Trường quay phim Việt: Giấc mộng khó thành?

Chấp nhận làm phim theo kiểu… giời đày!

Đã có nhiều mệnh đề "nếu - thì" xảy ra với điện ảnh Việt Nam xung quanh câu chuyện chúng ta thiếu một trường quay. Gần đây nhất có thể kể đến là: Nếu như có trường quay thì một số bộ phim sản xuất chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như "Đường tới thành Thăng Long", "Khát vọng Thăng Long", "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ" đã không phải lặn lội sang tận trường quay Hoàng Điếm (Trung Quốc) để thuê. Và nếu xây dựng được một trường quay, không phải thuê mượn bối cảnh, nhân lực, phục trang, đạo cụ… của nước ngoài, thì chắc bộ phim "Đường tới thành Thăng Long" đã không đến nỗi phải chỉnh sửa, cắt gọt bởi quá nhiều yếu tố… Trung Hoa, cuối cùng là không còn kịp ra mắt nhân dịp đại lễ. Và nếu có trường quay, một trong những diễn viên có thâm niên của ta là NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ) khi tham gia đóng phim "Thái sư Trần Thủ Độ" đã không phải thốt lên vừa hài hước vừa xót xa: "Chúng ta như những… con bò. Tiếng không biết, người ta bảo đi đâu thì đi, bảo ngồi đâu thì ngồi…". Bởi vì, tiếng là đi đóng phim ở tận… nước ngoài, nhưng để tiết kiệm chi phí, đoàn làm phim chủ yếu di chuyển bằng ôtô, tàu hỏa mất mấy ngày đường mới tới được trường quay, khiến những diễn viên đã có tuổi một chút như Chí Trung phải kêu trời vì vất vả, nhọc nhằn.

Trường quay phim Việt: Giấc mộng khó thành? ảnh 1

Phải thuê trường quay ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến "Đường tới thành Thăng Long" bị cho là giống phim Tàu 

Làm phim theo kiểu "nghiệp dư", tốn kém, lãng phí là điều… đương nhiên. Việc không có trường quay đã khiến dự án phim truyện nhựa "Lý Công Uẩn" lúc đầu dự tính kinh phí khoảng 50 tỉ, nhưng sau này các nhà làm phim đã trù liệu lên tới hơn… 200 tỉ vì phải sang thuê quay ở các trường quay của Trung Quốc. Chính việc này đã khiến bộ phim bị tạm dừng sản xuất vì không nhà quản lý nào chấp nhận số tiền khủng khiếp nói trên. Bộ phim tuy không ra đời kịp dịp đại lễ nhưng các nhà làm phim cũng đã kịp tiêu tốn hàng tỉ đồng vào các khâu đi… khảo sát trường quay ở nước bạn. Đúng là tiền mất, phim cũng chẳng xong, đạo diễn thì đổ lỗi cho việc tại Việt Nam không có trường quay. Thế là hòa cả làng!

Việc không có trường quay đã khiến kinh phí sản xuất mỗi bộ phim đều bị đội lên thêm một phần không nhỏ. Khi quay "cảnh nóng" giữa diễn viên Chi Bảo và 2 người đẹp Hà Kiều Anh, Kim Thư trong phim "Đẻ mướn", để tránh bị làm phiền và có được một khung cảnh lãng mạn thích hợp cho cảnh quay nhạy cảm này, nhà sản xuất đã phải thuê 2 phòng ở khách sạn Novotel trong 2 ngày với tổng chi phí khoảng 1.500 USD. Còn để quay nội cảnh phim "39 độ yêu", Hãng phim Việt phải thuê nhà kho của một xí nghiệp trong suốt nửa năm, với mức giá hơn 30 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể khoản chi phí không nhỏ bỏ ra để cải tạo 800m2 nhà kho này thành phim trường cho các bối cảnh, chiếm hơn 60% thời lượng phim này.

Trường quay phim Việt: Giấc mộng khó thành? ảnh 2

Sau khi quay xong bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn", những bối cảnh hoành tráng như thế này đã bị phá bỏ

Điều đáng tiếc là, bối cảnh thường được dựng lên rồi lại bị dỡ bỏ khi mỗi bộ phim hoàn thành là điều xảy ra như cơm bữa ở ta. Cách đây chừng nửa năm, nhiều người không khỏi xót xa trước cảnh bối cảnh phim "Mùa hè lạnh lẽo" của đạo diễn Ngô Quang Hải dựng tại Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) chưa đủ điều kiện để khởi quay đã phải dỡ bỏ để nhường chỗ cho phim "Thái sư Trần Thủ Độ". Hàng trăm triệu đồng được đầu tư để dựng thành một khách sạn rồi khi dỡ ra, những vật liệu ấy chỉ còn là đống phế liệu. Sau đó, các bối cảnh phục dựng cho việc làm phim "Thái sư Trần Thủ Độ" dựng lên với thành quách, quán xá, nhà cửa, hệ thống nhà giam… tốn kém gấp nhiều lần bối cảnh của phim "Mùa hè lạnh lẽo" cũng có kết cục tương tự. Điều đó thật không bình thường trong điều kiện nước ta còn nghèo, mức đầu tư cho mỗi bộ phim chưa phải là nhiều.

Nhưng theo lời những người có liên quan thì không còn cách nào khác khi điện ảnh Việt Nam chưa có những quy hoạch để có thể giữ lại những bối cảnh này cho đoàn làm phim sau có thể sử dụng. Nếu có, thì đã có thể tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền đầu tư bối cảnh ấy để dùng cho các bộ phim lịch sử khác sau này.

Trong một lần trò chuyện với đạo diễn Quốc Trọng về phim "Bí thư tỉnh ủy" hiện đang chiếu trên VTV1, tôi đã được nghe ông kể về những nỗi khổ khi không có trường quay, phải phục dựng những bối cảnh cũ. Phim "Bí thư tỉnh ủy" được chọn bối cảnh quay ở Vĩnh Phúc, đúng quê hương của vị Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (nguyên mẫu của phim) một thời, nhưng cho đến bây giờ hầu như cảnh trí đã không còn như xưa. Vì thế, những nhà cửa, trụ sở, bờ tường mượn của nhà dân đều phải bôi bẩn, làm cho xấu xí, nhem nhuốc đi, sân gạch đẹp cậy lên để lát gạch xấu vào… cho đúng với bối cảnh những năm sáu mươi (của thế kỷ trước). Sau khi hoàn thành cảnh quay, đoàn làm phim lại có "trách nhiệm" phục dựng lại như cũ để trả lại cho dân. Đấy là chưa kể, thuê đào mỗi hố bom mất 1,5 triệu đồng, khi quay xong rồi, lại mất từng ấy tiền nữa để thuê người lấp lại… Đạo diễn Quốc Trọng cho rằng, không có trường quay nên hầu hết các đạo diễn Việt Nam đều chấp nhận làm phim theo kiểu… giời đày như vậy.

Còn đồng nghiệp của Quốc Trọng, đạo diễn Hồng Sơn thì kể rằng, với phim "Chạy án", chỉ vì không có trường quay, kinh phí làm phim ít nên cảnh quay các đại gia đánh bạc trong Casino ông đều dựng và quay ngay tại… trụ sở làm việc ở Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam. Ông cũng phải cắt bớt những cảnh đuổi bắt, bắn súng... giữa công an và tội phạm, đơn giản vì chẳng có khách sạn nào đồng ý để ông thuê mượn dựng những cảnh "nhạy cảm" đó, vì họ sợ mọi người "hiểu lầm" là họ bị liên đới thật thì hết đường làm ăn.

Trường quay - vẫn là giấc mộng

Cách đây vài năm, khi nhà nước phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp trường quay Cổ Loa, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thực ra, dự án phim trường Cổ Loa do nước ngoài giúp xây dựng cách đây đã… vài chục năm nhưng có một thời gian dài nó bị lãng quên. Đã vài năm khi dự án được khởi động lại, nhưng công việc cũng vẫn chỉ dừng ở khâu… giải phóng mặt bằng, nên mới có cảnh vừa dựng vừa phá bối cảnh như đã nói ở trên. Cũng trong năm 2006, Hãng phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng cho công bố bản quy hoạch chi tiết Dự án "Xây dựng trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam" với quy mô 7,15 ha và kinh phí 197 tỉ đồng tại xã Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội với thiết kế hiện đại, nhiều loại bối cảnh. Nhưng sau đó dự án này đã bị "đắp chiếu" và nghe nói bị thu hồi giấy phép đầu tư do không triển khai dự án theo thời hạn quy định. Hãng phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam đã phải chuyển về xây dựng trường quay tại Hưng Yên với quy mô nhỏ bé hơn nhiều, chỉ khoảng 700m2 và 10 phòng. Nhưng theo một số người, trường quay này vẫn chỉ đáp ứng được việc quay nội cảnh mà thôi.

Nhận thấy rất rõ sự quan trọng của trường quay nên nhiều hãng sản xuất phim đã phải tự bỏ tiền đầu tư những trường quay riêng. Theo thống kê, hiện TP. Hồ Chí Minh có gần 10 trường quay nhỏ, trong đó chuyên nghiệp nhất chỉ có trường quay của Hãng phim Giải Phóng, còn các trường quay khác được dựng khá đơn giản, chỉ có thể đáp ứng việc quay nội cảnh đơn thuần. Vài năm trở lại đây, một số công ty tư nhân có đầu tư xây dựng trường quay như trường quay "Cánh đồng ước mơ" do Công ty Trí Việt đầu tư với kinh phí lên tới 20 triệu USD (khởi công năm 2005), trường quay của hãng phim Nguyễn Chánh Tín...  Ở Hà Nội thì có trường quay Focus 300 của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải mới ra mắt nhưng theo đánh giá của một số đạo diễn thì trường quay này rộng 700m2, với trang thiết bị hiện đại được nhập về từ Mỹ về nhưng vẫn chỉ là một trường quay tốt cho việc quay các phim ca nhạc, phim truyền hình, talk show, game show... mà thôi!

Xem ra, một trường quay chuyên nghiệp, có đủ các bối cảnh vẫn là giấc mộng xa vời với giới điện ảnh Việt Nam.

Theo Nguyệt Hà (Văn nghệ Công an Xuân 2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm