Nhà hát hơn 200 tỉ đồng nhưng lại lợp… tôn

Theo đó, UBND tỉnh giao chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL treo bảng giới thiệu về công trình, công bố rộng rãi để lấy ý kiến người dân. Sau đó tổng hợp báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến để thực hiện.

Tuy nhiên, dư luận hiện chưa bằng lòng với cả vị trí lẫn thiết kế của công trình hơn 200 tỉ đồng này. Ngoài việc sử dụng hồ sơ thiết kế công trình từ năm 2007, vị trí xây dựng công trình lại quá nhỏ hẹp, giao thông xung quanh khó khăn, phức tạp. Khi tổ chức sự kiện lớn sẽ không đủ sức chứa khối lượng khán giả tham dự.

Điều khá ngạc nhiên là công trình trên 200 tỉ đồng nhưng lại sử dụng vật liệu mái lợp bằng… tôn thép liên kết đinh vít. Cách này vừa mất thẩm mỹ, vừa nhanh hư hỏng do đặc thù khí hậu địa phương là miền biển trong khi đây là công trình vĩnh cửu. Đấy là chưa nói tới mái tôn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của nhà hát.

Nhiều kiến trúc sư ở TP Phan Thiết khi xem thiết kế đều cho rằng đây sẽ là một “thảm họa kiến trúc” tại Bình Thuận nếu không thay đổi, điều chỉnh lại thiết kế. Các kiến trúc sư cũng nhắn nhủ với chính quyền Bình Thuận mong ước của đội ngũ kiến trúc sư tại địa phương muốn tham gia, sửa chữa điều chỉnh thiết kế, kiến trúc để công trình thực sự là một biểu tượng, là điểm nhấn của địa phương. Chính do hồ sơ thiết kế đã lâu nên ngay cả UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã yêu cầu cần phải xem lại hình dáng kiến trúc, chất liệu, vật liệu xây dựng của hồ sơ thiết kế cũ có phù hợp với điều kiện sử dụng hiện nay và tương lai sau này không.

Bản thiết kế mặt đứng công trình nhà hát và triển lãm.  (Ảnh tư liệu)

Đây là công trình trọng điểm quan trọng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đem lại dấu ấn nên kiến trúc phải phù hợp với nguyện vọng của người dân, nét văn hóa của địa phương. Theo UBND tỉnh, thiết kế hiện nay có dạng hình tròn do đó phải rà soát kỹ để đánh giá công năng sử dụng của công trình so với những dạng kiến trúc khác.

Các kiến trúc sư ở Phan Thiết cũng cho rằng đối với công trình là nhà hát thì ngoài thiết kế, vị trí, công năng, ý nghĩa truyền tải về mặt kiến trúc đối với người dân địa phương và du khách là hết sức quan trọng. Do đó, họ đều đề nghị UBND tỉnh hết sức thận trọng, tính toán toàn diện khi sử dụng thiết kế cũ, vật liệu sẽ xung đột với khí hậu và cả vị trí của công trình văn hóa này.

Phan Thiết không phải là thành phố cổ kính, chịu ảnh hưởng bởi nhiều phong cách kiến trúc khác nhau nhưng hầu hết công trình phải hài hòa với thiên nhiên và điều kiện sinh hoạt của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm