Trưởng thôn Văn Hiệp: “Giun” đã về với đất

Dù chưa được phong tặng bất kỳ danh hiệu nào nhưng nghệ sĩ hài Văn Hiệp đã để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả qua cả ngàn vai diễn.

“Đất và giun và rất nhiều giun/ Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm/ Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non/ Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”. Diễn viên Văn Hiệp, người đã “đóng đinh” tên tuổi mình trong lòng khán giả với vai trưởng thôn đã viết như thế trong một bài thơ của mình.

Những con giun đã làm biến nỗi đau cằn cỗi, tối tăm thành nắng xanh, còn ông, 71 tuổi, 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, ông đã cống hiến cho đời những tràng cười sảng khoái với khoảng 1.000 tác phẩm kịch mà ông từng tham gia. Chỉ có điều, khi ông chăm chỉ như con giun đem lại màu mỡ cho đất, tốt tươi cho cây thì bi kịch cuộc đời ông, ông không sao tránh khỏi.

Cười và lấy tiếng cười trên sân khấu nhưng cái hài không thể xua đuổi được bi kịch cuộc đời ông phải gánh chịu. Vợ đi xuất khẩu ở Đức mãi không về, ông gà trống nuôi con suốt 20 năm và sống chung với đủ thứ bệnh tật. Trong một cuộc trò chuyện trước đây với báo chí ông từng nói: “Tôi nhiều bệnh lắm, từng mổ dạ dày, cắt trĩ, lao phổi, đại tràng… Có lúc tuyệt vọng chẳng thiết gì nữa. Tôi từng nói với con, nếu bố có làm sao thì để thở oxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền”. Đời bi của một diễn viên hài là thế.

Nghe tin ông mất, nghệ sĩ hài Minh Vượng thảng thốt: “Ông không quan tâm tới việc xét duyệt NSƯT hay này nọ! Cứ lặng lẽ cống hiến và đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà! Một nghệ sĩ không được phong tặng gì nhưng gấp vạn lần một số NSND khác!

Trưởng thôn Văn Hiệp: “Giun” đã về với đất ảnh 1

Hình ảnh nghệ sĩ hài Văn Hiệp giản dị trong các tác phẩm điện ảnh hay ngoài đời thường đã ghi dấu trong lòng khán giả. Ảnh: CTV

Gọi điện thoại cho diễn viên hài Vân Dung, giọng chị như nghẹn đi. Chị nói mới hai hôm trước chị hãy còn thăm ông, thấy ông đã yếu lắm rồi. Cái dáng đã gầy lại càng khô đét. Lúc đó ông đã quên nhiều, cả những người thân mà trí nhớ ông cũng không thể gọi tên đầy đủ. “Khi tôi trêu sao bố cứ nằm mãi thế, dậy đi quay với bọn con nào. Nghe tiếng tôi, bố quay lại nói: Dung đến chơi đấy à. Rồi bố bảo cười nhiều mệt quá” - diễn viên Vân Dung ngậm ngùi kể. Lúc đó trong lòng ai cũng thấy lo người bố của rất nhiều lớp diễn viên như Vân Dung, Tự Long, Xuân Bắc… sắp sửa ra đi nhưng chẳng ai ngờ thời khắc ấy lại đến nhanh như thế.

Nhận xét về tính cách “người bố đồng nghiệp” của mình, diễn viên Vân Dung nói: “Bố là người đàn ông không tuổi, không ganh đua, không bon chen gì cả”. Còn diễn viên Tự Long, người đã cùng diễn viên Vân Dung, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đến thăm ông cách đây hai ngày thì nhận xét: “Bố Hiệp là người bình dị, vui vẻ và chân chất, sống quảng đại, luôn giúp đỡ và có cách nhìn ưu ái đối với lớp trẻ”.

Cái dáng còm nhom, khuôn mặt gầy gò gân guốc, những cuộc tranh luận với những công dân bướng bỉnh như Giang Còi, Quang Tèo tự khắc đã tạo nên “thương hiệu” của ông khó lẫn với ai khác. Mỗi nghệ sĩ khi bước ra khỏi đời diễn đều mong mỏi để lại cho mình một dấu ấn khó phai. Với Văn Hiệp, có lẽ điều tự hào nhất ông có được là danh hiệu “Ông trưởng thôn của làng quê Việt”.

Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên ĐH Sân khấu - Điện ảnh, cùng khóa với Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ năm 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung ương. Năm 1990, ông chuyển công tác sang Cục Văn hóa-Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.

Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp bắt đầu từ 10 giờ ngày 11-4, lễ truy điệu diễn ra vào 12 giờ cùng ngày. Thi thể ông được hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ Hà Nội.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm