật linh thiêng và trang trọng. Những năm sau này, do nhu cầu của xã hội mà lễ tổ chức to hơn do Nhà nước đảm nhiệm, chủ lễ bao giờ cũng phải là cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, còn người đọc văn tế chí ít là một vị thứ trưởng nhưng tiếc thay chính điều này đã biến một lễ hội mang đậm tâm linh nguồn cội sang thành ngày kỷ niệm của Nhà nước vừa phô trương quyền thế vừa công thức sáo rỗng. Thậm chí sự xuất hiện của các quan chức trong nhiều trường hợp mang lại điều dở hơn là hay.

Vừa qua, cuộc tranh luận giữa quan chức địa phương với các nhà khoa học về tính chân thật của việc phát ấn đền Trần chưa ngã ngũ: Các nhà khoa học cho rằng cái ấn đó chỉ là của một ngôi đền có giá trị tín ngưỡng với dân làng địa phương, phía địa phương xác quyết rằng đó là lễ ban phát quốc ấn ở tầm nghi lễ quốc gia có cách nay hơn 700 năm. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của các quan chức cao nhất nhì Chính phủ trong đêm 23-2-2013 vừa qua khác nào đã công nhận giá trị của lễ hội đó và cũng chính điều đó góp phần làm tăng thêm giá trị cho các lá ấn, khiến cho hàng ngàn người dẫm đạp nhau để giành giật, để mua đi bán lại. Đây chính là cơ hội “mua thần, bán thánh” mà chỉ sau ba ngày hội năm 2012 đã thu về những 14 tỉ đồng. Một chuyện nữa mà có lẽ chỉ có ở xứ ta là các quan chức rất thích xuất hiện một cách chính thống, oai vệ ở các lễ hội, lễ động thổ, lễ cất nóc, lễ cắt băng khánh thành các chùa chiền và các công trình có tầm cỡ,… Họ đâu có biết sự xuất hiện của họ giải quyết cái sự “oai” thì đã kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy, bởi quan chức xuất hiện là kéo theo biết bao nhiêu là xe lớn nhỏ, các lái xe, trợ lý, cảnh vệ, thư ký, bác sĩ và người thân, như thế góp phần làm tắc nghẽn giao thông, làm cho lễ tăng phần “quốc” nhưng lại giảm phần “gia”, chưa kể còn bị xáo trộn bởi những chỉ thị ngẫu hứng, có khi cả một buổi lễ trọng bị chậm giờ chỉ vì phải đợi một ai đó là chuyện thường.

Hãy trả lại cho dân

Năm ngoài, tôi được một giáo sư dẫn đi thăm một ngôi chùa ở Bangkok và tình cờ gặp Phó Thủ tướng Chumpol Silpa-archa cùng gia đình cũng đi đến chùa này. Ông đến chùa với tư cách một công dân bình thường, giản dị, không có xe cảnh sát hụ còi dẹp đường, không vệ sĩ nhưng không vì thế mà người dân không kính trọng ông. Nhìn ông và người dân chắp tay chào nhau thân thiện, tôi hiểu vì sao với họ, lễ hội là cơ hội gắn bó con người lại với nhau, thì ở ta sau mỗi mùa tết, mùa lễ hội là sự buồn phiền, oán than, là sự mất mát, thậm chí cả máu nữa.

Nên nhớ rằng tiền thu được lễ hội càng nhiều hơn ở túi ai đó thì tình đồng bào sẽ càng bị giảm đi. Có lẽ đã là quá muộn nhưng muốn cứu các lễ hội truyền thống thì phải trả lại giá trị thật của lễ hội bắt đầu từ việc trả lại sự sống của nó cho nhân dân, cho cộng đồng. Đừng làm thay cho nhân dân, bởi nhân dân là người thông minh nhất, khôn ngoan nhất trong mọi sự lựa chọn.

Bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có hàng trăm, hàng ngàn lễ hội mỗi năm. Thường người ta chia lễ hội ra làm ba loại, thứ nhất là lễ hội của chính thể, đó là lễ hội kỷ niệm những sự kiện của quốc gia như ngày quốc khánh, ngày hợp nhất lãnh thổ, ngày sinh của vua, ngày thành lập một đảng phái; thứ hai là lễ hội du nhập hiện đại từ bên ngoài như Noel, Valentine, Carnaval và thứ ba là lễ hội truyền thống. Đây là lễ hội của người dân bản địa được hình thành rất lâu đời từ trong quá khứ, nó có thể là lễ hội nghề nghiệp như lễ tịch điền, lễ hội nghinh ông; lễ hội văn hóa dân gian như lễ hội đua ghe, lễ hội cồng chiêng, lễ hội quan họ; lễ hội tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan,…

TS NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm