Đạo diễn Việt Tú: Năn nỉ các cụ nông dân đi diễn

Ý tưởng làm vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện trong đầu tôi cách đây vài năm, nhất là sau kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 mà Trương Nghệ Mưu dàn dựng” - đạo diễn Việt Tú

Đêm trăng rằm đầu tháng mới đây, tại Sài Sơn, chùa Thầy (Hà Nội), đạo diễn Việt Tú trình làng một tác phẩm ấn tượng mang tên Thủa ấy xứ Đoài với sự tham gia của 140 nông dân trong vùng

Cảm hứng từ Trương Nghệ Mưu 

. Phóng viên: Thủa ấy xứ Đoàiquả thật là một tác phẩm đặc biệt, kể cả tính đồ sộ lẫn nghệ thuật, từ đâu anh có ý tưởng làm ra sản phẩm này? 

+ Đạo diễn Việt Tú: Đó là một câu chuyện dài kỳ. Ý tưởng làm một show diễn kiểu như thế đã xuất hiện trong đầu tôi cách đây vài năm, nhất là sau kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 mà Trương Nghệ Mưu dàn dựng. Tôi thấy tại sao cùng là chất liệu dân tộc mà từ Trương Nghệ Mưu cho tới Lý An đều làm ra những tác phẩm rất đẹp và gây sốc về thị giác. Nhưng mọi thứ lúc đó là một thứ gì lờ mờ thôi. Sau đó, tôi có một thời gian đi về hướng Tây chán chê mê mỏi từ New York cho tới các đô thị, trung tâm văn hóa lớn thì thấy không còn mới lạ và thách thức với mình về mặt sáng tạo. Thế nên có thời điểm tôi quyết định đi về hướng Đông, đến những nước như Nepal, Butan, Trung Quốc… và phát hiện ra các nước này họ đi trước mình một bước về việc làm các chương trình văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước. Từ đó tôi tự đặt câu hỏi nước mình cảnh đẹp, văn hóa bề dày mà tại sao mình không làm được gì? 

. Từ trăn trở đó cho tới khi anh quyết định làm vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “ Thủa ấy xứ Đoài”là gì, có một động lực nào đó mà không làm không được? 

+ Đó là khi tôi được ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, chỉ cho một mảnh đất và ra một đề bài, rằng hãy làm cái gì trên mảnh đất đó. Nhận xong đề bài, quan sát và thấy sau lưng mình là ruộng lúa, trước mặt là đỉnh núi. Tôi xin một tuần để trả lời. Tiếp đó tôi lại đi lang thang ba hôm trong chùa Thầy, nghiên cứu toàn bộ văn hóa của vùng đất và nghĩ rằng câu chuyện trình diễn thực cảnh là hợp nhất, và tôi đã tự nhủ không được bỏ qua cơ hội này.

Đạo diễn Việt Tú tự đặt câu hỏi nước mình cảnh đẹp, văn hóa bề dày mà tại saochưa thể có các tác phẩm văn hoá quảng bá như Trương Nghệ Mưu hay Lý An.

. Nhưng tại sao anh lại nghĩ đến làm một cái gì đó liên quan đến rối nước mà không phải một thứ khác?

+ Tôi là con nhà nòi rối nước. Từ bé tôi đã theo mẹ lang thang khắp vùng đồng bằng Bắc bộ để gặp gỡ các cụ nghệ nhân rối, chèo, tuồng… Tính dân tộc ngấm vào máu một cách tự nhiên, sau này nó pha trộn với đời sống của một người có nhiều năm học tập ở nước ngoài để tạo ra phong cách “modern traditional” đang được sử dụng trong các tác phẩm của tôi. 

Bên cạnh đó, Sài Sơn, chùa Thầy là quê hương Đức Tổ nghề rối nước - thánh tổ Từ Đạo Hạnh, một trong tứ bất tử. Việc lấy rối nước làm cảm hứng là đương nhiên nhưng sử dụng rối nước như thế nào để giải bài toán xử lý không gian lại là thách thức lớn. 

Đến từng nhà dân vận nông dân tham gia 

. Một trong những điểm đặc biệt trong chương trình này chính là sự tham gia của 140 nông dân trong vùng. Chắc để hướng dẫn được họ không phải là điều đơn giản? 

+ Thời điểm đó tôi có lúc nghĩ mình bị thần kinh mất. Người dân hoàn toàn là một tờ giấy trắng trong cả cuộc sống lẫn kỹ năng diễn xuất. Bạn cứ thử tưởng tượng nóng 45 độ C mà nhốt nhau vào một hội trường chơi thể thao của Trường Tiểu học Sài Sơn. Có những cụ con cháu xót ruột không đồng ý, tôi phải đến từng nhà một thuyết phục. Ekip quản lý nhân sự thì đề nghị hay cứ hoá trang bằng cách dán râu gỉa cho dễ, nhưng tôi không đồng ý vì nó mất cảm xúc. Bên cạnh đó đến được ngày hôm nay số bà con ban đầu đã rơi rụng tới gần 40% rồi.

. Chắc họ không chịu được vất vả hoặc tập mãi không được? 

+ Toàn lý do rất đặc biệt. Người thì xin ở nhà chăm chồng ung thư, một anh hơn 50 tuổi vợ bỏ xin ra nước ngoài lập nghiệp, một em thì trót có bầu ngoài kế hoạch, thôi thì đủ cả….

. Tôi nhớ nhất hình ảnh đàn vịt xuất hiện trong vở diễn, đó làý tưởng từ đầu của anh hay là chỉ phát sinh trong quá trình thực hiện? 

+ Ý tưởng này có từ đầu. Không có gì cao siêu tôi đơn giản thấy cái gì hay thì cho vào. Sài Sơn nuôi rất nhiều vịt, mà tự nhiên sân khấu có đàn vịt thì rất bất ngờ. Mà có chi tiết này rất đặc biệt, trong số những diễn viên nông dân, tôi chọn một chị vào vai bà lão chăn vịt. Chả hiểu thế nào lúc hỏi chị ấy thú nhận nhà mình đã ba đời chăn vịt rồi. 

. Xin cám ơn anh. 

Làm tất cả để người xem choáng ngợp 

Với khái niệm sân khấu thực cảnh, tức lấy bối cảnh thiên nhiên xung quanh làm một phần của sân khấu trình diễn, vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam Thủa ấy xứ Đoài  được đạo diễn Việt Tú dàn dựng trong quần thể rộng 1,75 ha, bao quanh sân khấu mặt nước rộng 3.000 mlà những rặng tre. Từ khán đài với sức chứa 2.000 người, nhìn xuống là sân khấu mênh mông, nhìn ngang tầm mắt là ngọn núi Sài. Sân khấu chính được kết hợp với các hiệu ứng bom tấn như ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20 m, di chuyển bằng đường ray, chạy ra sau rặng tre. Từ 10 m sâu dưới đáy long trì, thủy đình nguyên bản nặng gần 10 tấn dần nhô lên mặt nước mênh mông. Phía trên là đỉnh núi Thầy cao trăm mét được tỏa sáng lung linh bằng vô số ngọn đèn. Tất cả tạo nên một sân khấu đặc biệt làm người xem choáng ngợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm