Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm: Băn khoăn của người trong cuộc

Mời bạn đọc xem thêm: Khi con dơi "bay" trong khán phòng chật ních của nhà hát

Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (gọi tắt là nhà hát giao hưởng) đã trải qua gần 20 năm trên giấy kể từ năm 1999. Những ngày này, khi HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng, hơn 100 nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO) đều trong tâm trạng vui lẫn lo.

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, xung quanh chủ đề này.

. Phóng viên: Thưa ông, là giám đốc đơn vị thụ hưởng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM, ông có ý kiến gì về chủ trương xây dựng nhà hát này?

NSƯT Trần Vương Thạch

+ NSƯT Trần Vương Thạch: Dự án nhà hát này đã chuyển qua rất nhiều địa điểm.

Nếu thật sự cần chỉ ra, tôi có thể chỉ ra nhiều điểm có thể xây nhà hát không phải ở Thủ Thiêm nhưng đó lại là chuyện của các nhà quy hoạch của TP.

Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng, không có quyền quyết định.

Nhiều lần chúng tôi từng đề nghị chuyển đơn vị đầu tư về HBSO để chúng tôi có thể giám sát chất lượng xây dựng. Chúng tôi sẽ thuê đội ngũ tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp để làm.

Hơn nữa, khi là chủ đầu tư, chúng tôi có thể thương lượng, thúc đẩy dự án cũng như kêu gọi xã hội hóa, nghĩa là chúng tôi có thể tham gia vào dự án chứ không phải đứng ngoài nữa.

Hiện TP đã quyết định không xã hội hóa, bởi nếu để các đơn vị tư nhân nhảy vào, họ đứng ra khai thác, muốn làm gì cũng khó. Lần này chúng tôi cũng đề xuất có đại diện tham gia ban quản lý nhưng tới giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời.

. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là hậu quả nhãn tiền về việc sử dụng không đúng 132 tỉ đồng vì xây xong không sử dụng được. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Nhà hát, nhất là nhà hát giao hưởng, vũ kịch không phải là công trình bình thường. Nó đòi hỏi những quy chuẩn kiến trúc khắt khe, phải thuê người có năng lực và chuyên môn để làm. Mở thi tuyển quốc tế để tìm mẫu thiết kế nhà hát thì sau đó phải làm cho đúng mẫu. Nếu làm có trách nhiệm, không tham nhũng, ăn bớt thì mọi thứ sẽ ổn.

Nhà hát TP.HCM là nơi chứa tạm nhạc giao hưởng, vũ kịch... Ảnh: HTD

. Nhiều người từng bác bỏ vị trí dự án nhà hát ở Công viên 23-9 vì cho rằng nó đánh mất mảng xanh, không giải quyết được phần tiếng ồn xung quanh. Giờ làm nhà hát ngay chân cầu Thủ Thiêm 2 liệu vấn đề tiếng ồn có được giải quyết triệt để?

+ Khi quy hoạch nhà hát tại Công viên 23-9, đơn vị thiết kế (Công ty Busmann Haberbe, Muller, Inros Lackner, Đức) đã khảo sát tất cả rung chấn xung quanh, kể cả dự án metro sẽ thực hiện tại đó. Và chính họ đảm bảo việc chống rung chấn, chống ồn… trong kỹ thuật xây dựng nhà hát hiện đại.

Vấn đề diện tích xây dựng nhà hát, hồi ở Công viên 23-9 là 13.000 m2 với dự toán hơn 100 triệu USD (tỉ giá ngoại tệ thời điểm lúc đó tính ra hơn 2.200 tỉ đồng - PV), nhiều người cũng bảo chưa xứng tầm. Vậy thì bây giờ ở Thủ Thiêm quy hoạch cho dự án nhà hát là 10.030 m2 nhưng thực xây chỉ 50% (5.015 m2) với kinh phí 1.508 tỉ đồng thì có đảm bảo hay không?

Ở thời điểm giao đất cho nhà hát tại 23 Lê Duẩn, quận 1, chúng tôi đã mong muốn được xây nhà hát ngay thời điểm đó, vì dễ gì có đất to và hoành tráng trong quy hoạch tổng thể của TP lâu nay.

. Lúc dự tính xây nhà hát ở Công viên 23-9, chi phí thiết kế cho phía công ty Đức là bao nhiêu, thưa ông?

+ Nhà hát chưa bao giờ được mời trong ban quản lý dự án nên tôi không biết.

. Theo ông, con số dự kiến xây dựng nhà hát là 1.508 tỉ đồng trong tương lai có đội vốn hay không?

+ Trong dự án nhà hát giao hưởng hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Sở VH&TT TP.HCM tính như thế, thành ra con số ít lại so với 2.200 tỉ đồng nếu xây ở Công viên 23-9. Tôi biết chắc con số đó hoàn toàn chưa chính xác, chỉ là dự toán, chắc chắn sẽ đội.

. Hiện dự án nhà hát tại Thủ Thiêm 10.030 m2 nhưng mật độ xây dựng chỉ 50%, chưa bằng 1/2 tổng diện tích cũ ở Công viên 23-9 và những dự toán cũng còn rất chung. Ông thấy sao?

+ Tôi lo lắng thật sự. Dự án ở Công viên 23-9 với 13.000 m2 cùng chức năng hai khán phòng mà đem qua Thủ Thiêm với 5.015 m2 thì sẽ thiếu. Nhưng mọi lo sợ đều đang ở thì tương lai. Hiện chúng ta chỉ mới bước qua chủ trương được làm, mọi thứ quay lại ban đầu như 20 năm trước. Với đề bài 5.015 m2 cùng 1.508 tỉ đồng mà xây hai khán phòng, chưa kể tầng hầm xe, phòng chức năng… thật sự cũng không dễ cho các nhà thiết kế.

. Xin cám ơn ông.

47 tỉ đồng mua nhạc cụ “đón” nhà hát mới, nhưng…

Những ngày này, nhân dự án xây dựng nhà hát giao hưởng ngàn tỉ được đưa ra, nhiều người đặt câu hỏi tại sao TP hoang phí chi 47 tỉ đồng mua nhạc cụ từ năm 2009 khi chưa có nhà hát.

Năm 2009 là thời điểm dự án nhà hát xây dựng ở khu đất 23 Lê Duẩn đã được thông qua. TP đã tính mua nhạc cụ để cùng lúc xây nhà hát xong thì có nhà hát ngay trình diễn cùng nhạc cụ mới. Và thực tế nhạc cụ cũng cần có thời gian “làm quen” với nghệ sĩ, mỗi nghệ sĩ và nhạc cụ phải hòa hợp mới có thể biểu diễn tốt, cũng như cần sử dụng nhiều để “vỡ tiếng”. Nhưng rồi rất tiếc, nhà hát và nhạc cụ đã không thể đi song song.

Có tổng cộng 81 loại nhạc cụ được mua từ 47 tỉ đồng ấy. Có loại số lượng rất nhiều, ví dụ violin có 26 cây, viola có 10 cây. Và có cả vài loại nhạc cụ mà trước đây chưa từng xuất hiện trong các chương trình của nhà hát như đàn clavecin (một loại đàn tương tự như piano nhưng nguyên tắc phát âm và âm sắc khác), kèn clarinet bass, kèn contrebasson, đàn contrebasse năm dây, nhiều loại nhạc cụ gõ…

Từ ngày mua đến giờ, trừ một cây đàn piano hiệu Steinway đặt tại Nhà hát TP.HCM để sử dụng trong biểu diễn của nhà hát, hầu hết nhạc cụ sau khi biểu diễn xong được đưa về giữ tại rạp Thanh Vân.

NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCHGiám đốc HBSO

 

Khi Con dơi bay trong khán phòng chật ních

Thời Pháp, Sài Gòn từng có ba nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP.HCM), Nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc TP.HCM) và Nhạc viện TP.HCM. Bên cạnh đó, kiến trúc của Hội trường Diên Hồng (nay là Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM) với phần mái vòm acoustic và không có cánh gà rất phù hợp cho mô hình phòng hoà nhạc nhỏ (Philharmonic Hall).

Sau 1975, TP.HCM có xây dựng thêm Nhà hát Hoà Bình, Nhà hát Bến Thành nhưng đều không có hố nhạc, phải sử dụng hệ thống khuyếch đại âm thanh nên chủ yếu phục vụ ca nhạc nhẹ với âm thanh điện tử. Duy nhất còn Nhà hát TP.HCM có hố nhạc và thiết kế phù hợp biểu diễn nhạc kịch, vũ kịch quy mô nhỏ (tối đa dàn nhạc 35 nhạc công).

Cho đến giờ, TP.HCM vẫn không thể là điểm đến trong các chuyến lưu diễn hằng năm của các dàn nhạc lớn trên thế giới. Trên mối quan hệ của mình, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO) có thể mời các dàn nhạc đủ trên 100 người đến diễn nhưng HBSO không đủ can đảm mời, bởi mời đến thì… diễn ở đâu?

“Chúng ta chỉ có đoàn trong nước, vài nghệ sĩ nước ngoài đến diễn. Như đoàn múa London mấy năm trước sang họ cũng chỉ sang ba cặp vì không đủ chỗ để họ nhảy; dàn nhạc Petronas sang diễn ngoại giao cũng phải tinh giản dàn nhạc và trong quá trình diễn phải chia dàn nhạc nhỏ ra cho từng tác phẩm, bởi chẳng có chỗ… ngồi diễn”, NSƯT Trần Vương Thạch, giám đốc HBSO chia sẻ.

Năm ngoái, khi vở Con dơi (Johann Strauss II) lần đầu tiên được dàn dựng biểu diễn tại TP.HCM, khán giả lẫn nghệ sĩ nghẹt thở. Đó là nghẹt thở thật sự bởi không có khoảng không nào trong không gian Nhà hát TP.HCM mà không được tận dụng.

Nếu ở các nước để biểu diễn vở này dàn nhạc ít nhất cũng phải 70 nghệ sĩ thì buổi diễn của HBSO căng hết sức, chỉ đủ chỗ chứa 50 nghệ sĩ, trong đó nhiều nhạc cụ lớn đã phải dời sang hai cánh gà. Mặt ngang sân khấu cho một vở operetta, ballet… ít nhất cũng phải từ 18-20 m, trong khi đó mặt thật sân khấu của Nhà hát TP.HCM chỉ 9m. Vì thế, khi diễn vở Con dơi, hàng chục nghệ sĩ phải chen chúc trên sân khấu, đến vai ai solo thì người đó “nhào ra” cách nhau chừng 2m.

Khi dàn nhạc bị “ép” ngồi dưới sân khấu thì khán giả hàng đầu rất khó để tập trung thưởng thức vở diễn, bởi dàn nhạc sát rạt ngay chân họ, hoàn toàn thiếu hẳn khoảng không để “thở” giữa khán giả và nghệ sĩ.

Và sắp tới đây, tối 28-10 này, vở Con dơi lại tái diễn, nghệ sĩ và khán giả lại có dịp “nghẹt thở”!

QUỲNH TRANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm