Gian nan bảo vệ giá trị một vương triều - Bài 2

Ba vị vua đến chết vẫn long đong

Nằm tại phường An Cựu, An Lăng là khu lăng mộ các vị vua triều Nguyễn duy nhất ở trung tâm TP Huế, cách Đại nội Huế chưa đầy 3 km. Tưởng chừng khu lăng mộ thu hút đông du khách qua lại thăm viếng nhưng hình ảnh xuống cấp nghiêm trọng nơi đây khiến nhiều người chạnh lòng.

Vua chết đói, chôn qua loa

Theo tư liệu từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vua Tự Đức (1847-1883) qua đời truyền ngôi lại cho người con nuôi là hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên. Vào năm 1884, ông vua bất hạnh này đã chết đói trong nhà ngục, thi hài được gói vào một chiếc chiếu giao cho hai tên lính và một viên quyền suất đội gánh đưa về An Cựu để mai táng trong địa phận chùa Tường Quang. Khi gần đến nơi thì thi hài nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây, một người lính đã chạy vào chùa Tường Quang mời nhà sư trụ trì ra giải quyết. Cuối cùng, mọi người nhất trí chọn mảnh đất “thiên táng” đó làm nơi yên nghỉ đời đời của vua Dục Đức nên mai táng qua loa cho xong chuyện.

Năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Sau đó, nhà vua cho xây dựng điện Long Ân, cách khu vực lăng mộ vua Dục Đức khoảng 50 m để thờ vua cha. Điện Long Ân hiện nay cũng là nơi thờ tự bài vị ba vị vua triều đại nhà Nguyễn.

Làm vua được 18 năm (1889-1907), Thành Thái có những tư tưởng và hoạt động chống Pháp nên bị truất ngôi. Con trai vua Thành Thái là hoàng tử Vĩnh San được đưa lên ngai vàng, đặt niên hiệu Duy Tân, trị vì được tám năm (1907-1916) thì bị Pháp bắt vì tội “tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thái Phiên và Trần Cao Vân”. Chính phủ bảo hộ và Nam triều đã đày hai ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion với án lưu đày biệt xứ. Năm 1953, vua Thành Thái được trở về nước, sống ở Sài Gòn. Ông mất vào năm 1954 và được hoàng tộc rước thi hài về chôn trong khuôn viên của lăng Dục Đức.

Khu vực mộ ba vị vua triều Nguyễn bị xuống cấp trước khi trùng tu. Ảnh: N.DO

Có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Lối vào An Lăng rất khó khăn bởi đường sá chật hẹp, nhếch nhác. Đến trước khu lăng, chúng tôi liên hệ với phòng bảo vệ để vào khu vực bên trong tham quan thì bảo vệ xua tay: “Không được, vào đó lỡ có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?!”.

Theo lời hướng dẫn của một người dân gần đó, chúng tôi đi đường vòng vào sau khu lăng mộ. Đi qua những con đường nhỏ, chúng tôi đến một bãi đất rộng cỏ mọc um tùm, có nơi cỏ mọc cao đến thắt lưng. Ở giữa là một tường thành bảo vệ mộ vua. Bức thành qua thời gian đã trở nên rêu phong, mục nát. Ở nhiều đoạn, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải sử dụng các giá đỡ bảo vệ.

Các cổng vào khu vực mộ vua đều bị hư hỏng, rạn nứt nghiêm trọng, nhiều phần kết cấu đã bị rơi xuống đất. Gần như các họa tiết chạm khắc ở trong lăng mộ bằng mắt thường khó có thể hình dung được. Ở phần mái che nhà bia bị tốc mái, nhiều chỗ được lợp tạm bằng tôn và nhiều dây buộc gia cố xung quanh.

“Lăng Dục Đức, có thời thực dân Pháp đã đóng đồn ngay trong lăng, nên dù nó không bị tàn phá nặng nề nhưng đều bị hoang hóa và không được tu bổ khiến các công trình này ngày một xuống cấp nghiêm trọng” - ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế), cho biết.

Làm mọi cách để ấm hồn khu lăng tẩm

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay di tích cố đô Huế có rất nhiều công trình cần tu bổ. Hiện nay, lăng Dục Đức đã được phê duyệt trùng tu với số tiền là 40 tỉ đồng. Số tiền này chủ yếu sử dụng vào việc trùng tu phần mộ, điện thờ xuống cấp nghiêm trọng.

“40 tỉ đồng chưa giải quyết hết được các vấn đề tại khu An Lăng. Hiện nay, khi giai đoạn 1 đang được thực hiện thì trung tâm cũng đồng thời lập kế hoạch sang giai đoạn 2 về xử lý môi trường cảnh quan. Trong đó, sẽ tiến hành giải phóng một số hộ dân sinh sống trong vùng bảo vệ di tích, làm hàng rào xanh để bảo vệ cảnh quan và tránh sự xâm lấn” - ông Hải nói.

Ông Phan Thanh Hải thông tin thêm, đối với các lăng vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân thì việc trùng tu, bảo tồn và phát huy những giá trị của khu lăng này vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi trùng tu, trung tâm cố gắng đưa du khách về tham quan. Khu lăng tẩm này có thuận lợi là gần thành phố, còn khó khăn là nó ít mang được những nét đặc sắc như những khu lăng mộ khác, như các lăng Tự Đức, Gia Long, Đồng Khánh. “Chúng tôi sẽ giải quyết nhiều vấn đề về giao thông, bãi đỗ xe, đồng thời xây dựng các dịch vụ thu hút du khách” - ông Hải nói.

Con kênh ô nhiễm chảy ngang

Điều ông Nguyễn Xuân Hoa trăn trở, ngoài các công trình trong khu An Lăng bị xuống cấp thì hiện nay di tích cố đô Huế còn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khác, đó là cảnh quan xung quanh khu vực lăng này cũng đang bị xâm chiếm nặng nề. Điển hình là con kênh chảy ngang trước An Lăng bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải của các khu dân cư lân cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm