Trần Lực: Mỗi người cần có một khoảng trời riêng

Khó có thể tin anh đã có cậu con trai là sinh viên đại học và càng khó tin hơn khi một người đàn ông thành đạt như anh lại trắc trở trong đường tình duyên. Anh nói: Mỗi người cần có một khoảng trời riêng, không phải là bí mật nhưng nên được giữ kín.

Điện ảnh là niềm đam mê nhưng…

Hãng Đông A hiện đã được công chúng biết đến với bộ phim “Chàng trai đa cảm” chiếu trên VTV1. Trong giải Cánh diều vừa qua, bộ phim “Đầu bếp và đại gia” của anh cũng để lại dấu ấn với việc giành giải Cánh diều Bạc.

"Làm phim theo đề tài nào thì cũng phải gần với đời sống đương đại".
"Làm phim theo đề tài nào thì cũng phải gần với đời sống đương đại".

+ Năm 2007 là một năm khá thành công của anh và Đông A, anh thấy có đúng không? Nghe nói sắp tới dự án mới của Đông A là một bộ phim cổ trang?

- Từ những thành công bước đầu này, mình cũng thấy mừng. Đúng vậy, mình đang dự định làm một bộ phim truyền hình về phong tục văn hoá Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Cuộc sống, con người, các phong tục tập quán của người dân Việt Nam thời đó hay lắm, con người sống với nhau nhân ái, chan hoà.

+ Có vẻ như trong phim của anh không có người không tốt? Ví dụ như trong “Chàng trai đa cảm”, con người chỉ có những mâu thuẫn không thể hoà hợp được chứ không ai là xấu?

- Bạn nhận xét đúng. Những phim mình làm chủ yếu đề cao cuộc sống nhân ái giữa con người với con người. Như thế sẽ làm cho cuộc sống đẹp lên, hướng con người tới những điều tốt đẹp.

+ Nếu chỉ có điều tốt thì liệu có hợp với cuộc sống hiện đại hôm nay không?

- Làm phim theo đề tài nào thì cũng phải gần với đời sống đương đại. Chuyện tình yêu, chuyện gia đình là chuyện cũ, nhưng biết làm cho nó gần với đời sống thì vẫn được khán giả yêu thích. Chàng trai đa cảm là một ví dụ. Khi bộ phim phát sóng, có nhiều người gọi điện cho tôi, có một anh mời tôi đi uống bia bằng được và nói: “Sao cậu Quân trong phim này giống tôi đến thế, tôi có không tốt đâu mà vẫn bị vợ bỏ, gà trống nuôi con. Cuộc sống trong phim giống cuộc sống của tôi ngoài đời quá!”

+ Dự án sắp tới của anh là phim truyền hình, được biết, hãng Đông A và Khang Việt đang hợp tác làm bộ phim “Tiếng dương cầm trên biển” (sẽ phát trên HTV9). Bao giờ anh mới bắt tay vào là phim nhựa?

- Điện ảnh là niềm đam mê của mình nhưng hiện giờ chưa đủ khả năng cả về kinh tế và phương tiện làm phim. Thực ra, đầu tư cho phim truyền hình dài tập một cách kỹ lưỡng thì không tốn ít tiền hơn làm một bộ phim nhựa, nhưng chưa dám mạo hiểm vì đầu tư cho điện ảnh là đầu tư mạo hiểm, năm ăn năm thua. Làm phim rồi, nhưng ra rạp có trụ lại được hay không là cả một vấn đề.

+ Anh đang chọn một con đường an toàn nhất để đi?

- Không. Trước tiên là làm sao nuôi được hãng và phát triển đã. Có điều kiện vững rồi thì mới đến với đam mê được. Điều kiện mà mình nói là phải chủ động được trường quay, có kịch bản thật tốt và tất nhiên là cả kinh tế. Hơn nữa, Trần Lực làm phim với ý nghĩ, khán giả yêu điện ảnh lắm, đừng để khán giả thất vọng khi xem phim.

+ Có phải đó là điều anh nghĩ đến đầu tiên trước khi bắt tay làm một bộ phim?

Trần Lực: Mỗi người cần có một khoảng trời riêng ảnh 2

- Đúng vậy. Điều đầu tiên khi mình bắt tay làm một bộ phim là khán giả có thích xem không? Phải đặt mình vào vị trí của khán giả.

Tiểu thuyết là vốn sống

Trần Lực vốn là cháu nội của nhà văn Trần Tiêu. Ông nội của anh tuy không phải là hội viên của Tự lực Văn đoàn như anh trai Khái Hưng (Trần Khánh Giư) nhưng đã có nhiều đóng góp với dòng văn này qua các tiểu thuyết viết rất hay về nông thôn. Tác giả các tiểu thuyết Chồng con, Sau luỹ tre và tập truyện ngắn Năm hạn. Đặc sắc nhất là tiểu thuyết Con trâu (1942).

Nhân vật chính: Bác Chính vốn là một nông dân chăm chỉ và chất phác. Bác mơ ước có một con trâu cái để làm ăn đỡ cực nhọc nên vợ chồng con cái bác sinh hoạt rất tằn tiện. Thế rồi, nhân năm được mùa, nghe người ta xui, bác đã bỏ ra số tiền lớn để mua chức xã khiến gia sản sạch bách lại còn lâm cảnh nợ nần. Những năm sau mất mùa liên tiếp khiến gia cảnh bác càng thêm thê thảm. Bác Chính đã lâm bệnh nặng rồi chết trong niềm mơ ước về con trâu vẫn loé lên nhưng xa vời mờ mịt.

Trần Lực kể, anh đã được gặp các nhân vật trong tiểu thuyết của ông nội ở ngoài đời. Sau này, có những người gặp cha anh và anh vẫn quen miệng “Chào cậu ạ”! Tình làng xóm xưa nhân ái lắm. Tình yêu của người ngày xưa cũng lãng mạn lắm, yêu nhau nhưng không nói là yêu mà có khi lại mắng, như ông anh với bà anh, bà đẹp quá khiến ông đang làm "Doctor" trên thành phố mà bỏ về quê làm nghề dạy học để sống bên bà. Anh nói: “Tự tin làm bộ phim khoảng 60 tập về phong tục người Việt xưa vì có vốn sống từ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn”.

Anh cho biết, Đông A đang chuẩn bị một dự án phim trường khoảng 5ha đất ở ngoại ô Hà Nội, sẽ dựng lại làng cổ Việt Nam, với dinh cơ đồn điền địa chủ, nhà ngói năm gian, nhà tường đất mái rạ, đình, chùa, ao làng, bến nước...

Khán giả cứ nhớ đến Trần Lực là một nghệ sĩ

+ Là diễn viên, đạo diễn, rồi làm nhà sản xuất, anh cảm thấy mình muốn được công chúng nhớ đến mình với vai trò gì?

- Khán giả cứ nhớ đến mình là một nghệ sĩ, một diễn viên là mình thấy vui rồi. Ban đầu, mình theo nghiệp điện ảnh là học khoa đạo diễn đấy chứ. Nhưng lại “bị xuống” làm diễn viên. (cười)

"Mỗi người cần có khoảng trời riêng, cần được giữ kín".
"Mỗi người cần có khoảng trời riêng, cần được giữ kín".

+ Khán giả vẫn nhớ đến Trần Lực với vai trò là một diễn viên. Sao anh không đóng phim nữa? Anh có cố gắng tạo ra đất diễn cho mình trong các phim của Đông A không?

- Không, làm thế thì chết. Phải có kịch bản và vai diễn phù hợp với Trần Lực hiện nay thì mình mới dám vào vai chứ. Còn không đóng phim là vì mình không có thời gian để nhận lời vào các vai diễn của các hãng khác thôi.

+ Cũng phải có lúc rảnh chứ, khi đó thì anh làm gì?

- Chơi với con và uống cà phê cùng bạn bè.

+ Chuyện gia đình của anh không được công chúng biết rõ lắm. Là một người nổi tiếng, lại quá đẹp trai, tài hoa và giàu có nữa, chắc anh không thiếu các người đẹp "theo"?

- Đâu có, đấy là bạn nghĩ thế thôi, chứ không có đâu. Còn chuyện đời tư, mình nghĩ mỗi người đều có cuộc sống riêng, tất nhiên nó không phải là bí mật nhưng là góc riêng của bản thân và nên được giữ kín.

- Vâng, cám ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh và các dự án của Đông A luôn thành công!

CẨM HÀ - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm