Trúc Thông, Người thầy - Nhà thơ trong kí ức học trò

Ông là nhà thơ Trúc Thông.

"Bờ sông vẫn gió..."
"Bờ sông vẫn gió..."

Tôi nghĩ một trong những lý do để mọi người biết đến ông bởi ông là nhà thơ. Nhưng riêng chúng tôi biết đến ông ngoài nhà thơ thì ông còn là một người thầy giáo luôn quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ.

Trong các tiết giảng của mình, ông không đưa ra những lý thuyết sáng tác truyền cho học sinh mà mà thường lấy ra dẫn dụ cụ thể để hỏi những câu thật khơi gợi kích thích tính tranh luận của sinh viên.

Ông là người thích nghe những câu thơ mới và lạ vì thế luôn khuyên học trò của mình cần phải thay đổi liên tục cách viết, nhưng viết ít thôi. Viết phải làm sao tạo được phong cách cho riêng mình để khi đọc bài thơ ấy lên, chưa cần nhìn tên tác giả, người đọc đã nhận ra đó là ai. Đó mới là thành công của người cầm bút.

Mặc dù ông luôn cách tân thơ và có nhiều bài thơ thành công. Nhưng dường như để thuộc thơ ông, nhắc đến ông bằng một ví dụ thơ thì bạn đọc lại đưa ra một bài thơ… lục bát! đó là bài Bờ sông vẫn gió. Trong hành trình thơ của ông là một con đường thuận của logic: Khởi phát từ truyền thống để làm đà cho cuộc cách tân. Ông tự dẫn chính những giai đoạn làm thơ của mình ra cho học trò để nhắc nhở với chúng tôi rằng: Với văn chương đừng sốt ruột và nôn nóng, cần phải biết kiên trì.

Nếu kể tên một trong những nhà thơ quan tâm, phát hiện những cây bút trẻ trong nhiều năm gần đây không thể không kể tới Trúc Thông. Tôi nói điều này bởi cách đây chừng 4 - 5 năm, khi mà thi ca của chúng ta còn đang ủ dột và lép vế so với sự xuất hiện sôi nổi của các tác phẩm văn xuôi như “Cánh đồng bất tận”, “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” thì vài cái tên như Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh… đã có những cơn cựa mình đem đến cho thi ca một làn gió là lạ.

Có lần chị Thư nói với chúng tôi: “Khi làm thơ xong, một trong những người đầu tiên đọc và có những nhận xét cho thơ của tôi là nhà thơ Trúc Thông”. Với học trò cũng vậy, chỉ cần họ đọc dăm ba bài thơ là ông có thể cảm nhận được cái nét riêng, cái tạng thơ mà cho những lời khuyên.

Tôi và ông gặp lại nhau trong hoàn cảnh đã khác so với cách đó vài năm. Ngồi cạnh tôi và ông là chính những cây bút trẻ mà ông đã từng dìu dắt. Ông bất giác hỏi tôi: “Em còn làm thơ không? Và có viết nhiều không?” “Em còn, nhưng viết không nhiều thầy ạ”. Thực ra đó chỉ là một câu hỏi rất bình thường mà tôi hay gặp, hay “bị” và “được” hỏi từ bạn bè, từ những người quen lâu không gặp. Nhưng không hiểu sao cái ý nghĩ lạ lùng cứ ghim vào đầu tôi để quy chụp những điều mà ông đã hỏi - được bắt đầu bằng một sự so sánh.

Có lẽ, những cây bút trẻ thành danh khi ngồi cùng tôi, ông thấy đã không còn trẻ nữa. Họ đã tự khẳng định được mình và cái gọi là thế hệ trẻ kế tiếp phải là những lớp như chúng tôi chăng? Tất nhiên đó chỉ là sự phỏng đoán những suy nghĩ của riêng tôi về ông, có thể đúng mà cũng có thể sai.

Ông lại hỏi tôi “Em hay đăng ở đâu và lấy bút danh gì?”. Tôi thú thực là không cố định đăng ở một nơi nào, chỉ lác đác dăm ba tờ báo, tờ tạp chí bằng cái tên thật dễ bị lẫn vào tất cả mọi người. Nếu đây là một giờ học có khi tôi và nhiều học trò nữa sẽ đọc thơ cho ông nghe để hào hứng đón nhận những nhận xét, bình phẩm xác đáng của một người thầy - nhà thơ.

Với những người trẻ chọn ngòi bút làm nghề và nghiệp thì đòi hỏi cần nhiều thử thách mà không ai dám chắc điều gì. Ngay cả tôi cũng vậy, mọi toan tính rồi cũng sẽ trật khấc như những người cầm bút trẻ bất tài và không tự trau dồi mình.

Tôi chào ông ra về bằng một cái hẹn sẽ gặp lại ông ở Tạp chí Thơ - nơi ông đang làm việc. Những nhà thơ khác lần lượt bắt tay và mời ông ở lại dự một bữa tiệc đứng. Ông đã từ chối bằng lý do đi 49 ngày mất nhà văn Nguyễn Quốc Thực.

Vậy là tôi còn một cái hẹn với ông.

Tôi đã định một ngày sẽ đến. Vậy mà cách đây chưa lâu, tôi nhận được tin ông đang nằm ở bệnh viện Việt Xô vì tai biến mạch máu. Nhiều lúc ông vẫn tỉnh táo nhưng chưa nói được gì. Thế là cái cơ hội đến để đọc thơ và nghe ông nhận xét về thơ của tôi đành phải gác lại, chờ ông qua cơn bạo bệnh.

Tôi tự an ủi mình rằng, ông có là nhà thơ, là thầy giáo của chúng tôi hay là ai đi chăng nữa thì trước tiên và trên hết ông vẫn là một con người bằng xương thịt như bao con người trên cõi nhân gian này - Một con người để phải nếm trải đủ những Sinh - lão - bệnh - tử.

Nhưng tôi tin ông sẽ có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua bạo bệnh. Giống như Hoàng Phủ Ngọc Tường, bao nhiêu năm nay vẫn phải chống chọi với bệnh tật nhưng tất cả điều đó không ngăn được tình yêu văn chương, không ngăn được sự ra đời của những tác phẩm đem đến cho bạn đọc.

Hy vọng niềm tin của tất cả những lứa học trò từng gọi ông là thầy sẽ trở thành hiện thực.

SONG NGUYỄN - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm