Minh oan cho công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung

“Ni sư Hương Tràng” (hay “Công chúa Huyền Trân”) là một trong hai vở diễn được Nhà hát dàn dựng năm 2017 theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Điện thờ Công chúa Huyền Trân trong Khu trung tâm văn hóa Huyền Trân.

Vở diễn “Ni sư Hương Tràng”, kịch bản TS Bùi Hữu Dược (cũng chính tác giả của kịch bản "Vua Phật", đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng), chuyển thể Cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; đã khắc hoạ cuộc đời công chúa Huyền Trân, con gái của Đức vua Trần Nhân Tông, em của vua Trần Anh Tông.

Công chúa Huyền Trân, pháp danh khi xuất gia là Ni sư Hương Tràng là một tấm gương về sự cống hiến, đức hy sinh vì nước, vì dân. Công chúa đã đi vào lịch sử để sống mãi với đất nước qua mối tình Chiêm - Việt, để rồi trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ tài tử, thi nhân ngợi ca.

Ở vị trí nào, dù là một ni sư "lấy đạo để tạo đời" sau này, hay là công chúa cành vàng lá ngọc của Vua cha Trần Nhân Tông, hay là Hoàng hậu đệ nhất chánh cung kiêu sa, quyền quý của Vua Chiêm... Công chúa Trần Huyền Trân cũng sáng lung linh như một ngôi sao giữa bầu trời đêm.

Thông qua cuộc đời của Công chúa Trần Huyền Trân, vở diễn cũng đã khắc hoạ về bối cảnh lịch sử của nước Đại Việt và mối quan hệ đa chiều với các nước lân bang cùng nhiều sự kiện lịch sử đầy chất bi tráng.

"Vở diễn đã cho thấy mối duyên tình trời định giữa bậc quân vương Chiêm quốc - Chế Mân với Công chúa Đại Việt - Trần Huyền Trân. Thông điệp mà vở diễn muốn gửi tới công chúng là: Mỗi con người ở mỗi quốc gia cần biết quý trọng cuộc sống hoà bình; có ý thức, trách nhiệm xây dựng cuộc sống chung trong tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc. Vở diễn tái hiện lịch sử xưa là để cảnh tỉnh đến mỗi người dân Việt Nam hôm nay, phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh trên nền tảng của độc lập, tự chủ, tự cường", đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Còn theo tác giả Bùi Hữu Dược, qua vở diễn các nghệ sĩ muốn ca ngợi một người phụ nữ Việt Nam trong rất nhiều vai trò, trong đó có  vai trò hết sức quan trọng là một người yêu nước, mở nước, muốn làm vẻ vang cho đất nước của mình. Ngay khi xuất gia, đi tu, bà vẫn thể hiện vai trò hết sức quan trọng của mình là giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền độc lập và yêu sự tự cường của dân tộc ta.

"Cũng qua vở diễn này, tôi muốn giải quyết một vấn đề lịch sử mà cho đến nay vẫn là nỗi buồn của nhiều người về một nhân vật Hành khiển Trần Khắc Chung. Nhân vật này trong nhiều vở diễn vẫn là một tội đồ, vì khi cứu công chúa từ Chiêm Thành về bị mang tiếng là một người tư thông với công chúa, 8 tháng cùng công chúa lênh đênh trên biển. Cái tích của lịch sử đó là một vết nhơ, nhưng sự thật không phải là như vậy", tác giả Bùi Hữu Dược nói.

Ông cũng cho hay đã hỏi rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt nhà sư… họ đều nói thời đó là thời của võ, nhưng cũng là thời của văn, của Phật, của đạo. Không đời nào có chuyện một vị tướng đi cứu nàng công chúa tuổi mới đôi mươi, vừa mất chồng, chết con lại nỡ làm việc vô đạo như thế.

"Chính vì thế, trong vở diễn chúng tôi có ý muốn minh oan cho Trần Khắc Chung. 8 tháng đi đón Công chúa Huyền Trân, họ không phải lênh đênh trên biển, mà 8 tháng thuyền của họ đi trên biển gặp sóng to, phải dạt vào bờ để chữa thuyền, lấy quân lương. Cùng với việc vào bờ chữa thuyền, nạp quân lương, thì chính bằng tài năng, đức độ của mình, Trần Khắc Chung đã cử những người tâm phúc đi tìm Thái tử Chế Đa Đa. 6 tuần cử tâm phúc đi tìm mà không tìm được, nên họ lại phải lên đường trở về đất nước", tác giả Bùi Hữu Dược cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm