Thờ khán giả - nét đẹp của giỗ tổ sân khấu

Làm lễ giỗ thì mỗi nơi mỗi kiểu nhưng tựu trung nhất là phải có bàn thờ tổ. Dù truyền thống hay hiện đại, bàn thờ tổ cũng luôn có thờ khán giả - ân nhân của sân khấu, nghệ sĩ.

Bàn thờ chính thờ tổ của Hoài Linh và trang thờ khán giả. Ảnh: HÒA BÌNH

Giỗ tổ truyền thống: Thờ cả khán giả

Nơi cúng giỗ tổ đúng chuẩn là Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Lễ giỗ gồm ba ngày 10, 11 và 12-8 âm lịch. Trong đó lễ chính ngày 12-8 với các nghi thức: Lễ xây chầu niệm hương, lễ đại bội với múa Điểm hương, Xang Nhật Nguyệt, Phước Lộc Thọ, Ngũ hành, Tứ Thiên vương nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Bàn thờ tại đây gồm: Trên cao đặt ngai Ông ở phía trái, ngai Bà ở phía phải. Dưới một bậc là bài vị tiên sư, Hội đồng lưỡng ban, Thập nhị công nghệ, Tiền hiền, Hậu hiền... Phía dưới nữa, bên trái thờ Bạch hổ (đầu cọp, biểu tượng tổ vai võ), bên phải thờ Linh Quan Thổ Địa (mặt ông Địa, biểu tượng tổ vai hề), phía dưới cùng là bàn thờ ông Ngỗ Nghịch (vị thần yểm trị sự phá phách, gây rối nội bộ).

Bên ngoài cửa rạp, dưới gốc cây to, hơi xa các bàn thờ kia là bàn thờ ông bà chủ quán, biểu tượng người ơn của bạn hát nghèo.

Nghệ sĩ Ái Như bày tỏ quan niệm về việc thờ khán giả: “Theo truyền thuyết tôi biết về các vị tổ sân khấu thì hai vị hoàng tử được thờ như tổ nghề cũng là những khán giả vì quá yêu say mê sân khấu, trốn vua cha để xem mà bị chết cháy. Sân khấu cũng xem tổ của 12 nghề nghiệp chính khi xưa là tổ nghề của mình vì nghề nào cũng giúp cho sân khấu. Người của 12 nghề nghiệp này cũng là khán giả của sân khấu. Hiểu như vậy, tôi thấy sân khấu thờ khán giả là hợp lý. Còn hiểu theo nghĩa nào nữa thì tôi không dám bàn vì với tôi tổ nghề là thiêng liêng, niềm tin tâm linh tôi không dám lạm bàn”.

Hoài Linh: Hiện đại cỡ nào cũng thờ khán giả

Sáng 11-8 âm lịch (11-9), nghệ sĩ Hoài Linh đã chính thức khánh thành ngôi đền thờ tổ nghiệp sân khấu được cho là trăm tỉ. Đền thờ tổ nghiệp sân khấu của nghệ sĩ Hoài Linh vừa khánh thành có bàn thờ tổ nghiệp khá khác với cách thờ tổ truyền thống. Tại đây, tổ ở trong đền nguy nga chứ tổ không ở trong hậu trường cùng đoàn hát.

Bàn thờ trong đền gồm ba gian điện chính: Chính giữa đặt trang, bài vị thờ tổ. Bên trái là trang thờ nhỏ hơn thờ các nghệ sĩ tiền bối đã quy tiên và thêm một trang thờ nhỏ nữa thờ riêng nghệ sĩ Kim Ngọc (được nghệ sĩ Hoài Linh gọi là cô đào chính của mình).

Bên tay phải bàn thờ chính là trang thờ khán giả - ân nhân của sân khấu, nghệ sĩ.

“Khán giả là ân nhân, là người ơn của mình thì mình nên thờ chứ” - nghệ sĩ Hoài Linh giải thích.

Sắp tới tại đền thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh diễn ra một số hoạt động văn hóa, những buổi nói chuyện về sân khấu dân tộc dành cho bạn trẻ và công chúng. Rằm Trung thu tới, Hoài Linh cũng sẽ tổ chức cho các em thiếu nhi địa phương vui Trung thu tại sân đền.

Như nhà nghiên cứu - NSND Đinh Bằng Phi nói, đền thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa, tâm linh Việt. Tuy nhiên, việc nó có trở thành một ngôi đền thờ tổ chung của giới sân khấu TP.HCM hay chỉ là ngôi đền riêng của nghệ sĩ Hoài Linh còn cần rất nhiều thời gian để trả lời cũng như sự chung sức, chung lòng của giới sân khấu nói chung.

Mở cửa cho công chúng tham quan cuối tuần

Về chuyện quản lý đền thờ tổ, nghệ sĩ Hoài Linh cho biết: “Chắc là tôi sẽ mở cửa cho khán giả, du khách đến tham quan vào cuối tuần. Không có bán vé đâu, ai thích thì vào xem, thắp nhang thôi. Nhưng bình thường mà có ai đến thì cũng mở cửa, cứ gọi vào đường dây nóng sẽ có người ra mở cửa. Chắc phải để cái số điện thoại đường dây nóng ngoài cửa”.

Nói về cảm xúc khi đã hoàn thành ngôi đền thờ tổ của mình, Hoài Linh bộc lộ: “Tôi vui và hạnh phúc lắm khi thấy tâm nguyện của mình đạt thành. Công trình này tôi ấp ủ suốt 11 năm trời. Được như vầy tôi hài lòng lắm, không còn tiếc nuối chuyện gì chưa làm được. Tôi mong đây sẽ là đền thờ tổ không chỉ của riêng tôi mà là nơi thờ tổ nghiệp chung để anh em nghệ sĩ, khán giả yêu sân khấu tụ về mỗi mùa giỗ tổ”.

Tiêu điểm

Tục lệ giỗ tổ sân khấu có hơn trăm năm nay, xuất phát từ những đoàn hát rong đầu tiên trong dân gian ở phía Nam là những gánh hát bội sơ khai. Sau hát bội, đến cải lương, kịch nói miền Nam tiếp nhận tục lệ này. Thập niên 1990, việc giỗ tổ bắt đầu có thêm ở các nghề ca sĩ, người mẫu… với hình thức giỗ “ké” cùng cải lương và kịch nói bởi họ nghĩ rằng mình cũng là người biểu diễn trên sân khấu, cũng có chung tổ sân khấu. Hiện nay thì từ hát bội, cải lương, kịch nói, tấu hài đến ca sĩ, người mẫu, kể cả diễn viên điện ảnh, đài truyền hình, các công ty sản xuất chương trình giải trí có dính đến nghệ sĩ đều giỗ tổ sân khấu. Thậm chí nhiều nghệ sĩ còn giỗ riêng tại nhà. Hiện lệ giỗ tổ sân khấu đã phổ biến ở sân khấu phía Bắc và giới nghệ sĩ cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm