Tấm Cám và điểm cộng cho kỹ xảo, phục trang

Lâu nay điện ảnh Việt rất thiếu những phim cổ tích, dã sử… bởi với những thể loại này, tiền để chi cho phục trang, kỹ xảo là một khoản chi khổng lồ.

Sợ so trang phục với phim Trung Quốc

Tốn kém cho trang phục và kỹ xảo đã đành, đến khi thực hiện thì phải làm sao để không bị soi rằng trang phục mang màu phim Trung Quốc, kỹ xảo thua xa phim Mỹ…

Việc so sánh là điều không thể không có với khán giả khi xem phim nhưng so sánh vậy e chừng tội cho điện ảnh Việt, chí ít là khoản tiền đầu tư cho mỗi bộ phim Việt đã là con số thấp hơn rất nhiều các phim cổ trang Trung Quốc hay Mỹ.

Nhà sản xuất phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cho biết kinh phí chi riêng cho phần trang phục chiếm 10% kinh phí sản xuất phim. Phục trang phim là sự kết hợp của 10 nhà thiết kế, stylist, nhà may, tư vấn… “Phần phục trang phim không thuần chỉ của dân tộc Kinh mà là sự pha trộn của các dân tộc khác sống trên đất Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Từ drap đến gối nằm của vua cũng được êkíp tính toán kỹ bằng vải gấm hoa văn rồng. Ý đồ khi pha trộn trang phục là êkíp mong muốn tất cả mọi người, vùng miền thấy gần gũi Việt Nam. Nhưng thật sự áp lực của êkíp rất lớn bởi luôn sợ so sánh với phục trang phim Trung Quốc, hoặc khán giả thấy phục trang không giống các phim cổ trang trước” - đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Trang phục của Tấm Cám: Chuyện chưa kể là công trình của hơn 19 nhà thiết kế, nhà may, stylist... Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Bước tiến dài của êkíp Việt

Trước Tấm Cám: Chuyện chưa kể, thời gian qua điện ảnh Việt từng chứng kiến một số phim cổ trang, dã sử, cổ tích: Tây Sơn hào kiệt, Thiên mệnh anh hùng, Cuộc chiến với chằn tinh, Ngày nảy ngày nay… Thế nhưng trong các phim kể trên liệu có bao nhiêu phim khán giả hài lòng về kỹ xảo, phục trang? Hai bộ phim nhận “đá” nhiều nhất từ khán giả là Cuộc chiến với chằn tinh Tây Sơn hào kiệt bởi cả hai đều bị truyền thông và khán giả cho rằng không biết dùng kỹ xảo.

Từ Tây Sơn hào kiệt đến Ngày nảy ngày nay rồi Tấm Cám là một bước tiến dài về kỹ xảo và phục trang, do êkíp Việt Nam thực hiện. Trước đó, Dòng máu anh hùng thành công về kỹ xảo và phục trang nhưng phải nhờ nhiều vào sự hợp tác của nước ngoài.

Một con quái vật hợp với trẻ em và người lớn

Ở phần kỹ xảo cho bộ phim, khi lên ý tưởng cho phần cuối phim, nhóm biên kịch lẫn kỹ xảo khá khó khăn, bởi hai con quái vật phải làm sao cho ra quái vật nhưng không giống các con quái vật từng có trong điện ảnh.

“Về việc tạo mẫu thiết kế quái vật thì nhóm muốn làm một bộ phim mà khán giả lớn nhỏ đều coi được, các bé coi quái vật không quá sợ vì ghê rợn mà người lớn coi vẫn thấy thú vị và chấp nhận được. Để có hai con quái vật đó, nhóm Cyclo Animation đã phải thay đổi rất nhiều mẫu thiết kế trong hơn nửa năm trời để tránh không giống các mẫu thiết kế đã có. Mẫu con quái thừa tướng là bọn mình phải thiết kế tạo mẫu khuôn mặt của nhân vật xong từ đó phát triển thêm nhiều yếu tố khác nữa để có một tạo hình như đã thấy trên phim... Con quái thái tử thì cũng cố gắng vẫn giữ hình ảnh dũng mãnh, chính đạo. Ngoài ra còn rất nhiều cảnh kỹ xảo như triều đình, làng Tấm, cảnh biến hóa, thác nước... quả thật bộ phim này là một thử thách lớn với cả nhóm và rất mong nhận được sự yêu mến đón nhận của mọi người” - chị Lâm Thảo Tranh, đại diện nhóm Cyclo Animation phụ trách kỹ xảo 3D cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể, chia sẻ.

Từ sản xuất đến chọn bối cảnh cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể có thể nói là bước thử nghiệm để đẩy xa hơn làm phim với công nghệ 3D. “Các diễn viên diễn xuất trong phim khá bị thách thức bởi những cảnh với quái vật là hoàn toàn diễn trong tưởng tượng, quá trình dựng phim mới đưa hình ảnh quái vật 3D vào” - Ngô Thanh Vân nói.

Không chỉ kỹ xảo tốt ở hình ảnh quái vật, với chi phí sản xuất khủng hoảng vào đoạn cuối cùng, cảnh giáp chiến cả ngàn người nhưng trong thực tế đoàn phim chỉ có một con ngựa và 30 người thì khi xem phim với kỹ xảo, việc nhân người đã làm nên những cảnh đánh cả ngàn người không làm khó chịu người xem.

Với Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn chưa phải thật sự xuất sắc về kỹ xảo, phục trang. Trang phục đôi chỗ vẫn còn diêm dúa, kỹ xảo đôi lần vẫn còn quá ảo… nhưng chí ít khán giả lẫn truyền thông không quá cảm thấy khó chịu ở hai mảng này. Và dưới mắt nhìn của đạo diễn thì “dẫu chưa hoàn hảo lắm nhưng đủ để êkíp tự hào đây là một sản phẩm có kỹ xảo thuần Việt 100%” - đạo diễn Ngô Thanh Vân đầy hy vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm