Triết lý con số trong lễ cúng ông bà ngày Tết

PLO xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - đại diện CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, phân tích ý nghĩa việc cúng kính ông bà tổ tiên của người phương Nam.

Từ miền Trung vào Nam thường hay có thờ Thiên-Địa ở trước sân nhà để tượng trưng cho triết lý Âm (Địa: đất), Dương (Thiên: trời). Tuyệt đối với 2 bàn thờ này người ta thường cúng món thanh khiết như hoa quả, món chè bánh ngọt và mỗi bàn chỉ để 1 chén cúng cho từng món.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đang chia sẻ về tục cúng ông Táo.

Trong những ngày lễ Tết, giỗ quải…người ta còn lập một bàn cúng ngay dưới hiên nhà cho những người khuất mặt khuất mày lang thang với đầy đủ món cơm canh, kho xào, trà rượu, bánh mứt…với số chén là 4 chén để tượng trưng các vị từ Tứ Phương (Đông-Tây-Nam-Bắc) đồng dự. Sau mỗi lần cúng là người ta dọn lư hương đi và rải muối gạo như món quà gửi cho các vị khuất mặt khuất mày có để ăn tiếp.

Vào trong nhà, cúng ngay tại căn giữa nhà một bàn thờ để suốt thời gian lễ Tết hoặc giỗ quải…gọi là bàn thờ đất đai.

Đất đai là vị phúc thần xoay chuyển vận động ngũ hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ) tạo sinh khí, ban ngũ phúc (Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh) tạo phúc lành cho gia chủ. Vì thế, đặc biệt là xây cất nhà cửa, cưới hỏi, giỗ quải, lễ Tết…thường phải cúng kính thật trang nghiêm tại bàn này với số lượng chén là 5 chén, 5 chung (trà hoặc rượu phải là 5 chung).

Kế đến là thờ ông bà tổ tiên, nếu gia chủ là người giữ việc cúng giỗ ông bà thì thường sẽ cúng Cửu Huyền Thất Tổ với ý nghĩa nội-ngoại 2 bên và số chén phải là 4 chén để tượng trưng 2 ông 2 bà.

Ngoài ra, còn thiết cúng một bàn khác, gọi là cúng cô bác (có nơi còn gọi là cúng hội) thì cúng 6 chén. Số lượng 6 chén này để tượng trưng cho ý nghĩa lục hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, lợi hòa, giới hòa). Khẩu hòa-nói hợp lời nhau, ý hòa – làm gì cũng tôn trọng ý kiến hòa lại với nhau, thân hòa- yêu thương nhau, lợi hòa-có chuyện gì hay làm ăn kiếm tiền được thì chia nhau có kẻ cơm người cháo, kiến hòa- có kiến thức cùng chia sẻ, giới hòa- giữ giới luật đừng vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng người khác.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói chuyện với hơn 300 người trong đó có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Long An và người dân địa phương.

Đối với người theo đạo Phật thì cúng xôi chè ngọt hoặc bánh trái trên bàn thờ có số lượng mỗi thức cúng là 3 để tượng trưng Phật-Pháp-Tăng thường trụ. Bàn thờ ông Táo thì cũng cúng tương tự xôi chè ngọt hoặc bánh trái với số lượng là 3 để tượng trưng 2 ông 1 bà theo truyền thuyết. Tuy nhiên, cả bàn thờ Phật hay bàn thờ ông Táo thì không để muỗng đũa vì dân gian quan niệm chư Phật và Táo quân thưởng thức bằng “cảm ứng chứng minh” cho lòng thành của gia chủ nên sẽ không ăn bằng muỗng đũa như người phàm trần.

Năm hết Tết đến, nhà nhà ai ai cũng muốn chuẩn bị cho tươm tất việc cúng kính, bài viết như một lời chia sẻ làm rõ hơn ý nghĩa văn hóa cổ truyền của dân tộc ta.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, người học trò của cố GS-TS Trần Văn Khê, từng được giáo sư Khê tâm huyết truyền dạy nhiều kiến thức về nghệ thuật Hát Bội, tài tử cải lương và văn hóa cổ truyền dân tộc.

Được sự động viên của thầy Trần Văn Khê, năm 2014, anh Hồ Nhựt Quang cùng những người bạn yêu văn hóa đã  thành lập nên CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, nhằm mục đích nghiên cứu và tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam, trước hết là miền Nam Việt Nam.

Sau khi thầy qua đời, anh cùng CLB vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn nữa văn hóa nghệ thuật cổ truyền Việt Nam và mang những giá trị cao đẹp ấy đến với nhiều trường học trong thành phố và một số tỉnh, tổ chức vinh danh văn hóa tại một số di tích lịch sử văn hóa và doanh nghiệp

Mỗi câu chuyện văn hóa đều được diễn giả lồng ghép vào thực tế bằng các trích đoạn, tuồng cổ... Đến nay, anh đã sáng tác hơn 30 tác phẩm cải lương như bài vọng cổ và trích đoạn tuồng lịch sử để tôn vinh nhân vật lịch sử và nói lên giá trị nhân văn của tâm hồn Việt Nam: Hào khí Thủ Khoa Huân, Hận Nam Quan, Khóc Võ Tánh, Thái hậu Dương Vân Nga, Đại hiếu Thiền Sư, Tấm gương liệt phụ, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Trần Hưng Đạo...các bài vọng cổ: Đình Thân Nhơn quê tôi, Sông Bến Chùa quê tôi, Xuân Tiền Giang, Nghĩa Làng Sen, Nhớ ngày đầu tiên đi học, Về đây Văn Miếu Trấn Biên, Câu hò dành tặng Thầy Khê, Sông núi Phương Nam, Di mộ ân sư...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm